Ông Hà Minh Đông - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh cho hay: “Hiện nay, đội đang quản lý và vận hành 9 trạm biến áp 110 kV, 12 đường dây 110 kV với tổng chiều dài trên 235 km. Tại mỗi trạm biến áp 110 kV, trước đây có tới 13 đầu sổ, mỗi đường dây 110 kV có tới 5 đầu sổ ghi chép các thông số vận hành hằng ngày.
Hiện nay, khi ứng dụng các phần mềm vào quản lý, vận hành giúp xóa bỏ tình trạng ghi chép thủ công, nâng cao độ chính xác trong quản lý, vận hành và tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện Hà Minh Đông (áo trắng) kiểm tra các thiết bị tại trạm biến áp 110 kV Thạch Linh TP Hà Tĩnh.
PMIS (phần mềm quản lý vận hành thiết bị trên lưới) là một phần mềm quan trọng giúp Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh nhận diện chính xác, nhanh chóng các thiết bị trên lưới. Nếu như trước đây, hệ thống nguồn điện, lưới điện được quản lý qua giấy tờ, sổ sách, tất cả thông số vận hành của các thiết bị trên lưới đều được nhân viên ghi chép tỉ mẩn qua mỗi ca trực thì hiện nay khi ứng dụng phần mềm PMIS, các thông tin như: tình trạng mang tải, lịch sử vận hành… của các thiết bị đều được cập nhật và lưu trữ theo từng vị trí cụ thể.
Cán bộ, nhân viên ngành điện có thể tra cứu hay khai thác thông tin về các thiết bị như: máy biến áp, máy cắt, dao cách ly, máy biến dòng điện, máy biến điện áp… một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác.
Anh Hoàng Anh Tuấn - tổ thao tác lưu động trạm biến áp 110 kV Cẩm Xuyên cho biết: “Từ cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên qua chương trình PMIS, các thiết bị điện quan trọng như: máy biến áp, máy cắt, dao cách ly… tại các trạm biến áp 110 KV, chúng tôi sẽ có biện pháp tăng cường theo dõi trong công tác vận hành, kịp thời điều chỉnh chu kỳ kiểm tra thử nghiệm và có biện pháp bảo dưỡng, xử lý, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu trường hợp xảy ra sự cố trên lưới thì việc nắm bắt nhanh chóng cơ sở dữ liệu của mỗi thiết bị qua phần mềm sẽ là cơ sở để cán bộ, công nhân ngành điện tìm ra nguyên nhân gây sự cố và có phương án khắc phục kịp thời, hiệu quả”.
Trước đây, khi chưa ứng dụng phần mềm EVHES, anh Phan Chí Hoàng phải đến tất cả trạm biến áp 110 kV để đo chỉ số công tơ.
Anh Phan Chí Hoàng là Kỹ thuật viên của Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của anh Hoàng là đo chỉ số 185 công tơ tại 9 trạm biến áp 110kV đều đặn mỗi tháng.
Anh Hoàng chia sẻ: “Trước đây, mỗi tháng tôi và các đồng nghiệp phải đến tất cả trạm biến áp 110 kV để đo chỉ số công tơ rồi ghi chép vào sổ và nhập vào máy tính. Quá trình thủ công không tránh khỏi những lúc ghi chép nhầm lẫn và phải kiểm tra, đối chiếu lại rất mất thời gian. Còn hiện nay khi ứng dụng phần mềm EVHES, hằng tháng chúng tôi chỉ việc chốt chỉ số công tơ qua phần mềm máy tính, đảm bảo độ chính xác cao và tiện cho việc lưu trữ, quản lý, tiết kiệm được nhân công và thời gian thực hiện so với trước”.
Hiện nay, các phần mềm như: GIZ (phần mềm định vị vị trí cột điện), HRMS (phần mềm quản trị nhân lực), ECP (phần mềm quản lý an toàn), ĐOPHPHIC (phần mềm quản lý công việc)… cũng đã được Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh ứng dụng nhuần nhuyễn, mang lại hiệu quả rõ nét trong quá trình xử lý công việc.
Hiện nay, tất cả dữ liệu đều được Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh lưu trữ trên phần mềm.
Anh Trần Sỹ Nhật – nhân viên trạm biến áp 110 kV Thạch Linh cho hay: “EPC (phần mềm quản lý an toàn) là một trong những phần mềm rất hữu ích. Theo đó, trước khi bắt tay vào làm việc trên lưới, công nhân sẽ chụp lại các hình ảnh và gửi lên hệ thống. Nếu đảm bảo an toàn, lãnh đạo mới cho phép công nhân tiếp tục công việc. Việc ứng dụng phần mềm EPC giúp cán bộ, công nhân ngành điện nâng cao ý thức đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc. Giờ đây, mỗi công nhân đều “nằm lòng” câu khẩu hiệu “không an toàn là không lên lưới”, qua đó giúp giảm thiểu tối đa tình trạng tai nạn lao động”.
Thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh còn được trang bị các thiết bị hiện đại như: máy đo phóng điện cục bộ PD, camera nhiệt, flycam… Các thiết bị này đều có gắn phần mềm cập nhật thông tin qua hệ thống, giúp công nhân ngành điện dễ dàng phát hiện các khiếm khuyết trên lưới, nhất là những khu vực đồi núi hiểm trở để kịp thời khắc phục.
Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc kiểm tra việc ứng dụng các phần mềm vào quản lý, vận hành tại trạm biến áp 110 kV Cẩm Xuyên.
Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng các phầm mềm hiện đại đã giúp Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào việc vận hành an toàn, ổn định lưới điện trên toàn địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát triển.