Bước phát triển của công nghiệp Hà Tĩnh...

(Baohatinh.vn) - Tròn 3 thập kỷ kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành công nghiệp Hà Tĩnh đã có sự phát triển đột phá về quy mô, năng lực sản xuất, đưa giá trị sản xuất toàn ngành lên hơn 80.000 tỷ đồng, trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh...

Từ năm 2015, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) tại Khu kinh tế Vũng Áng đã đi vào vận hành. Với sự hoạt động ổn định của 2 lò cao, FHS đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Không chỉ chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh từ sản xuất thép, FHS còn tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép. Đến nay, FHS trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, trung bình mỗi năm đóng góp 50 - 60% tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh.

Nhà máy Sản xuất gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt của Công ty CP Gỗ Thanh Thành Đạt (Cụm công nghiệp Vũ Quang) có tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, diện tích sử dụng 18 ha, đi vào hoạt động từ tháng 4/2019. Nhà máy có công suất 159.000 m3/năm, gỗ ván thanh công suất 2.400 m3/năm, phủ ván công suất 1.600.000 m²/năm, ván sàn công suất 1.360.000 m²/năm. Với dây chuyền công nghệ hiện đại, xuất xứ từ Cộng hòa Liên bang Đức và các nước châu Âu, nhà máy đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo môi trường.

Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh (thuộc Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh) đóng tại xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) đi vào sản xuất năm 2013, công suất nhà máy 50 triệu lít/năm. Hằng năm, nhà máy đóng góp khoảng 500 - 600 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh. Từ cuối năm 2020 đến nay, công ty đang thực hiện các thủ tục nâng công suất nhà máy lên 70 triệu lít/năm. 8 tháng năm 2021, sản lượng nhà máy đạt 39,5 triệu lít. Nhà máy đang đẩy mạnh sản xuất để “chinh phục” mục tiêu sản xuất 61 triệu lít trong năm 2021 này.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Khu kinh tế Vũng Áng) có công suất 1.200 MW, đi vào hoạt động năm 2015. Đây là nhà máy nhiệt điện lớn nhất khu vực miền Trung, đóng góp cho lưới điện quốc gia trung bình 7,2 tỷ kWh/năm - một con số có ý nghĩa trong bản đồ cung cấp năng lượng điện năng của đất nước. Năm 2021, nhà máy đặt mục tiêu sản xuất 7,062 tỷ kWh điện, đạt doanh thu 10.681 tỷ đồng, đóng nộp ngân sách nhà nước 304,112 tỷ đồng.

Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) đi vào sản xuất năm 2013, hiện có gần 400 lao động, là doanh nghiệp đầu tàu về xuất khẩu sợi trên địa bàn. Trong những năm qua, bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, công ty đã nỗ lực mở rộng thị trường, đưa sản phẩm tiếp cận các nước: Hàn Quốc, Ai Cập, Nhật Bản, Bồ Đào Nha. Năm 2021, doanh nghiệp phấn đấu cán đích mục tiêu sản xuất gần 7.800 tấn sợi, doanh thu đạt trên 460 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 11 tỷ đồng.

Công ty CP Dược Hà Tĩnh (Hadiphar) được thành lập năm 1960. Qua quá trình phát triển, Hadiphar đã xây dựng nên thương hiệu về sản xuất, phân phối thuốc chữa bệnh trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Đến nay, nhiều sản phẩm được công nhận huy chương vàng vì sức khỏe cộng đồng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Hadiphar đang nỗ lực bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh an toàn để hướng đến mục tiêu doanh thu 380 tỷ đồng năm 2021.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm găng tay thể thao, găng tay công nghiệp, trang phục thể thao, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh thuộc Cụm công nghiệp Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) đi vào hoạt động năm 2020, có công suất 9,9 triệu sản phẩm/năm. Công ty hiện đang tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động, trong đó, phần lớn là lao động địa phương. Trong năm 2021, công ty đã thông báo tuyển dụng thêm 1.500 nhân sự để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận hành hết công suất của dây chuyền.

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng) thành lập từ năm 1993 với dây chuyền sản xuất đạt công suất 600 tấn nguyên liệu/năm. Đến nay, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đã đạt công suất 1.100 tấn nguyên liệu/năm, tạo việc làm cho 310 lao động địa phương. Với thị trường chính là Nhật Bản, doanh thu bình quân mỗi năm của công ty đạt 130 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang đặt mục tiêu nâng công suất lên 1.300 tấn nguyên liệu/năm vào năm 2025, sử dụng 400 - 450 lao động.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói