Kiến tạo phát triển bền vững và môi trường xanh cho Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ngành TN&MT đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, tạo tiền đề cho sự phát triển KT-XH của Hà Tĩnh.

Kiến tạo phát triển bền vững và môi trường xanh cho Hà Tĩnh

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP Hà Tĩnh - Cẩm Xuyên thực hiện chỉnh lý biến động trên GCNQSDĐ cho người dân.

Những ngày cuối tháng 12, cùng với công tác chuyên môn, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN&MT) tiếp tục phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn triển khai việc thực hiện đăng ký biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân vùng sáp nhập đơn vị hành chính.

Việc Hà Tĩnh sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/ 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hướng tới những lợi ích lâu dài mang tầm chiến lược, tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng làm thay đổi thông tin trên GCNQSDĐ, ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Trước thực tế này, Sở TN&MT đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh triển khai kế hoạch nhằm “gỡ khó” cho người dân. Thời gian qua, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã huy động nhân lực thực hiện điều chỉnh biến động trong GCNQSDĐ cho người dân.

Kiến tạo phát triển bền vững và môi trường xanh cho Hà Tĩnh

Đã có 45.000 GCNQSDĐ của người dân tại 33 xã sau sáp nhập được đăng ký biến động.

Tính đến cuối tháng 12/2023, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã thực hiện đăng ký biến động cho 33 xã sau sáp nhập với khối lượng 45.000 GCNQSDĐ.

“Việc về tận địa phương chỉnh lý biến động trên bìa đất cho người dân các xã sau sáp nhập không chỉ giảm áp lực cho bộ phận một cửa tại cấp xã, cấp huyện mà còn giải quyết nhanh nhu cầu, giảm công sức đi lại, tránh phiền hà cho người dân. Điều này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ người dân”, ông Nguyễn Cao Sâm - Giám đốc Văn phòng Chi nhánh đất đai tỉnh cho hay.

Ông Phan Danh Vính (SN 1958, thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Vừa qua, có việc cần tiền nên tôi mang GCNQSDĐ tới ngân hàng cầm cố để vay. Quá trình làm thủ tục, vì có sự thay đổi khi sáp nhập xã, hồ sơ chưa thể hoàn thành, đang chưa biết làm thế nào thì đúng lúc địa phương thông báo việc chỉnh lý lại thông tin trên sổ đỏ. Nhờ vậy mà thủ tục vay tiền nay đã xong. Việc ngành TN&MT chủ động xử lý khó khăn giúp người dân như vậy chúng tôi rất hài lòng”.

Chỉnh lý biến động trên bìa đất cho người dân các xã sau sáp nhập chỉ là một trong rất nhiều công việc liên quan tới lĩnh vực đất đai mà Sở TN&MT đã giải quyết hiệu quả trong năm 2023.

Ông Lê Ngọc Huấn - Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Xác định đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, đơn vị đã tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, nhất là đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn tồn tại liên quan tới lĩnh vực đất đai cho người dân, doanh nghiệp (DN)”.

Trong năm 2023, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đến năm 2025 và đến năm 2030 của tỉnh; hoàn thành dự thảo, báo cáo UBND tỉnh trình Bộ TN&MT thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; phê duyệt và bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023 cho 13 huyện, thành phố, thị xã.

Kiến tạo phát triển bền vững và môi trường xanh cho Hà Tĩnh

Sở TN&MT có nhiều nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn về nguồn VLXD xây dựng cao tốc Bắc - Nam.

Sở cũng thẩm định trình UBND tỉnh giải quyết 74 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; trình hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định 16 dự án, trong đó UBND tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể 8 dự án. Việc đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương bước đầu mang lại hiệu quả trong việc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành.

Với nhiều giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, năm 2023, nguồn thu từ tiền sử dụng đất của Hà Tĩnh đạt 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng thu nội địa toàn tỉnh.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản 24 khu vực mỏ với tài nguyên dự báo 20 triệu m3. Đặc biệt, đã xác nhận khối lượng khai thác tại 11 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 4 hồ sơ đăng ký khai thác đất, đá đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam với khối lượng khoáng sản 15,3 triệu m3.

Kiến tạo phát triển bền vững và môi trường xanh cho Hà Tĩnh

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc vào tháng 9/2023.

Sở TN&MT cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, DN khai thác khoáng sản. Qua đó, góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế, tăng nguồn thu ngân sách và đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản từng bước đi vào nền nếp. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh trong năm 2023 là 46,6 tỷ đồng, tăng 8,2 tỷ đồng so với năm 2022.

Một đóng góp không nhỏ của ngành TN&MT trong năm 2023 chính là tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc và giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, kiểm soát các nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh...

Kiến tạo phát triển bền vững và môi trường xanh cho Hà Tĩnh

Việc kiểm soát các nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc tự động được ngành TN&MT thực hiện hiệu quả.

Ông Lê Ngọc Huấn chia sẻ, để nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, DN, thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công. Đến nay, có 87 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và 7 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin đất đai được liên thông với hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và cơ quan thuế, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, DN trong việc theo dõi tiến độ thực hiện, tạo tính minh bạch trong giải quyết TTHC, hạn chế tối đa việc người sử dụng đất phải đến trung tâm hành chính công và cơ quan Nhà nước để thực hiện các thủ tục về đất đai.

Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến giải quyết TTHC về đất đai nói riêng và các lĩnh vực về TN&MT nói chung.

Đề xuất UBND tỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành TN&MT giai đoạn 2023-2025 để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; hoàn thành tổ chức đấu giá các lô đất dôi dư đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ; phê duyệt kế hoạch đấu giá và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động khoáng sản tại các đơn vị, xử lý hoặc tham mưu xử lý nghiêm đối với các đơn vị vi phạm...

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.