Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Cà pháo xanh “bén duyên” đất Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhiều năm nay và đang trở thành cây trồng truyền thống chủ lực mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Từ nhiều năm nay, cứ đến vụ đông, thay vì trồng các cây màu kém hiệu quả, gia đình bà Nguyễn Thị Quyết (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) chuyển sang trồng cây cà pháo xanh.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Bà Nguyễn Thị Quyết thôn 4, Cẩm Lĩnh chăm sóc luống cà giống vừa nảy mầm

Cà pháo xanh được xem là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà Nguyễn Thị Quyết. Theo bà Quyết, với hơn 700m2 diện tích vườn, năm ngoái, trung bình mỗi ngày, bà thu nhập từ 300.000 – 500.000 đồng nhờ bán cà pháo xanh.

Thời điểm này, bà Quyết đang chăm sóc vạt cà giống vừa nảy mầm để kịp gieo trồng trước tết Nguyên đán. Bà Quyết chia sẻ: “Trước đó một tuần, tôi vãi hạt, nay cà đã lên. Dự kiến đầu tháng 12 âm lịch, khi cây cà phát triển cứng cáp thì gia đình tôi sẽ phá bỏ vườn rau cải, rau lách và làm luống để trồng phủ kín diện tích trong vườn”.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Dự kiến một tuần nữa, bà Nguyễn Thị Thường (thôn 3, Cẩm Lĩnh) sẽ làm luống để phủ kín khu vườn của gia đình bằng cây cà pháo xanh

Cũng như bà Quyết, bà Nguyễn Thị Thường (thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) đang tất bật chăm sóc cho vạt cà giống vừa gieo hạt. “Đáng lý ra thời điểm này, gia đình đã làm đất chuyển cà ra trồng ở luống nhưng do rét đậm rét hại nên cây cà phát triển chậm hơn. Hiện nay, tôi đang chăm sóc, bón phân để đảm bảo cây giống khỏe mạnh” – Bà Nguyễn Thị Thường cho hay.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Để “chống rét” cho cây cà vừa nảy mần, người dân rắc gỗ mun lên trên nền đất

Khi cây giống phát triển đạt chiều dài khoảng 4 cm, bà Thường sẽ làm luống chuyển cà ra trồng. Cây cà pháo xanh khi lên luống khoảng 2 tháng sau sẽ cho thu hoạch. Từ tháng 2 – tháng 7 (âm lịch) là vụ thu hoạch cà pháo xanh của người dân xã Cẩm Lĩnh.

Theo người dân địa phương, cà pháo xanh là cây trồng truyền thống ở đây từ nhiều năm nay. Cuối vụ, người dân xã Cẩm Lĩnh chọn những quả to, đẹp để hạt khô và cất giữ để nhân giống vụ sau. Thống kê của UBND xã, hiện nay, hơn 70% hộ dân ở 6 thôn trên địa bàn đều trồng loại cây chủ lực này. Trong đó, toàn xã có khoảng hơn 300 hộ sản xuất với quy mô trung bình trên 500 m2.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Cây cà pháo xanh cho quả sớm ở Cẩm Lĩnh

Ông Lê Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Cà pháo xanh là cây trồng vụ đông chính trên địa bàn. Người dân địa phương chủ yếu trồng cà pháo xanh trong vườn hộ. Các hộ trồng nhiều thường được thương lái ở các vùng lân cận vào thu mua với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg, có những thời điểm 20.000 đồng/kg. Ở những vườn hộ trồng quy mô trên 500 m2, bình quân mỗi năm thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng”.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Cà pháo xanh còn được người dân địa phương gọi là cà cỏ

Cà pháo xanh của người dân xã Cẩm Lĩnh được thương lái thu mua và bán ở các chợ đầu mối trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, với quả nhỏ, giòn, ngon và khác biệt với các loại cà pháo khác, hiện nay, nhiều hộ dân ở các vùng lân cận như: Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Xuân (Kỳ Anh) còn thu mua cà pháo xanh để muối mắm.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Cà pháo xanh muối mắm rất được thị trường ưa chuộng

Sản xuất cà muối mắm từ nguồn nguyên liệu cà pháo xanh của người dân xã Cẩm Lĩnh, bà Trần Thị Loan (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) cho biết: “Năm 2020, cơ sở của tôi thu mua và chế biến hơn 3 tạ cà muối mắm. Sản phẩm cà muối mắm Tuệ Loan vừa rồi tham gia hội thi ẩm thực hướng tới sản phẩm OCOP Hà Tĩnh lần thứ I năm 2020 và đã đạt giải nhì. Là đặc sản, khác biệt với các loại cà pháo khác nên cà pháo xanh rất được thị trường ưa chuộng”.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Sản phẩm cà muối mắm Tuệ Loan (Cẩm Nhượng) đang xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh

Nhận thấy đây là cây trồng truyền thống chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên đã triển khai khảo sát vùng trồng nguyên liệu cà pháo xanh ở xã Cẩm Lĩnh. Hiện nay, phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên đang xây dựng kế hoạch mở rộng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà pháo xanh gắn với xây dựng sản phẩm OCOP cà muối mắm Tuệ Loan.

Cà pháo xanh, cây trồng chính trong vụ đông ở Cẩm Xuyên

Cà muối mắm Tuệ Loan sử dụng nguyên liệu cà pháo xanh trồng tại xã Cẩm Lĩnh

“Cà pháo xanh có đặc trưng riêng, người dân Cẩm Xuyên gọi đây là giống cà cỏ và chỉ thích hợp với vùng đất pha cát các xã: Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung. Trong tương lai, địa phương sẽ liên kết sản xuất vùng trồng nguyên liệu với cơ sở sản xuất cà muối mắm và tìm chuỗi đầu ra cho sản phẩm cà pháo xanh để từ đó nhân rộng diện tích và nâng cao thu nhập cho người dân” – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho hay.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.