Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trước dự báo thời tiết còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, các cơ sở và hộ nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện các giải pháp chống rét cho tôm, cá.

Vừa thả hơn 2,5 triệu con giống tôm thẻ chân trắng được hơn 15 ngày, anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc kỹ thuật HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân) không khỏi lo lắng khi thời tiết được dự báo sẽ rét đậm, rét hại kéo dài.

bqbht_br_z6144437190239-ea023eb5d11459ac90e15f2af9da60e9.jpg
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân) tăng cường sục khí đảm bảo môi trường nuôi ổn định.

Theo anh Dũng, khi trời trở lạnh, các ao nuôi luôn được che bằng bạt, lưới, ni-lông kín gió, đảm bảo nhiệt độ bên trong đạt mức trên 20 độ C. Cùng với duy trì mực nước hồ nuôi đủ sâu, sạch, HTX chú trọng bổ sung các chất khoáng, vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; chủ động giảm lượng thức ăn và nếu nhiệt độ ao xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho ăn để tránh hiện tượng tôm ăn phải thức ăn thừa còn sót lại dưới đáy, ảnh hưởng đến đường ruột và sự phát triển.

bqbht_br_z6144709322418-4c9d01fa9c74c95e8b9844aa02319905.jpg
Công nhân HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành bổ sung dinh dưỡng cho tôm.

Thời điểm này, ngoài bổ sung các loại khoáng chất, ông Trần Văn Minh (thị trấn Lộc Hà) còn tăng cường sục khí, vừa đảm bảo lượng ôxi, vừa tăng độ ấm ở khu vực đáy cho tôm. Ông Minh cho biết: “Tôi vừa thả nuôi hơn 30 vạn tôm giống được gần 1,5 tháng. Vì tôm còn nhỏ nên quá trình chăm sóc phải chú trọng các yếu tố kỹ thuật, nhất là khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C vào đêm và sáng sớm”.

Được biết, huyện Lộc Hà hiện có gần 20ha ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trong vụ đông. Cùng đó là gần 150ha ao hồ nuôi cá nước ngọt và mặn lợ, chủ yếu là các loại cá như: diêu hồng, rô phi đơn tính, mè, chẽm... Vì thế, việc phòng chống rét cho tôm, cá khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại đang được tập trung thực hiện để đảm bảo sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi, chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm.

bqbht_br_img-7590.jpg
Người nuôi tôm cần theo dõi sức khỏe của tôm nuôi thường xuyên.

UBND huyện Lộc Hà đã ban hành công điện chỉ đạo bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhất là đối với nuôi trồng thủy sản. Theo đó, khuyến cáo người nuôi có phương án thu hoạch trước khi bước vào đợt rét đậm, rét hại; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của thời tiết để có biện pháp xử lý phù hợp; hướng dẫn khi nhiệt độ xuống dưới 18 độ C thì giảm 1/2 - 2/3 lượng thức ăn, khi dưới 15 độ C thì ngừng cho ăn.

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh cũng đang chủ động nhiều giải pháp bảo vệ, tăng cường sức đề kháng cho đối tượng nuôi. Thời điểm này, người nuôi cá vược trong lồng bè thôn Vĩnh Phúc, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) tích cực chăm sóc để chuẩn bị xuất bán số lượng lớn vào thời điểm cuối năm.

bqbht_br_z6160459483591-edc8062c3ef7032e2a27ac6f66698228.jpg
Người nuôi cá lồng bè tại thôn Vĩnh Phúc (Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) chú trọng chăm sóc cá vược để chuẩn bị xuất bán số lượng lớn vào cuối năm.

Anh Trần Văn Khoa - hộ nuôi cá lồng bè tại thôn Vĩnh Phúc (Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Dự kiến, từ nay đến tháng 2/2025, tôi sẽ xuất bán khoảng 2 lồng cá vược nên phải theo dõi sức khỏe của cá thường xuyên. Khi nhiệt độ xuống thấp, môi trường nuôi liên tục biến động, sức đề kháng của cá giảm, dễ bị bệnh. Vì thế, tôi chủ động treo túi vôi ở đầu dòng chảy để khử trùng nước, phòng bệnh; bổ sung thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, định kỳ trộn vitamin C và khoáng chất vào thành phần thức ăn để tăng khả năng chống chịu với thời tiết lạnh kéo dài; chủ động bán tỉa dần nếu nhiệt độ xuống quá thấp”.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, Hà Tĩnh hiện có hơn 500ha nuôi tôm, gần 20.000m3 lồng bè nuôi cá, khoảng 1.000 ha nuôi cá nước ngọt. Trước dự báo, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều đợt rét đậm, rét hại, ngành đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu triển khai đồng bộ, kịp thời giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra trong nuôi trồng thuỷ sản.

bqbht_br_z6144437257528-7652c32eca098088e2c7a71ada15d425.jpg
Các hồ nuôi tôm được che bạt kỹ lưỡng để hạn chế ảnh hưởng khi nhiệt độ xuống thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), để giảm thiểu ảnh hưởng của không khí lạnh và bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa đông, các cơ sở nuôi cần tính phương án thu hoạch trước khi bước vào đợt rét đậm, rét hại, đặc biệt là các loài thủy sản có khả năng chống chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá chim vây vàng… Đối với thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì duy trì mực nước ao/bể nuôi đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m, mực nước khu vực lồng nuôi từ 2 - 3m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi; di chuyển lồng bè đến vực ít gió.

Với các cơ sở nuôi tôm vụ đông, ngoài duy trì mực nước trong ao/bể phù hợp cần có các biện pháp chống rét như làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi/bể nuôi để bảo vệ đối tượng nuôi; đảm bảo cung cấp đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho đối tượng nuôi. Khi nhiệt độ ao xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho ăn (có thể tranh thủ các thời điểm nắng ấm trong ngày để cho ăn). Đối với ao/bể nuôi định kỳ dùng CaO bón xuống ao nuôi 2 – 3kg/100m2 nước hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao/bể nuôi, phòng bệnh cho động vật thủy sản nuôi.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Mô hình "Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ" của Hội LHPN xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động không chỉ góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường mà còn biến hàng trăm tấn rác thải thành nguồn phân bón hữu ích.
Người dân Hà Tĩnh trúng đậm ốc tép

Người dân Hà Tĩnh trúng đậm ốc tép

Với giá bán 300.000 - 320.000 đồng/tạ ốc tép, ngư dân Hà Tĩnh có thể thu về từ 1,5-3 triệu đồng/ngày nhờ tích cực kéo lưới thu hoạch "lộc biển".
Hương Sơn có thêm 3 sản phẩm OCOP 3 sao

Hương Sơn có thêm 3 sản phẩm OCOP 3 sao

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa chấm điểm công nhận 5 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2025, trong đó, 2 sản phẩm đánh giá lại và 3 sản phẩm mới.
Thạch Kim đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Thạch Kim đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương giáp biển để phát triển sản xuất, đảm bảo sinh kế, tạo nền tảng và động lực phát triển KT-XH.
Ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo gì cho vụ tôm xuân - hè 2025?

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo gì cho vụ tôm xuân - hè 2025?

Người dân Hà Tĩnh chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm xuân hè 2025. Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) đã có những khuyến cáo nhằm giúp người dân giành thắng lợi trong vụ nuôi sắp tới.
Giá trị nhung hươu Hương Sơn ngày càng tăng cao

Giá trị nhung hươu Hương Sơn ngày càng tăng cao

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, cải thiện chất lượng đàn hươu, tập trung chế biến sâu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nuôi lươn không bùn ở Cẩm Quang

Nuôi lươn không bùn ở Cẩm Quang

Mô hình nuôi lươn bằng bể không bùn của anh Nguyễn Quốc Hữu (xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dự kiến cho thu hoạch khoảng 15-17 tấn lươn thương phẩm sau 10-12 tháng thả nuôi.
Ngư dân bội thu, tiểu thương phấn khởi

Ngư dân bội thu, tiểu thương phấn khởi

Những chuyến biển gần đây, ngư dân Hà Tĩnh trúng đậm nhiều luồng cá cơm, cá trích, mực, cá bạc má… tạo nguồn cung hải sản đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời mang về nguồn thu nhập khá.
Vũ Quang tươi mới

Vũ Quang tươi mới

Việc chú trọng xây dựng vườn mẫu, cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, cụm dân cư sinh thái… đã tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang (Hà Tĩnh).