Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

(Baohatinh.vn) - Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.

1. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là Đại danh y, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Ông sinh ra và lớn lên ở hương Cổ Liêu, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Quê hương Lê Hữu Trác vốn nổi tiếng từ xa xưa là vùng đất đắc địa về phong thủy, có bề dày trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, giàu truyền thống văn hiến, khoa bảng.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là đại danh y, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

2. Trong tập “Thượng kinh ký sự”, tập cuối của bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” kể về chuyến lên Kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho cha con Chúa Trịnh, có dịp về thăm quê, Hải Thượng Lãn Ông đã ghi lại chuyến hồi hương đầy kỷ niệm với những cảm xúc bồi hồi da diết trào dâng. Trước hết, đọc “Thượng kinh ký sự”, bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm. Có thể hình dung diễn biến tâm trạng mong nhớ cố hương của Lãn Ông trong 7 sự kiện sau đây.

Sự kiện đầu tiên là việc Lãn Ông hẹn ước gặp nhau tại quê nhà với thân nhân: “Tôi có một người anh làm Thự trấn Lạng Sơn (Tiến sĩ Lê Hữu Kiển), người em con chú làm Đốc đồng Lạng Sơn (Tiến sĩ Lê Hữu Dung). Hai ông đều hẹn với tôi là sẽ gặp nhau tại quê nhà, nhưng đã lâu chưa gặp mặt. Hai ông này về quê sửa chữa nhà cửa, nên chưa lên Kinh. Hôm nay, cả hai cùng tới Kinh thăm tôi. Một số anh em, con cháu họ hàng cũng đều đến chơi cả”(1).

Ấn phẩm Thượng Kinh ký sự do Công ty cổ phần Đọc và học Việt Nam thực hiện, Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn và PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn sưu tập, biên soạn; Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh xuất bản. (Quý IV/2024).

Sự kiện thứ hai là việc Lãn Ông gặp lại một người bạn thân từ thuở nhỏ. Ông này bấy giờ là một võ quan trong quân Cấm vệ ở kinh đô. Lãn Ông thuật lại cuộc hội ngộ này như sau: “Chúng tôi ngồi chơi, kể lể hàn huyên, mừng mừng tủi tủi, nỗi niềm không sao kể xiết. Lại hỏi qua về các chuyện năm trước, thì vật đổi sao dời, mọi phần khác đến tám chín…”(2). Từ những hồi ức về người xưa cảnh cũ khi gặp lại người bạn thân thuở thiếu thời, mong muốn được về làng cũ của Lãn Ông lại càng trở nên mãnh liệt.

Sự kiện thứ ba là lúc Lãn Ông đi thăm bệnh Tào Quận công trong dinh cơ ở bờ Hồ Tây. Lúc đi thuyền qua hồ để về chỗ trọ thì thấy lại quang cảnh xưa gợi cho ông nhớ đến những kỷ niệm ngọt ngào thời trai trẻ: “… Khi còn nhỏ ở kinh đô, tôi cùng mấy người quen kết bạn làm thi xã (nhóm thơ), hò hẹn cùng nhau, hằng năm xuân thu hai lần cùng tới Hồ Tây vui chơi…”(3).

Sau đó, Lãn Ông tới thăm bệnh cho Văn Quốc sư theo lời hẹn. Trên đường tới dinh Văn Quốc sư, ông lại một phen ngậm ngùi: “Qua những chỗ dinh cũ của cha tôi và chú tôi trước kia, nhìn cảnh tiêu điều, tôi xuống võng nhìn ngắm. Núi hồ vẫn như cũ nhưng hoa cỏ năm nay đều đã thuộc về người khác”(4).

Sự kiện thứ tư là lúc đi thăm bệnh mẹ quan Thự trấn An Quảng ở đất Hồng Châu (nay thuộc vùng đất Hải Dương và Hưng Yên): “Nhớ lại ngày xưa, đây chỉ là nơi đồng cỏ mà bây giờ đã chùa miếu huy hoàng, gà gáy, chó sủa ran ran làng xóm, tiếng hát của nông dân vang vọng khắp cánh đồng. Sao mà cảnh tượng khôi phục lại mau làm vậy. Lúc này sực nhớ lại làng quê mình, đã hai chục năm binh lửa, đã từng trải cảnh thôn xóm tan tác, người người lưu lạc, nhưng nghe nói ngày nay đã đông đúc hơn xưa”(5).

Sự kiện thứ năm là việc gặp lại vị hôn thê. Số là lúc thiếu thời Lãn Ông đã được gia đình dạm hỏi tiểu thư con quan Thừa tư tham chính Sơn Nam, người Huê Cầu (nay thuộc Hưng Yên). Nhưng sau đó cha mất, mẹ về Hương Sơn (Hà Tĩnh) cư ngụ, rồi anh trai cùng mẹ về chăm mẹ cũng mất nên Lãn Ông phải từ hôn để về Hương Sơn nuôi mẹ, nuôi cháu (con anh trai đã mất). Riêng người con gái, gia đình sa sút, bố mất, cuộc sống rơi vào cảnh bế tắc, bần cùng. Nay “thượng kinh” thì tình cờ gặp lại cố nhân trong vai một ni bà đi quyên tiền để đúc chuông chùa Huê Cầu. Bao nhiêu ký ức buồn hiện về. Lãn Ông đã không ngại mà nói thật chuyện này với học trò và nhờ họ giúp đỡ.

Sự kiện thứ sáu là tổ chức tết Trung thu nơi ở trọ: “… đốt hương thắp nến, cúng vái gia tiên, rồi mời thân thích và những học trò mới theo học, cả thảy hơn mười người, cùng ăn cỗ uống rượu”(6).

Sự kiện cuối cùng là việc Lãn Ông được chính thức trở về thăm làng cũ. Lãn Ông bồi hồi kể lại: “Đến bến Bát Tràng, bỏ thuyền lên bộ mà đi. Dọc đường làng xóm đông đúc, đình thần chùa Phật đều bằng gạch ngói, quán rượu, hàng cơm liên tiếp nối nhau. Cứ khoảng một dặm, tôi lại cho những người theo hầu nghỉ lại, còn mình chống gậy dạo chơi loanh quanh. Dần dà chẳng bao lâu đến Liêu Xá làng tôi”(7).

Theo dòng thuật kể của Lãn Ông, cảnh vật, con người của làng quê, gia đình hiện lên từ xa đến gần, từ hiện tại đến quá khứ; tâm trạng người thuật kể cũng theo đó mà diễn biến với những nét vui buồn đan xen. Đặc biệt, đoạn tác giả kể về việc ông xem xét lại dinh cơ xưa của thân phụ, nơi bà chị dâu đang sinh sống và chăm lo hương khói một cách tỉ mỉ với bao cảm xúc rưng rưng. Khi gặp lại bà con thân thuộc nhưng sau bao nhiêu năm xa cách, tác giả cảm thấy mình là người có lỗi với quê hương, với bà con thân thuộc: “Trong lúc ngậm ngùi, bất giác tôi khóc òa lên rồi nói: Tôi từ lúc xa quê làng, bấm đốt ngón tay đã ba mươi năm, đến nay mới được về thăm xóm cũ, thì quang cảnh đã vật đổi sao dời, họ hàng ngồi đầy trước mặt mà không biết được họ tên nhau. Quả thật là đã quá hững hờ xa cách”(8).

Sau khi đi thăm mộ tiền nhân và đến lễ tại các nhà thờ, miếu thần trong làng, ông ra chơi cầu làng cùng với các công tử em họ. Nơi đây ghi dấu bao kỷ niệm êm đềm, đằm thắm thuở thiếu thời: “Nguyên làng tôi có một cái ngòi nhỏ giống hình cái bầu (hồ lô). Làng chia làm 2 thôn, một thôn ở trong bầu, một thôn ở ngoài bầu. Ở giữa bắc một cái cầu lấy lối đi lại. Trên cầu dựng cột kèo và lợp ngói làm nhà, hai bên ghép ván cao… Cứ tới đầu mùa hè, mưa to nước dâng đầy, nước sông chảy vào mạnh, tôi thường cùng anh Thự trấn Lạng Sơn ra đây tắm, bơi lội ngụp lặn, vui đùa mãi tới khuya mới về”. Quang cảnh làng quê được tác giả vẽ ra thật thanh bình, nên thơ với những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu. Tất cả những cảnh ấy, ngoài lời kể dẫn chuyện của tác giả thì đều được ghi lại bằng những bài thơ của ông và bài họa của mọi người. Dấu ấn về làng quê trong tâm hồn tác giả quả là rất sâu đậm.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở xã Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). (Ảnh: Internet).

3. Diễn biến tình cảm đối với cố hương của Lãn Ông được khơi sâu dần qua 7 sự kiện nói trên. Có sự kiện thuộc về giao tiếp phần âm như kỵ lạp, lễ tết, cải táng phần mộ tổ tiên, thăm viếng đền chùa, dinh thự cũ; có sự kiện thuộc về giao tiếp phần dương như gặp lại cảnh vật, con người, bạn bè, thân thích, vị hôn thê. Qua mỗi sự kiện, tình cố hương trong ông ngày càng sâu đậm, khiến ông khắc khoải khôn nguôi, thôi thúc ông một cách mãnh liệt.

“Thượng kinh ký sự” là một áng văn xuôi lớn của văn học trung đại Việt Nam viết theo thể ký. Sự việc, con người, cảnh vật được phản ánh trong thiên ký sự rất chân thực và nên thơ, tạo cho tác phẩm một sức hấp dẫn lớn. Không chỉ phản ánh những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến “thượng kinh”, mà qua đó, tác giả thể hiện cái tôi của mình rất phong phú, đa dạng với diễn biến tâm lý, tư tưởng sinh động, tinh tế. Cái “tôi” đó, trước hết, là nhân cách cao thượng, vị tha của một bậc danh y; là tình yêu thiên nhiên của một bậc ẩn sĩ và cuối cùng là tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, chan chứa ân tình của một nghệ sĩ lớn. Tình quê, trong đó gồm nỗi nhớ nhung tha thiết của Lãn Ông đối với quê mẹ và tình hoài hương sâu nặng, day dứt đối với quê cha, là giai điệu xúc động nhất trong bản giao hưởng trữ tình của thiên ký sự độc đáo này.

(1) Sđd, tr. 83;

(2) Sđd, tr. 96;

(3) Sđd, tr. 136-137;

(4) Sđd, tr. 138;

(5) Sđd, tr. 140-142;

(6) Sđd, tr.161-163;

(7) Sđd, tr. 174;

(8) Sđd, tr. 175;

Chủ đề 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói