Đâu là hồi kết cho Brexit?

Tối 27/3 theo giờ Việt Nam, Hạ viện Anh đã tiến hành bỏ phiếu cho một loạt lựa chọn khác cho vấn đề Brexit.

Tối 25/3 vừa qua, các nghị sĩ Anh đã có bước đi bất ngờ khi bỏ phiếu đòi nắm quyền đưa ra các lựa chọn đối với Brexit trong nỗ lực tìm cách chấm dứt thế bế tắc trong vấn đề các điều khoản để Anh rời EU. Và tối 27/3 theo giờ Việt Nam, Hạ viện Anh đã tiến hành bỏ phiếu cho một loạt lựa chọn khác cho vấn đề Brexit.

Đâu là hồi kết cho Brexit?

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: TTXVN

Những đề xuất nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Anh

Ngày 27/3 là ngày mà Hạ viện Anh đã giành quyền điều hành tiến trình Brexit từ tay chính phủ Anh và trong cả ngày, các nghị sĩ Anh đã tranh luận rất căng thẳng về các bước đi của Brexit.

Từ 16 kiến nghị bỏ phiếu ban đầu, sau nhiều tham vấn, các nhóm nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau trong Hạ viện Anh đã thống nhất rút gọn còn 8 kiến nghị để đưa ra bỏ phiếu để chỉ thị về cách thức tiến hành Brexit trong thời gian tới. Những kiến nghị này bao gồm cả việc nước Anh rời EU mà không có thoả thuận, việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, và thậm chí cả việc huỷ bỏ Brexit.

Trong số này đáng chú ý nhất là các kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ với EU, thông qua việc thiết lập một Liên minh hải quan chung và việc Anh tham gia vào nhiều cơ quan quản lý của châu Âu.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu trong tối muộn ngày 27/3 đã cho kết quả là toàn bộ 8 kiến nghị này đều bị bác bỏ. Kiến nghị nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất là kiến nghị về việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, với 268 phiếu ủng hộ và 295 phiếu chống. Tuy nhiên, xét về % ủng hộ thì kiến nghị xây dựng Liên minh hải quan của nghị sĩ Clarke, nhận được 264 phiếu ủng hộ so với 272 phiếu chống, tức chiếm 49,3% phiếu. Trong khi đó, kiến nghị tương tự của Công đảng chỉ nhận được 43,6% phiếu ủng hộ (237 ủng hộ so với 307 chống). Bị phản đối nhất là kiến nghị rời EU mà không có thoả thuận và kiến nghị ký thoả thuận tự do thương mại mà không có Liên minh thuế quan.

Nhìn vào kết quả này thì có thể thấy, quan điểm đang chiếm ưu thế trong số các nghị sĩ Anh là quan điểm về một Brexit mềm, tức là duy trì một mối quan hệ chặt chẽ nhất có thể với EU và có một thoả thuận hải quan chung nhằm giữ được quyền tiếp cận thị trường đơn nhất châu Âu. Và nếu không được thì Hạ viện Anh có vẻ như chấp nhận đi đến quyết định là lại để cho người dân Anh quyết định lại một lần nữa. Nhưng luồng quan điểm này vẫn không thể nhận được đa số phiếu ủng hộ vì phe ủng hộ Brexit vẫn còn tương đối mạnh.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người tại châu Âu đang đặt ra, từ cả hai phía châu Âu lẫn phía Anh. Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ hầu như mọi đề xuất được đưa ra, từ bản thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đàm phán với EU, việc rời bỏ EU không thoả thuận rồi cả việc có trưng cầu ý dân lần 2 hay không. Cho đến ngày 27/3 thì câu chuyện đã lên đến đỉnh điểm, khi mà Hạ viện Anh bác bỏ cả 8 thoả thuận do chính các nghị sĩ trong Hạ viện Anh đưa ra. Tức là không chỉ chống lại các ý định từ chính phủ Anh, Hạ viện Anh giờ chống lại cả mọi ý định trong chính nội bộ của mình.

Đây chính là thế lưỡng nan của nước Anh với Brexit. Cử tri Anh đã bỏ phiếu lựa chọn Brexit vì nghĩ rằng như thế sẽ có lợi cho nước Anh. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đàm phán và xem xét mọi khía cạnh thì giới cầm quyền tại Anh lại đối mặt với một thực tế: Brexit quá gian nan, quá phức tạp và có thể phải trả giá vô cùng đắt đỏ.

Cái giá đó có thể là về kinh tế nếu nước rời EU mà không có thoả thuận. Cái giá đó cũng có thể là về chính trị và chủ quyền của toàn thể Vương quốc Anh khi Brexit đe doạ làm tan vỡ Vương quốc Anh, bởi vấn đề biên giới trên đảo Ireland hay vấn đề ly khai của Scotland. Chính vì thế nên đã có một độ vênh rất lớn giữa mong muốn của giới tinh hoa chính trị Anh, bao gồm cả chính phủ lẫn Hạ viện, và thực tế chính trị châu Âu.

Trước sự cứng rắn và đoàn kết của châu Âu, chính phủ Anh đã phải đàm phán vất vả để đạt được một bản thoả thuận Brexit với rất nhiều điểm phải nhượng bộ, khiến Hạ viện Anh không hài lòng. Vì thế, Hạ viện Anh đã tìm cách giành quyền điều khiển tiến trình này từ tay chính phủ, với hy vọng là có thể tìm ra được một giải pháp được đa số ủng hộ.

Tuy nhiên, thực tế ngày 27/3 đã cho thấy, có quá nhiều bất đồng quan điểm cũng như xung đột lợi ích giữa các đảng phái nên ở thời điểm này, Hạ viện Anh không thể huy động được một đa số nào cả nếu không có các dàn xếp và nhượng bộ chính trị giữa các phe phái. Tức là Hạ viện Anh cũng hoàn toàn mơ hồ về việc mình thực sự muốn Brexit đi theo hướng nào.

Về các diễn biến tiếp theo thì có thể nói không một ai dám chắc về điều gì. Nhưng thời hạn 29/3, đã ở quá gần nên chắc chắn trong ngày 28/3, Hạ viện Anh sẽ lại phải họp để bàn về các bước đi tiếp theo, trong đó có thể là sẽ bàn về việc tổ chức phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit của chính phủ Anh. Tuy nhiên, trong nửa 27/3, các nghị sĩ Anh đã giải tán trong bất đồng và chán nản mà không đưa ra được bất cứ gợi ý nào.

Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ từ chức

Thủ tướng Theresa May đã tuyên bố ý định của mình ngay trước khi các nghị sĩ Anh tiến hành các phiên bỏ phiếu chỉ thị và điều này được cho là đã tác động ít nhiều đến quan điểm của một số nghị sĩ còn đang lưỡng lự.

Theo tờ báo The Guardian thì đến nửa đêm 27/3, khoảng 25 nghị sĩ trong phe chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ đã thay đổi quan điểm và sẽ ủng hộ thoả thuận Brexit nếu bà May từ chức Thủ tướng. Ngay cả nhân vật chống đối với bà May mạnh nhất là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson cũng cho biết sẽ ủng hộ thảo thuận Brexit nếu bà May ra đi.

Mặc dù các diễn biến này phơi bày một thực tế là thực ra có nhiều chính trị gia Anh chống đối bà May chỉ vì tham vọng quyền lực cá nhân, tức muốn chiếm ghế Thủ tướng Anh, chứ không phải vì các lo lắng liên quan đến Brexit nhưng vào thời điểm này, đây có lẽ sẽ là lối thoát khả dĩ nhất cho các bế tắc của Brexit.

Tuy nhiên, việc bà May sẵn sàng hy sinh ghế Thủ tướng cũng không chắc đã đủ để giúp thoả thuận Brexit được thông qua. Lí do là vì kể cả toàn bộ các nghị sĩ chống đối trong đảng Bảo thủ có thay đổi quan điểm và quay sang ủng hộ thoả thuận Brexit thì đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) vẫn tuyên bố sẽ chống thoả thuận này đến cùng, trong bất kể trường hợp nào.

Trên lý thuyết là thoả thuận này vẫn chưa thể có đa số tại Hạ viện Anh, trừ trường hợp bà May thuyết phục thêm được các nghị sĩ phản đối Brexit bên phía Công đảng đối lập. Nhưng việc này không hề đơn giản.

Và nếu phân tích các cuộc bỏ phiếu tối qua thì phe ủng hộ trưng cầu ý dân lần 2 còn đang có cơ sở để lạc quan hơn vì số phiếu ủng hộ cho kịch bản này còn nhiều hơn số phiếu từng ủng hộ thoả thuận Brexit của bà May. Nhưng về tổng thể thì nhìn chung thì ở thời điểm này, Brexit đang bế tắc toàn diện.

Theo VOV

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.