Độ ẩm cao, lo đạo ôn "xuất kích" hại lúa xuân!

(Baohatinh.vn) - Bệnh đạo ôn đã phát sinh trên đồng ruộng Hà Tĩnh và dự báo có thể tiếp tục lan rộng trong thời gian tới, nhất là trên giống nhiễm và chân ruộng thừa đạm.

Trong điều kiện mưa ẩm kéo dài nhiều ngày qua, sau khi thăm đồng, bà Trần Thị Loan (thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) phát hiện 4/7 sào lúa của gia đình đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá.

Bà Loan cho biết: “Các ruộng lúa dày, rậm hoặc nằm ở vùng trũng, khó thoát nước thường bị nhiễm nặng hơn. Được cán bộ nông nghiệp xã kiểm tra, hướng dẫn, tôi đã phun thuốc phòng trừ ngay, hạn chế lây lan sang các ruộng khác. Tuy nhiên, với thời tiết ẩm ướt, sương mù dày đặc vào ban đêm và sáng sớm thì dù phun phòng rồi tôi vẫn chưa hết lo”.

bqbht_br_z6399525965982-1bfdeb6be55233d33fd162a1f9bbac0c.jpg
Lúa xuân tại Hà Tĩnh đang trong giai đoạn phát triển mạnh thân lá.

Xã Lâm Trung Thủy là một trong những địa phương có diện tích lúa xuân lớn nhất ở huyện Đức Thọ với trên 900 ha, chủ yếu cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111, VNR20, Nếp 98... Do thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao nên bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên một số cánh đồng ở 2 thôn Trung Đông, Trung Tiến.

Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy Đinh Văn Nam cho biết: “Chúng tôi đã bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi tình hình để chỉ đạo, đốc thúc bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ, khống chế lây lan dịch bệnh nhất là đối với giống có mức độ nhiễm cao như: P6, VNR20, Thái Xuyên 111… Điều đáng nói, hình thái thời tiết mưa ẩm đang gây nhiều khó khăn cho bà con trong công tác phòng trừ và làm giảm hiệu lực của thuốc”.

bqbht_br_z6399221243526-1387caacea780ac4b2a3df968466456a.jpg
Ngành chuyên môn huyện Đức Thọ kiểm tra sự phát triển của lúa xuân và tình hình sâu bệnh.

Hiện nay, các vết bệnh đạo ôn với biểu hiện dễ nhận biết nhất là những chấm nâu lốm đốm trên lá. Theo điều tra của ngành chuyên môn, bệnh cũng đã xuất hiện trên các vùng gieo cấy sớm của xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)...

Bà Trần Thị Hiếu (thôn Mỹ Am, xã Cẩm Quan) cho biết: “Nhà tôi làm 8 sào trong đó 4 sào sử dụng giống Thái xuyên 111. Năm nay, thời tiết lạnh kéo dài, lúa bén khá chậm nên bệnh đạo ôn chỉ mới xuất hiện rải rác ở một số chân ruộng. Tôi đang chủ động theo dõi để nếu bệnh lây lan mạnh hơn sẽ tiến hành phun phòng trong những ngày tới”.

Theo ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng và vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, thời gian qua, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, đêm và sáng trời âm u, nhiều sương mù, lạnh, ít nắng và độ ẩm trong không khí cao là nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Hơn 8.700 ha lúa xuân của địa phương đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ càng tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh trên diện rộng và tốc độ lây lan nhanh. Từ nay đến cuối tháng 3, trung tâm sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn, chính quyền địa phương bám sát đồng ruộng để phát hiện, khoanh vùng và xử lý sớm các vùng phát sinh mới; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Hiện nay, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên trà lúa gieo cấy sớm, tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10% với diện tích 5 ha. Vết bệnh chủ yếu cấp 1 - 2, tập trung trên giống P6, Thái Xuyên 111, VNR20, KD18, ADI168,… phân bố tại các xã Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Tùng Châu (Đức Thọ); Đan Trường (Nghi Xuân); Thạch Long (Thạch Hà); Nam Phúc Thăng, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên); Hàm Trường (Hương Sơn).

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời gian tới, thời tiết tiếp tục duy trì hình thái trời nhiều mây, ít nắng, ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình 17 - 220C tạo điều kiện thuận lợi cho các bào tử nấm gây bệnh đạo ôn phát sinh mạnh. Bên cạnh đó, thời kỳ này bà con tiến hành bón thúc giai đoạn đẻ nhánh, hàm lượng đạm tích lũy trong cây cao cũng là yếu tố thuận lợi cho bệnh lây lan nhanh.

bqbht_br_z6392431702609-ac5cdcd8752580ea19a76788b19190ec.jpg
Các địa phương cần chủ động theo dõi diễn tiến của bệnh đạo ôn lá trên đồng ruộng.

Điều đáng nói, Hà Tĩnh đang chuẩn bị đón đợt không khí lạnh mới từ ngày 15/3, mưa ẩm tiếp tục diễn ra ở các địa phương trên toàn tỉnh đúng vào giai đoạn được xem là mẫn cảm nhất đối với bệnh đạo ôn lá. Đây là yếu tố “lý tưởng” cho bệnh phát sinh trên diện rộng, có thể gây cháy lụi cục bộ một số diện tích nếu không tiến hành theo dõi, phòng trừ kịp thời; trở thành nguồn bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa phát triển ở giai đoạn trổ bông đến chắc xanh, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cuối vụ.

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Qua theo dõi, diễn tiến bệnh đạo ôn ở thời điểm này vẫn đang ở diện hẹp và trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các địa phương và bà con không nên chủ quan khi đồng ruộng xuất hiện nhiều yếu tố cộng hưởng để bệnh lây lan.

Các địa phương cần tiến hành khoanh vùng và xử lý dứt điểm những diện tích nhiễm bệnh để hạn chế nguồn lây, nhất là trên những diện tích gieo cấy các giống nhiễm như: P6, ADI168, Thái Xuyên 111, VNR20.... Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bà con nông dân nên tuân thủ các hướng dẫn của ngành chuyên môn, tranh thủ các thời điểm thời tiết khô ráo phun phòng trừ bệnh đạo ôn, tốt nhất cần hoàn thành trước ngày 25/3”.

bqbht_br_z6399221168862-839f42a92e68f7698cb9eef665852c15.jpg
Nông dân xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) phun phòng đạo ôn lá.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con cần sử dụng một trong các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil; các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Kasoto 200SC, Flash 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, NINJA 35EC,....

Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm; phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày tiến hành kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiếp tục xử lý thuốc lần 2.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Người dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung cải tạo những vùng đất ven biển bị hoang mạc hóa do biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất đai hoang hóa, cải tạo môi trường.
Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.