Các nhà vườn ở Can Lộc “hãm cam” chờ tết

(Baohatinh.vn) - Tết Nguyên đán sắp đến gần, những người trồng cam ở vùng trà sơn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang tập trung chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây để chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

Anh Trần Hải (thôn Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc) dùng vôi bột rải đều trên bề mặt nhằm làm sạch đất.

Anh Trần Hải (thôn Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc) cho biết: “Với gần 600 gốc cam chanh và cam giòn trên diện tích 1,5 ha, đầu vụ đến nay tôi đã bán khoảng 5-6 tấn. Hiện, trong vườn còn khoảng 10 tấn cam, tôi dành bán dịp tết. Mấy hôm nay, thương lái đã bắt đầu đặt hàng “bao” cả cây, chờ gần tết thì thu hoạch. Để giữ cho cam đảm bảo tươi, ngọt chín đúng dịp, tôi tập trung tỉa cành tạo sự thông thoáng và bón phân để cây sinh trưởng tốt, tăng độ ngọt cho quả”.

Còn bà Phan Thị Hiền (thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga) trồng trên 1.200 gốc cam nên thời điểm này, bà vừa tập trung cho kỳ chăm sóc cuối cùng vừa thu hoạch để xuất bán dần từ nay đến tết Nguyên đán.

Bà Hiền bày tỏ: “Năm nay, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên quả cam đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, thường thì các loại quả đều có chu kỳ chín và rụng trong một thời gian nhất định, vào các năm trước, cam chín rộ vào cùng một thời điểm sẽ bị giảm giá bán. Năm nay, tôi được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật “cam chín hai thì” (hãm thời gian chín của cam) nên hiện tại chỉ mới thu hoạch khoảng 1/3, còn lại khoảng 8 tấn quả đang xanh, chờ bán dịp tết. Giá cam giòn đang được thu mua với mức 40 - 45 nghìn đồng/kg tại vườn, đến cận tết thì sẽ cao gấp đôi. Trừ các chi phí, ước tính vụ cam này mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 300 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc HTX Trà Sơn tích cực bám vườn, kiểm tra từng gốc cam.

Cùng với bà con nông dân, anh Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc HTX Trà Sơn (xã Thượng Lộc) tích cực bám vườn, kiểm tra từng gốc cam. Anh Hòa cho biết: “Trong khi các vườn cam khác hiện đã chín rộ, thu hoạch gần hết thì những cây cam của các thành viên HTX mới chín đến 2/3. Dự kiến, trong dịp tết Nguyên đán tới, chúng tôi dành để đưa ra thị trường hơn 150 tấn cam”.

Hiện nay, HTX Trà Sơn có 15 thành viên với tổng diện tích sản xuất là 60 ha cam, trong đó 15 ha đã cho thu hoạch. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietFarm và đạt chuẩn OCOP 4 sao, thương hiệu cam giòn Thượng Lộc khi đưa ra thị trường đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Người dân tích cực làm cỏ, thu nhặt trái rụng.

Hiện nay, tại huyện Can Lộc hiện 659 ha trồng cam, tập trung ở các xã vùng trà sơn như: Thượng Lộc (280 ha), Mỹ Lộc (55 ha), Sơn Lộc (62 ha), Phú Lộc (60 ha), thị trấn Đồng Lộc (42 ha)... Vụ cam năm 2022, toàn huyện có 501 ha cho thu hoạch, tăng 100 ha so với năm 2021. Đây là thời điểm sôi động nhất của các nhà vườn khi vừa tập trung chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho cam kỳ sinh trưởng cuối, vừa thu hoạch, cung ứng cho thị trường đúng thời vụ.

Những quả cam đang được hãm sẽ chín vào dịp sát tết, giá bán sẽ tăng cao.

Đặc biệt, kỹ thuật “hãm cam” chờ dịp tết đang được nhiều nhà vườn ở Can Lộc áp dụng. Theo kinh nghiệm của các hộ dân thì trồng cam để phục vụ thị trường tết không khó, tuy nhiên, việc chăm sóc đòi hỏi sự cần mẫn, tốn nhiều công sức. Để đạt hiệu quả, các chủ vườn phải căn chỉnh quy trình chăm sóc theo thời tiết cũng như thời điểm chín của cam để xác định việc bón supe lân hợp lý. Cùng với đó, dùng vôi bột rải đều gốc nhằm làm sạch đất, chống nấm mốc, tăng độ PH và phòng bệnh mềm nhũn quả.

Thời điểm này, người dân cũng chú trọng kỹ thuật tưới nước, không được tưới đậm mà chỉ dùng phương pháp phun sương. Phía dưới gốc có thể kết hợp trải nilon để giúp giữ nước.

Các vườn cam ở vùng trà sơn sẵn sàng phục vụ thị trường tết.

Ông Đặng Tịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc cho hay: “Trong quá trình trồng cam, bà con trên địa bàn đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để kéo dài thời vụ chín của quả cam. Kỹ thuật này góp phần giúp người trồng cam ổn định hơn về thu nhập, hạn chế tình trạng cam được mùa rớt giá, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nghề trồng cam một cách bền vững".

Nhờ sự chủ động kết nối thị trường, đồng thời nhu cầu tiêu thụ dịp tết tăng cao nên cam Thượng Lộc có đầu ra ổn định.

Những năm qua, nhờ không ngừng nâng cao việc áp dụng KHKT và xúc tiến quảng bá, cam Thượng Lộc (nhãn hiệu cam Thượng Lộc là chỉ dẫn địa lý cho cam vùng trà sơn Can Lộc - P.V) đã khẳng định được thương hiệu trong cả nước, hướng tới thị trường lớn hơn như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh… Đến nay, sản phẩm cam Thượng Lộc được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, bước đầu đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, có mặt trên các kệ hàng của các cửa hàng nông sản sạch và đại lý hoa quả. Ngoài ra, người dân còn đẩy mạnh bán hàng online, nhận đặt hàng qua điện thoại.

Thời điểm này, tất cả các nhà vườn đều đang dồn sức chăm sóc từng cây cam để thu được hiệu quả kinh tế cao nhất vào dịp tết Nguyên đán sắp tới. Đây là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và đang ngày càng được phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Huyện đang tích cực triển khai chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử để tiếp tục gia tăng giá trị cho sản phẩm đặc sản quê hương.

Ông Phan Cao Kỳ

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói