Bộ Công thương: Chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở

Các bộ, ngành đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhưng Bộ Công Thương nói "không".

Quan điểm này được Bộ Công Thương nêu khi báo cáo Thủ tướng về dự thảo quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam.

Theo đó, các bộ, ngành khi góp ý đều muốn mở rộng phạm vi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không chỉ trên mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn.

Các bộ cũng đề nghị làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ lần này.

Phản hồi những góp ý này, Bộ Công Thương dẫn chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cho hay cơ chế lần này chỉ áp dụng với điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.

Bộ Công thương: Chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: EVNHCM

Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Quy hoạch này cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc, và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Công suất điện mặt trời phát triển đến 2030 là 12.836 MW, trong đó nguồn tập trung 10.236 MW, còn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.

Như vậy, theo Quy hoạch điện VIII, đến 2030 công suất điện mặt trời mái nhà (không phân biệt loại hình) và điện mặt trời tự sản, tự tiêu tăng thêm khoảng 2.600 MW. “Với quy mô này thì không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà”, Bộ Công Thương nhận xét.

Bởi, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn điện mặt trời mái nhà như tại Quy hoạch điện VIII. Đó là chưa kể đến nguồn điện mặt trời mái nhà của các cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản tự tiêu tại TP Hồ Chí Minh phát triển theo cơ chế đặc thù thí điểm cho thành phố.

Vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030 với tổng công suất 2.600 MW. Loại nguồn này sẽ được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát lên lưới quốc gia, và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Điều này xuất phát từ thực tế về vận hành, là trường hợp điện mặt trời không đấu nối với lưới điện quốc gia thì các chủ đầu tư tự cân đối nguồn - tải tại chỗ. Họ sẽ phải lắp thêm lưu trữ điện, làm tăng chi phí đầu tư.

Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng một số cơ chế khuyến khích đến hết năm 2030, như điện mặt trời mái nhà liên kết với hệ thống điện đã được đấu nối sẽ không phải thỏa thuận đấu nối với ngành điện.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thì phải đăng ký với UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được giao về quản lý phát triển loại nguồn điện này. Họ sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, phí; ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển loại nguồn điện này tại công sở.

Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng những cơ chế Bộ Công Thương đưa ra khó khả thi nếu không lượng hóa quy mô cụ thể. GS. Lê Chí Hiệp, Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đồng tình phát triển điện mái nhà “tự sản tự tiêu”, song ông lưu ý, nếu phát triển đơn lẻ trên mái từng hộ nhà dân, công sở thì sẽ khó đạt được mục tiêu nguồn điện này đạt tỷ trọng lớn, tham gia vào cán cân năng lượng đất nước.

“Cơ quan quản lý cần tính toán và lượng hóa được quy mô phát triển nguồn điện này trong từng giai đoạn. Còn đưa ra một khái niệm chung mà không rõ quy mô, sẽ thất bại”, ông nói.

Cũng nhận xét cơ chế đưa ra còn chung chung, chưa hấp dẫn đầu tư , Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị, làm rõ miễn hoặc giảm các loại thuế, phí cụ thể cho nhà đầu tư. Việc ưu tiên ngân sách cho loại nguồn điện này là vốn đầu tư công hay chi thường xuyên. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công.

Theo Anh Minh/VNE

Đọc thêm

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Đủ nguồn vật liệu xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Đủ nguồn vật liệu xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Nguồn vật liệu cát, đất, đá để xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu gấp rút tìm kiếm và đẩy nhanh thủ tục khai thác. Đến nay, vật liệu thi công cho các dự án cao tốc về cơ bản đã không còn thiếu.