Dân ca, dân vũ trong đời sống văn hóa Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, như thỏa nỗi khát khao mong chờ, phong trào hát dân ca ví, giặm phục hồi mạnh mẽ. Cùng với đó, loại hình dân vũ, khiêu vũ, một hình thức sinh hoạt văn hóa mới cũng phát triển rầm rộ ở Hà Tĩnh, thu hút hàng nghìn người tham gia, trong đó đa phần là phụ nữ.

Video: Tiết mục dân vũ "Đất nước trọn niềm vui" của thị xã Kỳ Anh giành giải đặc biệt tại Liên hoan Hát ru và Dân vũ toàn tỉnh do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức năm 2022

Phong trào hát dân ca có từ lâu đời ở Hà Tĩnh và được người dân ở đất thơ, đất nhạc lưu truyền, gìn giữ, nhất là sau khi ví, giặm được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đại dịch COVID-19, đã có hàng trăm câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm ở các xã, phường hoạt động. Theo số liệu của ngành VH-TT&DL, năm 2020, toàn tỉnh có 157 CLB được thành lập và duy trì ở 13 huyện, thị, thành. Trong đó, các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh 100% xã, phường, thị trấn có CLB dân ca ví, giặm; Cẩm Xuyên có 70%; Can Lộc có 77% xã, thị trấn có CLB dân ca ví, giặm… 6 tháng đầu năm 2022, tại TP Hà Tĩnh, đã có thêm 2 CLB dân ca ví, giặm làm lễ ra mắt công chúng là CLB Tân Yên, phường Văn Yên và CLB phường Bắc Hà.

Lễ ra mắt CLB Dân vũ thể thao xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu của Đức Đồng

Cùng với phong trào phục hồi và bảo tồn di sản phi vật thể như dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều, sắc bùa… khoảng 5 năm nay, phong trào nhảy dân vũ, khiêu vũ phát triển khá nhanh chóng và rầm rộ, thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là phụ nữ trung tuổi. Dù chưa có thống kê nào cụ thể nhưng hiện nay rất nhiều xã, phường, cơ quan, đơn vị, các trung tâm văn hóa… có CLB dân vũ, khiêu vũ thu hút mọi lứa tuổi tham gia.

Huyện Nghi Xuân tổ chức Liên hoan Dân vũ chào mừng khai trương du lịch biển Xuân Thành năm 2022. Ảnh: Đức Đồng

Mỗi CLB thường có khoảng từ 10-30 người, có nơi số lượng đông hơn như CLB Morning Dance sport (TP Hà Tĩnh) 90 người tham gia, 50 người thường xuyên duy trì tập luyện. Xã An Dũng (Đức Thọ) có 13 CLB ở 13 thôn với 200 thành viên tham gia. 13/13 huyện, thị, thành đều có CLB dân vũ, khiêu vũ; riêng TX Kỳ Anh có 45 CLB.

CLB Dân vũ thôn Tân Học (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) biểu diễn chào mừng đại hội chi bộ thôn.

Nếu như các CLB ở nông thôn chủ yếu là nhảy dân vũ thì các CLB ở thành thị theo xu hướng khiêu vũ thể thao (dancesport). Đầu tháng 7/2022, tại TP Hà Tĩnh, 13 CLB của TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TP Vinh (Nghệ An) đã tham gia 20 tiết mục giao lưu dân vũ, khiêu vũ. Ngoài duy trì tập luyện, các CLB còn tổ chức giao lưu, tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các miền quê trong tỉnh.

Nếu dân ca là sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm tính chất truyền thống, rất kén người hát với nhiều làn điệu cổ, làn điệu cải biên, chủ yếu biểu diễn trên sân khấu thì dân vũ là một loại hình sinh hoạt văn nghệ mang tính đại chúng, sử dụng các bước nhảy hiện đại, trong đó có các bước nhảy khiêu vũ Chachacha, Bachata, Samba, Bebop, Disco… tạo nên không khí sôi động, trẻ trung, thu hút được nhiều người tham gia.

Do không gian tập luyện và biểu diễn dân vũ, khiêu vũ rộng lớn hơn, dân dã hơn, thường là tại quảng trường, sân vận động, tiểu công viên, nhà văn hóa… nên tạo hiệu ứng rộng rãi, thu hút người xem và tham gia tập luyện. Bên cạnh lý do rèn luyện sức khỏe, hoạt động văn hóa lành mạnh này đã mang lại cho phố phường, làng quê không khí sôi nổi, rộn ràng.

Không chỉ ở vùng thành thị, loại hình dân vũ nhanh chóng được phụ nữ nông thôn hưởng ứng. Trẻ em tham gia CLB cũng có thêm những ngày hè bổ ích, đáng nhớ. Có những CLB chủ yếu là người cao tuổi như CLB 55 Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh). Cũng có CLB dành riêng cho người trẻ như CLB của Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Tĩnh. Nhiều bà, nhiều chị chia sẻ: Tham gia dân vũ không chỉ giúp cơ thể săn chắc, mềm mại, chống bệnh tật mà còn mang lại sự vui vẻ, phấn khởi, xua đi mệt nhọc, ưu phiền, xả stress. Bà Dương Thị Hồng - Chủ nhiệm CLB Dân vũ, khiêu vũ tổ dân phố 3, phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Năm nay tôi đã 69 tuổi nhưng vì đam mê loại hình khiêu vũ thể thao này nên tiến hành thành lập CLB nhằm tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho chị em. Đến đây, chúng tôi quên hết mệt nhọc, lo âu, cảm thấy mình như trẻ lại”.

CLB Morning Dance sport (TP Hà Tĩnh) có khoảng 90 người tham gia, 50 người thường xuyên duy trì tập luyện.

Đón bắt được nhu cầu thực tế của chị em, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm, đồng thời tạo không gian văn hóa mới cho chị em phụ nữ, tháng 3/2022, Hội LHPN Hà Tĩnh đã tổ chức Liên hoan Hát ru và Dân vũ toàn tỉnh lần thứ nhất. Trải qua nhiều vòng thi trong các cấp hội phụ nữ cơ sở, vòng chung khảo cấp tỉnh diễn ra từ ngày 25-31/5, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Mỗi đơn vị hội LHPN cấp huyện và Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh gửi 1-2 video tiết mục xuất sắc về Tỉnh hội.

Kết quả, từ 25 video, ban giám khảo đã chọn ra 16 tiết mục xuất sắc (6 tiết mục hát ru, 10 tiết mục dân vũ) vào vòng chung kết. Vòng chung kết thi trực tiếp đã diễn ra tại quảng trường TP Hà Tĩnh vào đầu tháng 6 nhân ngày Gia đình Việt Nam. Hội LHPN thị xã Kỳ Anh đã đạt giải đặc biệt với tiết mục nhảy dân vũ “Đất nước trọn niềm vui”; 2 giải nhất thuộc về tiết mục hát ru: “Lời ru vang vọng biên cương” của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và tiết mục dân vũ “Xinh tươi Việt Nam” của Hội Phụ nữ Công an tỉnh. Tiết mục “Xinh tươi Việt Nam” đã đạt giải nhì cuộc thi của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Tiết mục “Xinh tươi Việt nam” của Hội Phụ nữ Công an tỉnh đạt giải nhất Liên hoan Hát ru và Dân vũ toàn tỉnh năm 2022... Ảnh: Khôi Nguyễn

Tiết mục này sau đó đã đạt giải nhì tại Hội thi dân vũ thể thao trực tuyến “Vũ điệu khỏe, đẹp” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

.....

Nếu như phong trào hát dân ca có lịch sử hàng trăm năm, được đưa vào chương trình hành động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, được hỗ trợ kinh phí khá lớn (30 triệu đồng ra mắt, 5 triệu đồng duy trì CLB hằng năm theo Nghị quyết số 93 của HĐND tỉnh) thì phong trào dân vũ, khiêu vũ thể thao chủ yếu là tự phát theo nhu cầu của số đông chị em. Chủ nhiệm CLB phần lớn do đam mê, tự học hỏi, tự tổ chức CLB và truyền dạy miễn phí. Một số người sau khi được học cơ bản ở các lớp do dancer chuyên nghiệp dạy về truyền đạt lại cho chị em. Từ các lớp này, hình thành một số ít vũ công chuyên nghiệp tham gia vào các CLB khiêu vũ nghệ thuật.

Tiết mục dân vũ “Inh Lả ơi” của huyện Lộc Hà tại Liên hoan Hát ru và Dân vũ toàn tỉnh do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức năm 2022. Ảnh: Khôi Nguyễn

Gần đây, các cơ quan, đơn vị, địa phương có chủ trương thành lập các CLB dân vũ do ban nữ công và chi hội phụ nữ phụ trách phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội ở địa phương như: đại hội chi bộ, đại hội hội phụ nữ, kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc khánh 2/9, ngày hội Đại đoàn kết… Các bài nhảy chủ yếu sử dụng nhịp điệu của các bài hát về Đảng, về đất nước, quê hương, con người Việt Nam như: Hãy đến với con người Việt Nam tôi, Xinh tươi Việt Nam, Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi, Chiếc khăn piêu, Tiếng đàn ta-lư, Nối vòng tay lớn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Tiếng chày trên sóc Bom-bo… Nhiều bài nhạc nước ngoài hiện đại nổi tiếng cũng được các CLB đưa vào tập luyện và biểu diễn theo phong cách khiêu vũ thể thao và khiêu vũ nghệ thuật.

Tiết mục dân vũ “Đường Trường Sơn xe anh qua” của huyện Đức Thọ thể hiện tại Liên hoan Hát ru và Dân vũ toàn tỉnh do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức năm 2022. Ảnh: Khôi Nguyễn

Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian tới, Tỉnh hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội duy trì và phát triển phong trào dân ca, dân vũ, khiêu vũ thể thao nhằm thu hút, tập hợp hội viên vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phục vụ các hoạt động của địa phương”.

Trình bày: THÀNH NAM

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói