Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Hà Tĩnh khởi sắc

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ đã quay trở lại hoạt động sôi động nhờ những điều chỉnh trong chính sách xuất khẩu gỗ của Chính phủ Lào.

Sau 4 năm gặp khó khăn trong hoạt động nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam, mới đây, Công ty TNHH Tùng Minh (khối 7, thị trấn Hương Khê) đã nhập về 5 chuyến hàng với khối lượng hơn 300 m3 gỗ các loại. Qua đó, doanh nghiệp đóng nộp thuế VAT gần 900 triệu đồng.

Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Hà Tĩnh khởi sắc

Xe container vào mua nguyên liệu gỗ của Công ty TNHH Tùng Minh (thị trấn Hương Khê).

Ông Hồ Sỹ Minh - Giám đốc Công ty TNHH Tùng Minh cho biết: “Ngày 13/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Chỉ thị số 15/PM quy định cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm... Từ đó đến nay, công ty chúng tôi không có hàng nhập từ Lào về. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1/2021, Lào điều chỉnh một số chính sách về xuất khẩu gỗ. Theo đó, gỗ xẻ, gỗ tấm được phép xuất khẩu. Nhờ vậy, doanh nghiệp chúng tôi có hàng về, hoạt động kinh doanh của công ty cũng khởi sắc hơn”.

Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Hà Tĩnh khởi sắc

Hoạt động bốc xếp gỗ của Công ty TNHH Tùng Minh.

Với những chuyến hàng vừa cập kho, Công ty TNHH Tùng Minh đã kịp thời tìm kiếm bạn hàng để xuất bán. Nguồn hàng của Công ty TNHH Tùng Minh được bán cho đối tác ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam và xuất sang cả Trung Quốc. Hiện nay, nhà xưởng của công ty tại Lào đang còn tồn khoảng hơn 3.000 m3 gỗ. Thời gian tới, Công ty TNHH Tùng Minh dự kiến sẽ tiếp tục nhập về để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga (khối 5, thị trấn Hương Khê) cũng đang tái khởi động việc kinh doanh gỗ sau nhiều năm trầy trật. Sau tết Nguyên đán đến nay, doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga đã nhập về 8 xe hàng với khối lượng gần 600 m3 gỗ các loại. Qua đó, doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga đã đóng nộp thuế VAT hơn 1 tỷ đồng.

Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Hà Tĩnh khởi sắc

Gỗ vừa nhập khẩu của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga (thị trấn Hương Khê) được khai thác từ lâu nên bị mục, hư hỏng nhiều.

“Số gỗ này được khai thác từ trước năm 2016 nhưng vì vướng Chỉ thị 15/PM của Chính phủ Lào nên không thể về Việt Nam. Giờ chính sách nới lỏng nên doanh nghiệp chúng tôi mới có thể đưa hàng về. Trong gần 600 m3 gỗ vừa nhập về có khoảng 100 m3 gỗ đã hư hỏng, chúng tôi buộc phải bán lỗ để bù chi phí khai thác, vận chuyển trước đó. Hiện nay, công ty chúng tôi vẫn còn tồn đọng khoảng 400 m3 gỗ ở kho bên Lào, nếu đưa về chắc cũng phải chịu lỗ vì có nhiều khối bị mục và hư hỏng, không bán được”, ông Trần Phát Đạt - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga cho biết.

Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Hà Tĩnh khởi sắc

Gỗ tròn bị cấm xuất khẩu nhưng từ đầu năm đến nay, Chính phủ Lào sửa đổi một số quy định và cho phép xuất khẩu gỗ xẻ, gỗ tấm.

Được biết, từ năm 2016, sau khi Chính phủ Lào ra Chỉ thị 15/PM nghiêm cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm… nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ rơi vào tình cảnh “điêu đứng”, phá sản. Tại “thủ phủ” buôn gỗ huyện Hương Khê, thời điểm trước năm 2016 có hơn 80 doanh nghiệp kinh doanh lâm sản. Vậy nhưng, thời điểm này, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Ông Trần Phát Đạt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê cho biết: “Thời điểm đó, hoạt động xuất nhập khẩu gỗ khó khăn khiến cho các dịch vụ ăn theo như: vận tải, chế biến lâm sản… cũng rơi vào bế tắc, dừng hoạt động. Với việc Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Hương Khê có khoảng gần 10 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ. Hy vọng với đà khởi sắc này, nhiều doanh nghiệp sẽ vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương”.

Chính phủ Lào nới lỏng chính sách, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Hà Tĩnh khởi sắc

Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga (thị trấn Hương Khê) vừa nhập về gần 600 m3 gỗ từ Lào để hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp mở 40 tờ khai nhập khẩu gỗ (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020) với kim ngạch đạt 2,035 triệu USD; qua đó, đóng nộp ngân sách nhà nước hơn 4,6 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020).

Hoạt động xuất nhập khẩu gỗ khởi sắc nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn còn vướng mắc trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam”.

Mới đây, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung các giấy tờ thủ tục truy xuất nguồn gốc hàng hóa để đảm bảo thông quan nhanh chóng cho doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam.

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.