Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

(Baohatinh.vn) - Từ con số “khiêm tốn” 29,2 tỷ đồng (năm 1991), đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên toàn tỉnh đã đạt hơn 80.000 tỷ đồng.

Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

Hoạt động sản xuất tại kho thép Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (Thạch Hà).

Là tỉnh nghèo, thuần nông nên điểm xuất phát ngành công nghiệp của Hà Tĩnh rất thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) năm 1991 (theo giá cố định năm 1989) chỉ đạt 29,2 tỷ đồng, chiếm 7,57% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh.

Ông Lê Quang Úy - nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Tĩnh thời kỳ 1991 - 1996 nhớ lại: “Các cơ sở công nghiệp thời bấy giờ chỉ có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trang thiết bị mức độ cơ giới hóa thấp, nguồn nhân lực còn hạn chế. Tỉnh ta khi đó chỉ có một số nhà máy, xí nghiệp như: Xí nghiệp Thủy tinh - Sành Bãi Vọt, nhà máy gạch, xí nghiệp sứ…

Để tháo gỡ khó khăn, thời điểm đó, cán bộ sở đã trăn trở và xác định phải xây dựng chiến lược lâu dài cho ngành công nghiệp. Chúng tôi đã mời các kỹ sư, chuyên gia về làm việc và cùng nhau viết các dự án, đồng thời tham mưu Tỉnh ủy chính sách “mở cửa” đón đầu tư và phát triển nguồn nhân lực”.

Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

Công ty CP Sao Mai (CCN Bắc Cẩm Xuyên) với hơn 240 lao động chuyên cung cấp bao bì cho thị trường nội địa và các nước châu Á.

Những năm 1991 - 2000, hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh dần có bước phát triển, chỉ tính riêng khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp 19,1% (năm 1991) trong cơ cấu giá trị SXCN thì đến năm 2000, con số này là 53%. Khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh cũng phát triển mạnh về số lượng cơ sở, đa dạng về ngành nghề và sản phẩm.

Năm 2000, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp tư nhân và 13.423 hộ cá thể sản xuất CN - TTCN, sử dụng 22.542 lao động và chiếm 46% trong cơ cấu giá trị SXCN. Thời kỳ này, tỉnh bắt đầu quan tâm và thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), trong 10 năm có 8 dự án FDI được cấp phép: Liên doanh Austinh, Liên doanh chế biến nhựa thông (Lâm hóa Hà Châu), Liên doanh Bia Praha - Hà Tĩnh…

Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh thường xuyên xuất khẩu hàng may mặc đi thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Từ năm 2001 - 2005, SXCN tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mức kế hoạch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dành nhiều sức lực, thời gian, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn từ Trung ương và các tập đoàn kinh tế lớn, nhờ đó, giai đoạn này, công nghiệp Hà Tĩnh phát triển sôi động. Giá trị SXCN đến năm 2005 đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với năm 2000.

Hơn thế, thời kỳ này, công nghiệp Hà Tĩnh có thêm các sản phẩm mới như: Zircon siêu mịn, hàng mây tre đan xuất khẩu, các sản phẩm từ vật liệu Composite, thức ăn chăn nuôi từ công nghệ hiện đại, thủy sản đông lạnh cao cấp xuất khẩu…

Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

Tàu nước ngoài vào nhận hàng ở cảng Vũng Áng năm 2007.

Năm 2007, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo nhiều thời cơ mới cho Hà Tĩnh mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển KT-XH nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Nhờ đó, giá trị SXCN năm 2007 đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2006.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng cho biết: “Giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng CN - TTCN bình quân đạt trên 14%/năm. Giá trị SXCN tăng bình quân hàng năm 18,7%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu giá trị các ngành công nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng tỷ trọng công nghiệp chế biến và phân phối điện, nước ngày càng tăng, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm dần”.

Điều quan trọng, giai đoạn này, nhiều dự án lớn được cấp phép và thực hiện đầu tư: các dự án nhiệt điện có tổng công suất 4.800 MW; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh có công suất 50 triệu lít/năm... Điển hình là dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, với quy mô giai đoạn I đầu tư luyện cán thép 7,5 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 7,87 tỷ USD đã được khởi công vào ngày 6/7/2008.

Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh đi vào vận hành tạo “cú hích” mạnh mẽ cho ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Năm 2011 đến nay là thời kỳ ngành công nghiệp Hà Tĩnh có bước phát triển đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế tỉnh. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP tăng từ 7,52% năm 2011 lên 12,92% năm 2015 và đạt 34,74% vào năm 2020. Giá trị SXCN tăng từ 5.827 tỷ đồng năm 2011 lên 12.396 tỷ đồng năm 2015 và trên 80.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp (CCN) trải dài từ Bắc đến Nam Hà Tĩnh, trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng đóng vai trò là động lực phát triển công nghiệp với đa dạng sản phẩm công nghiệp như gang thép, nhiệt điện, cảng biển.

“Cú hích” mạnh mẽ cho ngành công nghiệp là năm 2017, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn I) đi vào vận hành, trở thành hạt nhân tăng trưởng của tỉnh. Không chỉ chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, những năm vừa qua, Formosa còn tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên các lĩnh vực.

Công nghiệp Hà Tĩnh - hành trình trở thành “hạt nhân” kinh tế của tỉnh

Nhà máy chế biến gỗ MDF-HDF Thanh Thành Đạt (CCN Vũ Quang) góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho công nghiệp Hà Tĩnh.

“Ngoài Formosa, một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh; chuỗi nhà máy sợi, may được hình thành tại các CCN Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân; Nhà máy Chế biến gỗ MDF - HDF tại CCN Vũ Quang và các nhà máy sản xuất bao bì tại CCN Bắc Cẩm Xuyên, Đức Thọ... đã tạo nên diện mạo công nghiệp hiện đại” - Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng thông tin.

Với tiềm năng, lợi thế vườn đồi, dư địa tăng trưởng công nghiệp còn nhiều, hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang tìm hiểu đầu tư, đề xuất dự án sẽ góp phần tạo sự phát triển vượt bậc cho ngành công nghiệp Hà Tĩnh giai đoạn tiếp theo.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.