Cục Chăn nuôi sẽ đề nghị cấp thêm hoá chất khử trùng trong chăn nuôi cho Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi tại Cẩm Xuyên, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, sẽ đề nghị cấp thêm hoá chất khử trùng trong chăn nuôi cho Hà Tĩnh.

Chiều ngày 2/4, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cùng ngành chuyên môn, địa phương đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi tại huyện Cẩm Xuyên.

Tại Cẩm Xuyên, đối với dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, sau hơn 3 tháng bùng phát, toàn huyện đã có hơn 1.300 con trâu, bò mắc bệnh tại 22 xã, thị trấn. Trong đó, có 228 con bị chết buộc phải tiêu huỷ. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Thịnh, Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng,…

Về dịch tả lợn châu Phi, từ tháng 1/2021 đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã phải tiêu huỷ trên 560 con lợn, trọng lượng hơn 47 tấn thuộc 15 xã, thị trấn. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đợt dịch này có độc lực vi rút mạnh, lợn bị ốm, chết nhanh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà báo cáo về tình hình diễn biến của dịch bệnh trên gia súc tại địa phương.

Xác định tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, huyện Cẩm Xuyên đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cấp cơ sở; tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về phòng, chống dịch viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi; cấp phát hơn 2.200 lít hoá chất tiêu độc khử trùng cho các xã, thị trấn để xử lý môi trường chăn nuôi; bổ cứu, ban hành phác đồ hướng dẫn điều trị đối với bệnh viêm da nổi cục.

Cùng với đó, huyện đã tiến hành cách ly số trâu, bò mắc bệnh; hướng dẫn người dân không tự ý điều trị bằng thuốc nam; tăng cường quản lý đối với hoạt động hành nghề thú y trên địa bàn; chủ động kiểm soát, giám sát đàn lợn tại đại phương, yêu cầu người dân kịp thời khai báo khi có lợn ốm, chết bất thường…

Tổ chức tiêu huỷ đảm bảo vệ sinh môi trường đối với số gia súc bị chết, mắc bệnh để hạn chế lây lan mầm bệnh ra diện rộng; khuyến cáo người dân tuyệt đối không tăng đàn, tái đàn trong giai đoạn có dịch. Huyện đã tập trung thực hiện tiêm phòng được 5.946 con trâu, bò, đạt gần 35% tổng đàn toàn huyện trong đợt 1 (từ 03 -11/3) và đang nhận thêm vắc-xin để tiến hành tiêm phòng đợt 2 từ ngày 5/4.

Huyện đã tập trung thực hiện tiêm phòng được 5.946 con trâu, bò, đạt gần 35% tổng đàn toàn huyện trong đợt 1 (từ 03 - 11/3) và đang nhận thêm vắc-xin để tiến hành tiêm phòng đợt 2 từ ngày 5/4.

Tuy nhiên, qua theo dõi và kiểm tra thực tế, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn yếu, vẫn còn tình trạng không khai báo khi trâu, bò, lợn bị bệnh; tự ý liên hệ thú y, lấy thuốc nam điều trị; hệ thống thú y cấp huyện, cấp xã thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm gây hạn chế cho công tác tham mưu chống dịch.

Hơn nữa, tổng đàn chăn nuôi của địa phương lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ không đảm bảo vấn đề an toàn sinh học.

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình: Dịch bệnh tại Cẩm Xuyên vẫn đang diễn biến rất phức tạp; tổng đàn gia súc lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vấn đề an toàn sinh học. Vì thế, địa phương tiếp tục rà soát, nắm rõ cơ sở để có phương án quản lý và đề ra giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cũng nêu lên một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc tại cơ sở; đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi và các thành viên trong đoàn tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt: Huyện Cẩm Xuyên và các địa phương khác cần giám sát tiêm phòng đảm bảo số lượng, chất lượng theo yêu cầu; theo dõi trước, trong và sau tiêm phòng và phải có biện pháp điều chỉnh phù hợp để tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Gắn trách nhiệm cho chính quyền, tránh tình trạng lơ là, thiếu kiểm soát từ thôn, xóm đến cấp xã, cấp huyện.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng đánh giá cao công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh trên gia súc của huyện Cẩm Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng: Hiện nay, dịch bệnh trên gia súc đang diễn biến khá phức tạp, vì thế, đề nghị cơ sở tiếp tục tổng kết, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục vì đây là loại dịch bệnh mới, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi; chủ động triển khai kế hoạch phun diệt ruồi, muỗi, ve, mòng... bằng hoá chất để diệt trung gian truyền bệnh. Đặc biệt, lưu ý trong việc tổ chức hiệu quả tiêm phòng vắc-xin theo kế hoạch để sớm khoanh vùng, khống chế dịch.

Sau khi tiếp thu các kiến nghị, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục tham mưu và có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay; đề nghị hỗ trợ cấp phát thêm hoá chất để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi cho tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cùng ngành chuyên môn, địa phương đã đi kiểm tra thực địa một số hộ chăn nuôi tại xã Yên Hoà để nắm bắt tình hình phát sinh dịch bệnh và hiệu quả sau tiêm phòng vắc-xin dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói