Chuyện xưa nay bên những cây cầu ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Như một gạch nối giữa đôi bờ sông nước, những cây cầu kể từ khi sơ khai là những thân cây, tảng đá đến những vật liệu hiện đại, đều gắn bó bền chặt với những chặng đường phát triển của quê hương. Đặc biệt, ở Hà Tĩnh có rất nhiều cây cầu ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, những bước phát triển kinh tế của quê hương.

Suốt chiều dài những cung đường dọc ngang trên mảnh đất Hà Tĩnh có hàng trăm cây cầu lớn nhỏ. Trong đó, có nhiều cây cầu gắn với rất nhiều sự kiện lịch sử, gắn với tên tuổi nhiều anh hùng, liệt sỹ…

Nằm trên quốc lộ 15A (đoạn qua thị trấn Đồng Lộc), cầu Tùng Cốc (còn gọi là Tùng Cóc) tuy chỉ dài 14m nhưng đã trở thành một dấu mốc quan trọng của lịch sử. Với vị trí trọng yếu trong huyết mạch giao thông Bắc - Nam, cầu Tùng Cốc đã phải hứng chịu bao trận “mưa bom, bão đạn” trong trận chiến tranh chống Mỹ. Những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết về cây cầu này đã neo chặt hơn địa danh này vào lịch sử, vào lòng hậu thế: “Tùng Cốc, Tùng Cốc, Tùng Cốc, Tùng Cốc/ Qua cây cầu này rồi ta lên dốc/ Phía trước mặt là Ngã ba Đồng Lộc/ Đêm bom rơi pháo sáng đầy trời/ Mà vẫn không ngăn đoàn xe ta cứ ra vào”.

Thời điểm năm 1968, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Đồng Lộc trở thành “chảo lửa túi mưa” thì Tùng Cốc cũng trở thành điểm đánh phá ác liệt. Để cắt đứt giao thông giữa 2 miền Nam - Bắc, giặc Mỹ liên tục huy động đủ các loại máy bay và xả xuống cống ngầm cầu Tùng Cốc hàng trăm quả bom. Trong đó có những loại bom có sức công phá và sát thương cực lớn.

Thời điểm ấy, Đại đội 557 - N55 - P18 của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung làm nhiệm vụ san lấp hố bom, cứu xe hàng, rà phá bom từ trường và các loại bom chưa nổ ở các đoạn đường. Trong một đêm cuối tháng 8 mưa to gió lớn, nhận nhiệm vụ rà phá bom để thông đường cho một đoàn xe công tác làm nhiệm vụ đặc biệt đi vào Nam, Bí thư Chi bộ Võ Triều Chung đã xung phong nhận nhiệm vụ phá bom từ trường dưới ngầm cầu Tùng Cốc. Và, trong khi thực hiện nhiệm vụ ấy, ông đã anh dũng hy sinh. Tên ông đã tô thắm thêm những trang sử oai hùng ở Đồng Lộc, nhất là ở cây cầu Tùng Cốc nhỏ bé ấy.

Video: Huy Tùng

Cùng nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối 2 miền Bắc - Nam, cầu Phủ - cửa ngõ phía Nam của TP Hà Tĩnh cũng là một cây cầu ghi dấu những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Ngày nay, cầu Phủ nằm hiền hòa, như một gạch nối mềm mại nối vùng ngoại ô với phố thị Thành Sen. Cầu Phủ bắc qua đôi bờ sông Phủ, bắc qua những con thuyền ngày đêm lặng lẽ mưu sinh trên sông nước, bắc qua một bến thuyền vừa mới được khai thác phát triển du lịch sông nước.

Tôi không nhớ mình đã đến và dừng lại ở cầu Phủ bao nhiêu lần nhưng bao giờ cũng vậy, cùng với việc thu nhận nhịp sống mới xung quanh cây cầu ấy, tôi lại mường tượng về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Tôi nhớ những câu chuyện về “trận đầu thắng Mỹ” của Tiểu đội trưởng Tiểu đội Nữ dân quân tự vệ xã Thạch Hòa (nay là phường Đại Nài) Lê Thị Yên. Dù kể bao nhiêu chuyện đi nữa, bao giờ bà cũng nói về cầu Phủ với tình yêu tha thiết. Ở đó, những vết thương chiến tranh đã lùi xa nhưng hẳn mỗi nhịp cầu, mỗi tiếng sóng hiền hòa vỗ vào mạn thuyền vẫn còn dư ba “bom gào, đạn xối”, để rồi trong nhịp sống mới, cầu lại nhẫn nại nối những nhịp đời vui tươi.

Ai từng sống trong những năm tháng chiến tranh hẳn còn nhớ như in những bến phà qua những con sông quê hương như Bến Thủy, Linh Cảm… Ngày nay, những chiếc phao và những con đò ở các bến phà đó không còn nữa, thay vào đó là những cây cầu lớn nhỏ, hối hả cùng bao xuôi ngược của dòng đời.

Gắn với câu chuyện của những cây cầu, tôi có một niềm tự hào khi chú ruột của mình là người đã tham gia chỉ đạo thi công cầu Bến Thủy. Chú kể, khi công ty của chú (Công ty Cầu cảng 473) được giao nhiệm vụ thi công cầu Bến Thủy I - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Lam, ai cũng rất phấn khởi. Từng có những năm tháng tham gia giao thông bằng thuyền và phà khi qua Bến Thủy, hơn ai hết, chú hiểu rằng, cây cầu khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với giao thông vận tải trên toàn tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển KT-XH của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng như các tỉnh lân cận.

Ảnh: Sách Nguyễn

Bởi vậy, dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách như vật tư, trang thiết bị vừa thiếu, vừa cũ kỹ, điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, lương thực, thực phẩm khan hiếm… nhưng tập thể công ty đã nỗ lực hết mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và năm 1990, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Lam đã được hoàn thành.

Chiếc cầu vĩnh cửu bằng bê tông, cốt thép bắc qua bến nước mênh mông không chỉ nối tình cảm giữa nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh, mà còn nối cả 2 miền Nam - Bắc, góp phần to lớn trong phát triển kinh tế của đất nước. Ngày nay, ở đây còn có thêm một cây cầu Bến Thủy 2 nữa. Cây cầu này được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế của cầu Bến Thủy 1 và kết nối với quốc lộ 8B (từ TX Hồng Lĩnh lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo), đảm bảo giao thông được liên tục ngay cả trong mùa mưa lũ.

Cầu cửa Nhượng (Cẩm Xuyên). Ảnh: Hương Thành

Cầu Cày (thị trấn Thạch Hà). Ảnh: Huy Tùng

Không chỉ Bến Thủy, mà nhiều nơi trên khắp các miền quê Hà Tĩnh, những cây cầu mới đã được xây dựng như: Linh Cảm 2 (Đức Thọ), Mỹ Thịnh (Hương Sơn), Hộ Độ (Lộc Hà), Cửa Sót (Thạch Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên)… đã lần lượt được xây dựng, đưa vào sử dụng. Những cây cầu mới xây đã giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy giao thương phát triển; đảm bảo quốc phòng an ninh, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, những cây cầu trên tuyến đường ven biển còn có sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống cảng biển, sẽ giúp việc khai thác kinh tế biển, khai thác tiềm năng du lịch ở các địa phương hiệu quả hơn.

Như một điểm nhấn đặc biệt trên các cung đường, những cây cầu cũ và mới ở Hà Tĩnh đã và đang hoàn thành sứ mệnh của mình - nối nhịp cho những miền quê, những tấm lòng; nối nhịp cho những ý tưởng, ý chí phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, đất nước…

Ảnh, Video: PV - CTV

Thiết kế: Huy Tùng

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói