Cây vụ đông sẽ sớm phủ kín hơn 1.300 ha ở Đức Thọ

(Baohatinh.vn) - Tình hình mưa lũ làm ảnh hưởng tiến độ sản xuất vụ đông nên những ngày qua, bà con nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tranh thủ thời gian, nỗ lực phủ kín diện tích.

Bà con nông dân thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy ra đồng làm đất gieo trỉa hành tăm.

Trong những năm qua, cây hành tăm đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông của xã Lâm Trung Thủy. Do ảnh hưởng của đợt mưa giữa tháng 9 nên năm nay, thời vụ gieo trỉa hành tăm vụ đông ở đây muộn hơn so với những năm trước.

Gia đình bà Lê Thị Xanh - thôn Trung Đông (xã Lâm Trung Thủy) năm nào cũng sản xuất hơn 1 sào hành tăm vụ đông, năng suất bình quân đạt từ 3,5 - 4 tạ/sào. Năm 2020, trừ chi phí như giống, phân bón, gia đình bà lãi 10 triệu đồng.

Bà Lê Thị Xanh cho biết: “Do ảnh hưởng mưa lũ nên năm nay, thời vụ xuống giống muộn hơn đến gần nửa tháng. Nếu thời tiết thuận lợi thì đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao mà không phải tốn nhiều công chăm sóc”.

Cây hành tăm trở thành cây trồng chính trong vụ đông của bà con nông dân xã Lâm Trung Thủy.

Hành tăm là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều chi phí về giống, phân bón, công chăm sóc đơn giản. Theo tính toán của bà con nông dân, nếu thời tiết thuận lợi, canh tác đúng quy trình kỹ thuật, mỗi ha hành tăm cho năng suất từ 7 - 8 tấn. Với giá bán từ 30 - 35 ngàn đồng/kg, cây hành tăm gieo trồng trên đồng đất Lâm Trung Thủy cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha.

Ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết: Vụ đông 2021, xã sản xuất trên 40 ha cây trồng các loại, trong đó hành tăm chiếm tới 95% diện tích, chủ yếu được trồng ở những vùng ruộng cao cưỡng, cồn bãi, vườn hộ và khoảng 5 ha được trồng tập trung, mỗi vùng 1 ha.

Để từng bước đưa cây hành tăm và các loại rau màu vụ đông trở thành hàng hóa, những năm qua, xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để quy hoạch vùng, đồng thời cải tạo mặt bằng, hệ thống bờ rào, mương tiêu thoát nước. Từ đó, chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, quy mô vườn hộ sang sản xuất tập trung quy mô lớn.

Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ nên thời vụ sản xuất vụ đông của Đức Thọ chậm gần nửa tháng so với dự kiến

Tại thị trấn Đức Thọ, dù diện tích sản xuất nông nghiệp ít nhưng bà con nông dân vẫn tận dụng hết diện tích, chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, nhất là rau màu vụ đông.

Bà con nông dân thôn Đại Nghĩa, thị trấn Đức Thọ tập trung ra đồng chăm sóc rau màu vụ đông

Ông Phạm Ngọc Lân, xã viên HTX cho biết: “Gia đình tôi có 2 sào đất tại khu vực sản xuất rau an toàn của thôn Đại Nghĩa. Gia đình tôi đã đầu tư hàng chục triệu đồng để làm nhà lưới, hệ thống tưới tự động, nhờ vậy dù thời tiết không thuận lợi nhưng tôi vẫn trồng được các loại rau như xà lách, rau cải, rau gi vị để cung cấp cho thị trường”.

Điều quan trọng, thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nhiều xứ đồng như trước, 2 sào ruộng của gia đình ông đã được tích tụ về 1 nơi, vừa dễ đầu tư vừa cho thu nhập cao hơn.

Các loại rau cải, xà lách và rau gia vị là thế mạnh của HTX sản xuất rau an toàn thôn Đại Nghĩa.

Sau 5 năm, bà con nông dân trong HTX Rau an toàn thôn Đại Nghĩa đã quen với việc tiếp cận với quy trình sản xuất khép kín, tận dụng tối đa quỹ thời gian nhàn rỗi để phủ kín diện tích.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được bà con đầu tư xây dựng như: lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới tự động... Địa phương hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó bà con nông dân yên tâm sản xuất. Giá trị thu nhập đạt từ 9 - 10 triệu đồng/sào/vụ. Hiện nay, các giống rau thế mạnh đó là các loại rau gia vị, cải ngọt, xà lách…

Chị Nguyễn Thị Thơm, thôn Đại Nghĩa đang chăm sóc những luống rau vừa gieo trỉa

Đến thời điểm này, thị trấn Đức Thọ đã hình thành 3 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, mỗi vùng từ 2 ha trở lên. Sản xuất rau vụ đông còn góp phần cải tạo đất, đảm bảo tốt các điều kiện để sản xuất nguồn rau phục vụ tết Nguyên đán.

Hiện tại, toàn huyện Đức Thọ đã gieo trỉa gần 1.000 ha cây trồng các loại. Các địa phương trên địa bàn đang phấn đấu để sớm phủ kín diện tích.

Vụ Đông năm nay, huyện Đức Thọ sản xuất trên 1.300 ha, trong đó cây ngô, lạc là 900 ha, còn lại là rau màu các loại. Đối với các địa phương bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, huyện có chính sách hỗ trợ giống, phân bón để bà con có điều kiện khắc phục thiệt hại và tiếp tục sản xuất nhằm phủ kín diện tích.

Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói