Chuyện từ những đồi chè VietGAP ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bất kỳ lúc nào, đi giữa miên man những đồi chè ở Hà Tĩnh, tôi đều có cảm giác ấy - sự cảm phục. Hàng nghìn gốc chè ngay ngắn nằm cạnh nhau, tĩnh lặng giữa núi đồi nhưng ẩn sâu trong đó là biết bao câu chuyện của sự tìm tòi, đổi thay trong tư duy và hành động. Đó là sự cần mẫn, niềm say mê, tình yêu với cây chè, là trách nhiệm đối với người tiêu dùng của người nông dân, người kỹ sư và cả những doanh nhân…

1. Là giám đốc đơn vị chắp cánh cho chè Hà Tĩnh vươn ra thị trường thế giới nhưng ông Trần Công Lệ lại chưa bao giờ nói về công việc của mình. Chân dung của ông cứ hiện dần lên khi chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc với chính những công nhân, kỹ sư tại các xí nghiệp của Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Đó là một người có tình yêu kỳ lạ với cây chè. Trải qua hàng chục năm gắn bó với cây chè, ông thuộc nằm lòng quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, hiểu đặc tính của những vùng chè khác nhau, thấu tỏ tâm tư, nguyện vọng của mỗi người dân tham gia vùng sản xuất.

Không chỉ có thế, ông Trần Công Lệ còn là một người rất thông thạo ngoại ngữ. Cán bộ, công nhân Công ty CP Chè Hà Tĩnh đã quen với việc ông Lệ trực tiếp giao tiếp, giao dịch với khách hàng. Chính sự thông thạo và gần gũi đó đã tạo ấn tượng với khách hàng, góp phần giúp công ty có những khách hàng “ruột” để tạo đầu ra ổn định.

Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh Trần Công Lệ (ngoài cùng bên trái) trao giấy chứng nhận VietGAP cho đại diện lãnh đạo các xí nghiệp chè.

Ở vào mỗi giai đoạn, ông Trần Công Lệ đều trăn trở tìm hướng đi bền vững cho những đồi chè. Nhưng điều quan trọng nhất, kim chỉ nam cho mọi chủ trương, kế hoạch của Công ty CP Chè Hà Tĩnh chính là quyền lợi của người tiêu dùng. Đó cũng chính là văn hóa mà ông Lệ đã xây dựng cho doanh nghiệp của mình. Với ông Trần Công Lệ, người tiêu dùng chính là cơ sở để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nếu không coi trọng và không tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng thì sản phẩm dù được “o bế” hay tô vẽ đến mấy cũng không thể có cơ hội phát triển, nhất là ở thị trường quốc tế. Bởi vậy, nông sản sạch là con đường phát triển của Công ty CP Chè Hà Tĩnh.

Thắng cảnh chè Tây Sơn. Ảnh: Đậu Bình

Nhờ đó mà vào những giai đoạn khó khăn của sản phẩm chè, trong khi thị trường xuất khẩu chè trầm lắng thì sản phẩm của Công ty CP Chè Hà Tĩnh vẫn vươn rộng ra thị trường thế giới. Thực hiện trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP chính là chiến lược trong giai đoạn ấy. Ông Lệ đã cùng với cộng sự của mình nỗ lực liên kết để xây dựng quy trình sản xuất nông sản sạch rất chặt chẽ từ khâu chọn giống đến việc kiểm soát quá trình chăm sóc, chế biến. Đến thời điểm này, gần 600 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hà Tĩnh đều thuộc các xí nghiệp của Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Năm 2018, công ty thu hái được hơn 7.400 tấn chè búp tươi và xuất khẩu được hơn 1.700 tấn ra các nước Trung Đông và châu Âu.

Thu hái chè búp ở Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Ảnh: Phong Linh - Đậu Bình

2. VietGAP, những năm qua thực sự thay đổi sản phẩm chè Hà Tĩnh cũng như tư duy sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đệm, là cơ sở để chè Hà Tĩnh tiến thêm một bước nữa trên thị trường quốc tế. Hiện nay, Công ty CP Chè Hà Tĩnh đã và đang thực hiện chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn RA của mạng lưới nông nghiệp bền vững quốc tế (SAN), dự kiến cuối quý II/2018 sẽ hoàn thành và mời tổ chức RA (Rainforest Alliance - một tổ chức phi chính phủ Mỹ) vào khảo sát, công nhận. Để mục tiêu, chiến lược đó hoàn thành, ngoài nỗ lực của người đứng đầu thì sự sâu sát, trách nhiệm của những kỹ sư tại các xí nghiệp chè là yếu tố rất quan trọng.

Cũng kiên định tình yêu với cây chè như ông Trần Công Lệ mà chúng tôi có duyên gặp gỡ là anh Phan Quốc Việt - Xí nghiệp Chè Tây Sơn (Hương Sơn). Năm 2007, anh Việt đến gõ cửa phòng Giám đốc Trần Công Lệ để xin về đầu quân cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Ông Lệ tuyển dụng anh bởi nhận ra tình yêu với cây chè, trách nhiệm với người tiêu dùng trong chàng kỹ sư trẻ tuổi. Nhận công việc ở Xí nghiệp Chè Tây Sơn, anh Việt xác định sẽ gắn bó đời mình với nơi này mãi mãi. Từ chỗ lạ xa với đường đi lối lại, lạ xa với những tập tục, lề lối của người dân nơi đây, bây giờ, nhắm mắt anh cũng có thể đi được đến nơi cần đến, hỏi đến hộ nào anh cũng có thể trả lời rành rọt về các thành viên trong gia đình họ.

Từ quy trình VietGap bước vào sản xuất theo tiêu chuẩn RA (Rainforest Alliance - một tổ chức phi chính phủ Mỹ), cây chè Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh) đang hứa hẹn bước tiến mới về phát triển kinh tế

Anh Việt cho biết: “Quá trình làm VietGAP khá gian nan, bởi người dân lúc bấy giờ đang quen với tư duy, tập quán sản xuất truyền thống; họ chưa có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mình trong quá trình sản xuất. Tôi đã dành thời gian rất nhiều, cả ngày lẫn đêm, lúc thì truyền đạt kiến thức, lúc tâm tình trò chuyện để thuyết phục các hộ tham gia quy trình tiên tiến này. Khi họ đã hiểu về lợi ích cũng như trách nhiệm của mình thì sẽ đồng thuận cao. Cũng nhờ bước đệm VietGAP đó mà khi công ty triển khai quy trình RA, chúng tôi không còn vất vả như trước nữa”.

Bây giờ, kể cả mùa hái chè hay những ngày vắng bóng người chăm sóc, thu hái, mỗi ngày, anh Việt đều chạy xe một vòng quanh đồi chè. Những ngày mưa hay những ngày đi công tác, anh đều cồn cào nhớ cái màu xanh ngút ngát ấy, nhớ cảm giác khoáng đạt, lâng lâng khi đi giữa những đồi chè.

Chị Thái Thị Tịnh ở thôn Đất Đỏ (xã Kỳ Trung - Kỳ Anh) bên đồi chè VietGap. Ảnh: Vũ Viễn

3. Những đồi chè còn sẽ mãi thắm xanh, mãi cần mẫn ươm nhựa trổ búp, hương vị chè Hà Tĩnh sẽ vươn tới đâu trên thị trường, điều căn cốt chính là ở tư duy của người sản xuất. Tôi từng đến những đồi chè Kỳ Thượng, Hương Trà và Tây Sơn, ở đâu người trồng chè cũng vui tươi, phấn khởi. Trong những lần tay hái, trong những nhát cưa đốn chè hay việc tuân thủ quy định của quy trình tiêu chuẩn nào đó khi bón phân, lúc phun thuốc, tôi đều cảm nhận được, ẩn sau sự gắn bó với cây chè là sự thức thời trong tư duy của người nông dân.

Anh Võ Thăng Long (thôn Trung Lưu, Sơn Tây) cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất theo tập quán, chưa hề nghĩ đến việc làm thế nào để tăng hiệu quả kinh tế của cây chè, chưa hề nghĩ tới trách nhiệm của mình đối với môi trường hay người tiêu dùng. Thế nhưng, khi tham gia quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi đã được tiếp cận với rất nhiều kiến thức. Giờ đây, tư duy sản xuất của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn, đã biết chú trọng sản xuất hàng hóa, quan tâm đến việc sản phẩm của mình sẽ được bán đi đâu, biết chú trọng đến giá trị bền vững của sản phẩm, biết bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của chính mình trong quá trình sản xuất”.

Những đồi chè sẽ còn được mở rộng diện tích, tỏa xanh hơn nữa trên núi đồi Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ Viễn

Có một thực tế ít người biết rằng, ở Công ty CP Chè Hà Tĩnh, giá thu mua chè búp bao giờ cũng cao hơn ở những nơi khác và chưa bao giờ người trồng chè ở các xí nghiệp phải lâm vào cảnh được mùa mất giá. Chè Hà Tĩnh đã và đang đứng vững, vươn xa trên thị trường thế giới nhờ sự lựa chọn con đường sản xuất nông sản sạch của doanh nghiệp. Rồi đây, khi sản phẩm chè được bán rộng rãi ở thị trường châu Âu, lợi ích mà người trồng chè thu được còn lớn, bền vững hơn nữa. Và những đồi chè sẽ còn được mở rộng diện tích, tỏa xanh hơn nữa trên núi đồi Hà Tĩnh.

Ảnh: P.V - C.T.V

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói