Sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn ra “biển lớn”

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh khép lại năm Mậu Tuất 2018 với nhiều dư âm tốt đẹp khi kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu vẫn “vững tay chèo”, nâng cao năng lực sản xuất, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn ra “biển lớn”

Sản phẩm thép cuộn đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh năm 2018.

Liên tục chiếm “thế thượng phong” trong kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chiếm tỉ trọng hơn 75%). Đến nay, cả 2 lò cao đã đi vào vận hành, đưa kết quả SXKD của DN tăng trưởng mạnh mẽ bởi hoạt động xuất khẩu thép và nhiều sản phẩm phụ khác. Theo số liệu từ ngành Công thương Hà Tĩnh, trong năm qua, sản xuất thép từ Formosa đạt gần 4,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt gần 621,88 triệu USD.

Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Hoạt động SXKD của Formosa đã đi vào guồng quay ổn định với nguồn thu bền vững. Những con số “biết nói” trên một lần nữa khẳng định sự đóng góp lớn của Formosa cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tỉnh nhà”.

Sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn ra “biển lớn”

Đến nay, cả 2 lò cao đã đi vào vận hành, đưa kết quả SXKD của Formosa tăng trưởng mạnh mẽ bởi hoạt động xuất khẩu thép và nhiều sản phẩm phụ khác.

Ngoài Formosa, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có hơn 100 DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu với các mặt hàng truyền thống chủ yếu là dăm gỗ, chè, vật liệu xây dựng, nông, thủy sản, hàng may mặc…

Trong năm qua, các DN đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, tích cực nâng cao chất lượng, mẫu mã để các sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn ra “biển lớn” và đứng vững tại các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước khu vực ASEAN… Từ đó, đưa giá trị xuất khẩu chè đạt 4,02 triệu USD, dăm gỗ 46,81 triệu USD, hàng dệt và may mặc 4,59 triệu USD, xơ và sợi dệt các loại 5,51 triệu USD…

Sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn ra “biển lớn”

Công nhân Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) tất bật hoàn thành những đơn hàng đầu tiên của năm 2019.

Năm 2018, Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) - đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu triển vọng đi vào hoạt động đã tạo thêm một điểm sáng trên “bức tranh” xuất khẩu Hà Tĩnh. “Với hơn 300 công nhân, công ty có năng lực sản xuất 6 triệu vỏ bao bì và 80 tấn vải cuộn sản xuất bao bì mỗi tháng. Hiện nay, chúng tôi đã xuất sang một số thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Malaysia, Singapore, Canada..., ông Vũ Việt Hùng - Giám đốc Công ty CP Sao Mai, cho biết.

Sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn ra “biển lớn”

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân, Công ty CP May Hà Tĩnh có những bước tiến vững vàng trong năm qua.

Công ty CP May Hà Tĩnh cũng là một trong những đơn vị duy trì tốt thị trường xuất khẩu những năm gần đây. Với hệ thống máy móc hiện đại, trung bình mỗi tháng, công ty có thể xuất 45 nghìn sản phẩm quần áo bảo hộ sang Nhật Bản và 25 nghìn áo ấm jacket sang thị trường Đài Loan. Giám đốc công ty Bùi Tất Thắng cho biết: “2018 đánh dấu một năm SXKD thắng lợi của DN. Với sự nỗ lực của tập thể công nhân, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,6 triệu USD”.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Lộc chia sẻ: “Trong bộn bề khó khăn của năm 2018, thắng lợi của tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh có sự đóng góp rất lớn của các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cộng đồng DN, cùng với đó là sự triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động SXKD. Từ đó, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng công nghiệp và hội nhập quốc tế, thích ứng với xu thế công nghiệp 4.0”.

Sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn ra “biển lớn”

Tập đoàn Hoành Sơn triển khai thi công Nhà máy điện mặt trời gần 1.500 tỷ tại Cẩm Xuyên.

Trước thềm năm mới, các dự án trọng điểm của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đi vào hoạt động như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, may xuất khẩu của Hàn Quốc tại TX Hồng Lĩnh, điện mặt trời tại Cẩm Xuyên và Hương Sơn; Nhà máy Sản xuất gỗ MDF/HDF tại Vũ Quang… hứa hẹn mang đến những tín hiệu vui cho nền kinh tế tỉnh nhà. Từ đó, mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2019 sẽ được hoàn thành.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast