Cuộc chiến “khủng bố” giữa Mỹ và Iran sẽ đi đến đâu?

Liệt IRGC vào danh sách khủng bố là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch gây sức ép lâu dài nhằm vào Iran.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ sung thêm một lớp mới trong chiến dịch “sức ép tối đa” nhằm vào Iran khi tuyên bố Lực lượng vệ binh các mạng (IRGC ) là “tổ chức khủng bố nước ngoài”. Động thái này cho phép Mỹ truy tố bất cứ cá nhân nào ủng hộ cơ quan an ninh quyền lực nhất của chính phủ Iran.

Cuộc chiến “khủng bố” giữa Mỹ và Iran sẽ đi đến đâu?

Lực lượng vệ binh cách mạng Iran trong một cuộc diễu binh năm 2011. Ảnh: Atlantic

“Động thái chưa từng có tiền lệ này, do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, thừa nhận thực tế rằng, không chỉ Iran là quốc gia bảo trợ khủng bố, mà IRGC còn tích cực tham gia vào việc cung cấp tài chính, tài trợ khủng bố như một công cụ cho nhà nước. Đây là lần đầu tiên Mỹ từng liệt một cơ quan của nước ngoài vào danh sách các tổ chức khủng bố”, Tổng thống Trump tuyên bố sáng 8/4.

Tuyên bố sẽ có hiệu lực sau khi thông báo 1 tuần.

Mỹ muốn bóp nghẹt Iran

Động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump được cho là sẽ khiến các nước khác khó làm ăn với Iran hơn, đồng thời bóp nghẹt triển vọng đầu tư của một đất nước đang khan hiếm tiền mặt.

Từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, IRGC đã lớn mạnh và có ảnh hưởng không chỉ đối với các chính sách khu vực của Iran mà còn là một tổ chức hoạt động kinh tế có tiềm lực. Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Rand từ 10 năm trước đã đánh giá rằng ảnh hưởng của IRGC bao trùm “mọi ngóc ngách trong đời sống chính trị xã hội ở Iran” khi tham gia vào các ngành công nghiệp từ sản xuất ô tô tới phẫu thuật mắt công nghệ laser, cùng nhiều hoạt động khác. Giám đốc CIA năm 2017, khi đó là Mike Pompeo, cũng đã thừa nhận rằng, “Dù không rõ ràng, nhưng khoảng 20% nền kinh tế Iran do lực lượng này kiểm soát”.

Tuyên bố mới nhất của Mỹ đồng nghĩa với việc bất cứ ai làm ăn kinh doanh ở Iran cũng có nguy cơ bị truy tố hình sự ở Mỹ với cáo buộc hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố. Về mặt lý thuyết, ngay cả một doanh nhân châu Âu dù chỉ xem xét đầu tư vào các dự án phẫu thuật mắt bằng công nghệ laser cũng vi phạm trừng phạt của Mỹ và có thể bị truy tố hình sự. Điều này khác với các lệnh trừng phạt hiện có nhằm vào IRGC từ Bộ Tài chính vốn chủ yếu liên quan đến các án phạt tài chính.

Mark Dubowitz, người đứng đầu tổ chức Phòng vệ của các nền Dân chủ có quan điểm cứng rắn, đồng thời là người cố vấn cho chính quyền Trump về chính sách đối với Iran, lại cho rằng nó sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. “Quyết định đưa IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố giống như lớp trên cùng của tất cả các biện pháp trừng phạt hiện tại. Nó đóng vai trò răn đe đối với những cá nhân hay tổ chức muốn làm ăn kinh doanh với Iran, trong đó có cả các đối tác từ châu Âu và châu Á”.

Hay Mỹ tự đẩy mình vào thế khó?

Nhiều người cho rằng, động thái mới của Mỹ là không cần thiết, thậm chí nó có thể trở nên khiêu khích và đặt binh sỹ Mỹ trong khu vực vào rủi ro.

Richard Nephew một chuyên gia về các lệnh trừng phạt, làm việc cho nhóm đàm phán với Iran dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, các biện pháp trừng phạt hiện hành cũng đủ khiến Iran lao đao. Lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ Iran đã tụt dốc sau khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran giữa năm 2018, nền kinh tế Iran vì thế cũng chịu nhiều hệ lụy. Mỹ không cần thiết phải liệt IRGC vào danh sách khủng bố để gây sức ép tối đa với Iran, vì điều đó sẽ chỉ phiền phức thêm.

Tất nhiên, quyết định của Mỹ đã vấp phải sự đáp trả “đối xứng” của Iran. Hội đồng An ninh tối cao Iran cũng tuyên bố Mỹ là quốc gia khủng bố, trong khi gọi Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), vốn chịu trách nhiệm về các chiến dịch của Mỹ tại Trung Đông, là tổ chức khủng bố.

Có thể nhiều người cho rằng, tuyên bố của Iran chỉ là “đao to búa lớn”. Tuy nhiên, bà Ariane Tabatabai, một nhà khoa học chính trị tại Rand cho rằng, dù Iran không có nhiều thứ để mất như họ đã từng có trong quá khứ, nhưng trong bối cảnh Iran đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là ở những nơi ảnh hưởng của Mỹ dường như đang yếu dần như Syria, Iraq, thì quyết định của Iran có thể gây ảnh hưởng tới các binh sỹ Mỹ trong khu vực.

Quả thực, những rủi ro tiềm tàng này đối với binh sỹ Mỹ là yếu tố đã khiến chính quyền Mỹ trước đây không liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố. Khi Bộ Tài chính Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối vơi IRGC vào mùa thu 2017, Ngoại trưởng khi đó - Rex Tillerrson, đã giải thích rằng vị trí của binh sỹ Mỹ là một lý do để khiến Mỹ không đi xa hơn.

“Có những rủi ro và sự phức tạp đặc biệt khi nhằm vào toàn bộ lực lượng quân đội của một nước”, ông Tillerson nói ở thời điểm đó. Ông nhấn mạnh thêm, nếu làm như vậy, nó “sẽ đặt ra những điều kiện nhất định mà ở đó chúng ta sẽ phải chịu những tổn hại nhất định. Ngoài ra cũng sẽ phải có thêm các biện pháp trừng phạt khác nhưng chúng lại không cần thiết và ảnh hưởng tới lợi ích tốt nhất của các chiến dịch quân sự Mỹ”.

Theo VOV

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.