Sản lượng sản phẩm vỏ bào, dăm dỗ năm 2022 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp Hà Tĩnh năm 2022 phải đối diện với vô vàn khó khăn khi tiếp tục ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới. Áp lực từ giá xăng dầu làm tăng chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển… khiến các doanh nghiệp (DN) phải “đau đầu” tìm các giải pháp để cân đối, tính toán phương án sản xuất.
Mặc dù vậy, với nỗ lực vượt khó, nhiều DN công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Cùng đó, khôi phục hoạt động sau đại dịch, một số DN nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư mở rộng SXKD để tăng sản lượng và cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển công nghiệp - xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh cho biết: “Dù giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao khiến hoạt động công ty gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là lĩnh vực thi công công trình, song bằng những giải pháp gỡ “điểm nghẽn”, tập trung đẩy mạnh lĩnh vực ưu thế sản xuất vật liệu xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất bê tông nhựa nóng phục vụ các công trình, doanh thu công ty vẫn vượt 10% kế hoạch đề ra và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động”.
Công ty CP Phát triển công nghiệp – xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh phát huy lợi thế sản xuất vật liệu xây dựng bê tông nhựa nóng để duy trì, phát triển sản xuất.
Theo thông tin từ Sở Công thương, trong năm 2022, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng mạnh so với năm 2021 như: đồ uống; giấy và sản phẩm từ giấy; thuốc, hóa dược và dược liệu; sản phẩm từ khoáng phi kim loại…
Trong 19 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 10 nhóm sản phẩm sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: bê tông trộn sẵn; chè (trà) nguyên chất; gạch xây dựng bằng đất sét nung; bia đóng lon; điện thương phẩm; dược phẩm; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế; nước uống được; vỏ bào, dăm gỗ; quặng zircon và tinh quặng zircon.
Mặc dù có nhiều sản phẩm đạt mức tăng trưởng, tuy nhiên, do 2 sản phẩm chủ lực của ngành là thép và điện sản xuất giảm, nên chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trong năm 2022 ước giảm hơn 16% so với năm 2021.
Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi đã hoàn thành công tác xây dựng và đi vào vận hành.
Phân tích nguyên nhân, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thép thành phẩm giảm khiến “hạt nhân” ngành công nghiệp là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nửa cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, dẫn đến sản lượng thép sản xuất giảm so với năm 2021. Cùng đó, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố, đang trong quá trình khắc phục khiến tổng sản lượng điện sản xuất giảm hơn 30% so với năm 2021.
Mặc dù chỉ số sản xuất giảm so với năm trước nhưng ngành công nghiệp Hà Tĩnh cũng đón nhận những tín hiệu tích cực, tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn tới. Nhà máy Thủy điện Ngàn Trươi đã hoàn thành công tác xây dựng và đi vào hoạt động (công suất 25,5 MW); Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh được đưa vào vận hành góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với công nghệ hiện đại đi vào vận hành từ tháng 9/2022 sẽ làm tăng năng lực sản xuất ngành công nghiệp của Hà Tĩnh trong những năm tới.
Cùng đó, Nhà máy Sản xuất Pin VinES dự kiến vận hành vào quý I/2023; dự án sản xuất pin thứ 2 - Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion đã khởi công xây dựng; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 được tập trung tiến độ thi công để đáp ứng thời gian đưa vào hoạt động theo kế hoạch… là những động lực lớn để ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Trong lễ động thổ Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định: Dự án là một cấu phần quan trọng trong chiến lược “3 chân kiềng” của Vingroup nhằm đảm bảo nguồn cung về pin - bộ phận quan trọng nhất trong những mẫu xe điện. Trong tương lai, nhà máy không chỉ cung cấp cell pin cho các dòng ô tô, xe máy điện VinFast mà còn cung cấp cho các dòng sản phẩm lưu trữ điện năng của VinES, nhằm hướng tới mục tiêu chung là thiết lập hệ sinh thái năng lượng sạch.
2 nhà máy sản xuất pin đặt tại Khu Kinh tế Vũng Áng là nhân tố quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp và kinh tế Hà Tĩnh nói chung trong tương lai.
Ông Hoàng Văn Quảng cho biết thêm: Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong năm 2023 cũng như giai đoạn tới, ngành công thương tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai kịp thời các phương án phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ logistics theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp đang triển khai; phối hợp với các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và SXKD trong cụm công nghiệp; thu hút đầu tư các cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa để tăng tỷ lệ lấp đầy cụm.
Cùng đó, tổ chức thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, chương trình quốc gia sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.