Chuyện về phóng viên chiến trường quê Hà Tĩnh có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

(Baohatinh.vn) - Nhà báo Đậu Ngọc Đản, quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là 1 trong 2 phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975 để kịp thời ghi lại khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Những ngày này, khi cả đất nước hòa mình hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà báo Đậu Ngọc Đản - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình VTV lại bồi hồi nhớ về thời khắc lịch sử của dân tộc 5 thập kỷ trước. Ông là 1 trong 2 phóng viên miền Bắc ngồi trên chiếc xe tăng thứ 4 cùng Đoàn quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, chứng kiến và chụp ảnh sự kiện Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng.

Bức ảnh xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 do nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản sinh năm 1949, tại xã Xuân Hải (Nghi Xuân) trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Từ lúc còn học bậc THPT, cậu học trò Ngọc Đản học giỏi văn và say mê viết báo và từng là cộng tác viên đạt giải cao tại Báo Hà Tĩnh. Đó cũng là cơ duyên để sau này, dù đã có giấy báo nhập học Trường Đại học Thủy sản nhưng ông lại chọn trở thành sinh viên khóa 1 của Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội.

Mùa xuân năm 1972, do yêu cầu của chiến trường, 53 sinh viên khóa 1 (trong đó có ông Đản) học cấp tốc 3 tháng lớp Phóng viên Tiền phương, sau đó được tung vào mặt trận Quảng Trị - một chiến trường đầy ác liệt lúc bấy giờ. Tại đây, từng bức ảnh, bài viết của ông đã phản ánh kịp thời tình hình chiến sự; thể hiện sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, lạc quan, tin tưởng vào sự thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình VTV.

Từ những kinh nghiệm tác nghiệp đầu tiên ở Quảng Trị đã dần tôi luyện, hình thành nên phong cách của phóng viên chiến trường trẻ Đậu Ngọc Đản, hăng hái, xông pha nơi bom đạn, kịp thời đưa những hình ảnh, thông tin quý giá đến bạn đọc.

Tháng 2/1975, Thiếu úy Đậu Ngọc Đản đang là phóng viên của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ vào Nam, theo bước chân các binh đoàn trong cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam. Trải qua một hành trình, đến ngày 26/3/1975, ông đã có mặt ở Huế.

"Tôi nhớ như in suốt đêm 25/3/1975, chúng tôi cùng một tốp phóng viên TTXVN vượt sông Mỹ Chánh chạy bộ vào Huế, để sáng 26/3/1975 kịp ghi lại những giờ phút đầu tiên Huế giải phóng. Sáng 29/3, chúng tôi đã có mặt ở Đà Nẵng. Tôi và các anh Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng và Hoàng Thiểm vượt đèo Hải Vân bằng xe Honda. Dọc đường, thỉnh thoảng những loạt súng của tàn quân ngụy lại réo qua sườn núi nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh tiến về phía trước. Khi chúng tôi có mặt thì bộ binh và xe tăng Quân đoàn II (nay là Binh đoàn 12) cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã có mặt ở thành phố, chiếm giữ sân bay Đà Nẵng", nhà báo Đậu Ngọc Đản nhớ lại.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong chuyến vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng tháng 3/1975. Ảnh: NVCC

Sau gần 1 tháng trên chiến trường, phóng viên trẻ Đậu Ngọc Đản đã cùng đồng nghiệp của mình là phóng viên Hoàng Thiểm được lệnh chủ động tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn II tiến về Sài Gòn. Đến chiều 28/4, ông tìm được Sở chỉ huy cánh quân hướng Đông - Bắc.

Buổi chiều 29/4, ông tiếp cận mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn xe tăng 203. Rạng sáng ngày 30/4, sau khi đã vượt căn cứ Nước Trong, nhà báo Đậu Ngọc Đản và Hoàng Thiểm theo xe tăng của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 bắt đầu theo đường 15, vượt sông Đồng Nai thẳng hướng nội thành mà tiến. Lúc 11 giờ 24 phút ngày 30/4/1975, ông cùng đoàn quân giải phóng có mặt trước Dinh Độc Lập.

"Trong những giây phút lịch sử đầu tiên đó, tôi đã ghi lại được những tấm hình lịch sử: Nội các ông Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203. Hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Lữ đoàn 204 Phạm Xuân Thệ uy nghi, cao lớn, nghiêm khắc mà rất khoan dung. Chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, từ xe tăng 843 nhảy lên tầng thượng của Dinh Độc Lập treo lá cờ Tổ quốc được đặc tả, nụ cười chiến thắng reo vui trên khuôn mặt còn lấm đen khói đạn, Tôi đã ghi được lại cả những nhân chứng sự kiện xe tăng 390 với sự có mặt của nữ nhà báo Pháp Phrăng-xoa Đơ Muyn-đô... Tất cả hình ảnh đó phản ánh tâm trạng hân hoan và hạnh phúc của tôi cũng như các chiến sỹ giải phóng và Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, trước Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc" - nhà báo Đậu Ngọc Đản xúc động chia sẻ.

Những bức ảnh đắt giá của nhà báo Đậu Ngọc Đản ghi lại hình ảnh Tổng thống ngụy đầu hàng Quân giải phóng trưa 30/4/1975.

Mặc dù Sài Gòn đã ngừng tiếng súng nhưng không kịp cùng đồng bào, chiến sỹ ăn mừng, ông Đản cùng đồng nghiệp nhanh chóng tìm cách gửi thông tin, hình ảnh ra Hà Nội để kịp thời đưa tin tới Nhân dân cả nước.

Ông Đản kể: "Lúc đó trách nhiệm, tính nghề nghiệp thôi thúc chúng tôi phải tìm cách gửi sớm nhất những hình ảnh Sài Gòn giải phóng về Hà Nội. Tuy nhiên, hoàn cảnh cực kỳ khó, cán bộ, chiến sỹ miền Bắc cũng không thạo đường thành phố, tôi bèn nhanh trí nói với những tù binh ngụy: Ai có thể chở chúng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất, đây là thời điểm để các anh thể hiện thiện chí. Nhiều cánh tay giơ lên, tôi chọn đúng một người, sau mới biết anh ta là lái xe cảnh sát Võ Cự Long của chính quyền ngụy. Chúng tôi nhanh chóng đến Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay tại sân bay, tôi chụp được ảnh nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm Tân Sơn Nhất. Sau đó chúng tôi đi xe về đến Đà Nẵng, tới nơi là sáng ngày 2/5/1975. Anh Hoàng Thiểm đi máy bay mang tư liệu về Hà Nội...".

Bức ảnh các nữ du kích biệt động thành hướng dẫn chiến sỹ giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn trưa 30/4/1975...
... và bức ảnh Cô Nhíp (tức nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên) nổi tiếng của nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp vào buổi chiều 30/4/1975 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Đậu Ngọc Đản còn tham gia các chiến trường như: Biên giới phía Bắc (1979), Campuchia (1984). Đặc biệt, ông cũng có mặt tại Trường Sa trong trận chiến Gạc Ma (1988)... Sự dũng cảm và tinh thần lăn xả tuyệt vời của người chiến sỹ trên mặt trận thông tin đã giúp nhà báo Đậu Ngọc Đản kịp thời mang những thông tin, hình ảnh quý giá từ chiến trường đến Nhân dân cả nước. Qua đó, động viên, cổ vũ quân và dân ta trong các cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.

Dành cả cuộc đời cho nghề báo, dù một thời gian dài trước khi nghỉ hưu, ông là Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình VTV, nhưng kỷ niệm về những ngày làm phóng viên chiến trường, băng mình trong lửa đạn, nhất là chứng kiến, ghi lại thời khắc thiêng liêng của Đại thắng mùa Xuân 1975 là ký ức đẹp đẽ, tự hào nhất của nhà báo Đậu Ngọc Đản.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội trong một cuộc gặp gỡ gần đây.

Khi chúng tôi hỏi, điều gì khiến người thanh niên trẻ tuổi Ngọc Đản thời ấy có thể gan dạ và dũng cảm tác nghiệp trên chiến hào như vậy? Ông cười hiền: "Có lẽ cũng như bao thanh niên Việt Nam lúc đó, việc cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là lẽ sống thiêng liêng. Tôi cũng như họ, chỉ có điều tôi là một chiến sỹ trên mặt trận thông tin. Tôi yêu nghề báo của mình, còn sự gan lỳ, chịu khó, không quản ngại gian khổ của tôi có lẽ là sự kế thừa từ tinh thần cách mạng của người dân xứ Nghệ, người dân Hà Tĩnh, nơi tôi sinh ra và khôn lớn".

Video: Nhà báo Đậu Ngọc Đản nói về tình huống xử lý linh hoạt trong tác nghiệp thời điểm trưa 30/4/1975.

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói