Doanh nghiệp Hà Tĩnh tất bật với đơn hàng cuối năm

(Baohatinh.vn) - Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung nguồn lực, sớm hoàn thiện đơn hàng để giao cho đối tác và chuẩn bị triển khai kế hoạch SXKD trong năm mới 2023.

Công ty CP Dược Hà Tĩnh (HADIPHAR) đang duy trì hoạt động 24/24h các dây chuyền máy móc. Cùng đó, doanh nghiệp chia ca cho trên 180 cán bộ, công nhân của 2 nhà máy Đông dược và Tân dược đảm bảo dây chuyền sản xuất để đáp ứng đủ đơn hàng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia cũng như phân phối cho thị trường trong nước.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tất bật với đơn hàng cuối năm

Nhờ đầu tư thiết bị hiện đại, HADIPHAR đã nâng cao năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.

Ông Phan Anh Huy - Giám đốc Kinh doanh HADIPHAR cho biết: “Hiện các đối tác cần lượng lớn sản phẩm để cung ứng trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán nên HADIPHAR đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng. Với chiến lược SXKD bài bản, DN đang nỗ lực cán đích 500 tỷ đồng vào ngày 31/12/2022, tăng trưởng 35% so với năm 2021. Cùng đó, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch, phấn đấu đạt doanh thu 550 tỷ đồng trong năm 2023”.

Những tháng cuối năm, cùng với giữ ổn định đơn hàng từ các đối tác truyền thống, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ) cũng đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới. Hiện nay, hàng trăm công nhân của doanh nghiệp đang tập trung để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu vào cuối tuần này.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tất bật với đơn hàng cuối năm

Công nhân Công ty CP Bao bì Sông La Xanh nỗ lực hoàn thành các đơn hàng năm 2022.

Ông Phan Trí Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh cho hay: “Năm 2022, với việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà xưởng mới cùng hệ thống máy móc hiện đại, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng cho các thị trường khu vực và quốc tế như: Philippines, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, New Zealand... Những ngày này, chúng tôi động viên cán bộ, công nhân nỗ lực duy trì sản xuất để xuất hàng đúng thời gian đã ký kết. Doanh nghiệp đang phấn đấu để cán đích mục tiêu doanh thu 180 tỷ đồng vào ngày 31/12/2022 (tăng 30 tỷ đồng so với năm 2021) và cũng đã xây dựng kế hoạch lương, thưởng cho người lao động với mức cao hơn năm 2021”.

Được biết, những ngày đầu năm mới 2023, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh tiếp tục hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết với đối tác. Mặc dù năm 2023 dự báo nhiều khó khăn song, doanh nghiệp này vẫn nỗ lực để tìm kiếm thị trường mới, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tất bật với đơn hàng cuối năm

Dây chuyền sản xuất mực sushi tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh.

Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh), 200 công nhân cũng đang tăng cường các phần việc để hoàn thiện đơn hàng mực sushi xuất đi thị trường Nhật Bản vào ngày 28/12 tới. Đơn vị vẫn duy trì nhịp nhàng dây chuyền sản xuất các sản phẩm tôm tẩm bột chiên xù, mực tẩm bột chiên xù, sashimi... cung ứng cho thị trường nội địa. Mỗi ngày, đơn vị tung ra thị trường hơn 5.000 khay tôm tẩm bột chiên xù, mực tẩm bột chiên xù, hàng trăm khay sashimi...

Theo ông Nguyễn Hùng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh, DN vừa xuất 4 container mực sushi đi Nhật Bản vào ngày 20/12. Hiện nay, đơn vị đang hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng đã ký, sớm đạt doanh thu 120 tỷ đồng trong năm 2022. Bước sang năm 2023, doanh nghiệp song hành phát triển theo 2 hướng: vừa cung ứng ổn định sản phẩm mực sushi truyền thống cho các DN ở Nhật Bản, vừa tăng cường phát triển thị phần tiêu thụ trong nước với các sản phẩm mới trên dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tất bật với đơn hàng cuối năm

Các doanh nghiệp trên địa bàn đang tất bật hoàn thiện đơn hàng những ngày cuối năm 2022.

Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trong năm mới 2023, dự báo các doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều khó khăn giai đoạn hậu COVID-19. Bởi vậy, bản thân mỗi đơn vị cần phải tự chủ về tài chính; tự đổi mới, nâng cao năng lực bằng cách đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc xây dựng phương án SXKD khoa học, có doanh thu ổn định, năng lực tài chính tốt là những điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư phát triển”.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast