Quán bán hàng giải khát nhỏ ven biển của gia đình chị Nguyễn Thị Nga.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nga có quán bán hàng giải khát ở ven biển thuộc thôn Hải Hoa, xã Xuân Liên, Nghi Xuân. Sau giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chị mở quán nhưng ít khách. Tuy nhiên, tiền điện trong tháng 5 và tháng 6 của gia đình chị lần lượt là 585.000 đồng và gần 600.000 đồng.
“Tháng 5, không có khách nên tôi đóng quán, chỉ bật mỗi một chiếc bóng đèn chiếu sáng nhưng hoá đơn tiền điện lại rất cao. Tuy nhiên, tháng sau mở cửa thì hoá đơn tiền điện cũng tương đương như vậy” - chị Nga cho hay.
Theo chị Nga, dù có sử dụng nhiều hay ít thiết bị điện thì hoá đơn tiền điện “tháng nào cũng tương tự như tháng nào”. Cộng cả tiền điện ở nhà, trung bình mỗi tháng, gia đình chị phải đóng số tiền cả triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Lý (SN 1989, thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên) cũng có một cửa hàng tạp hoá ở thôn Lâm Vượng nhưng tiền điện tháng vừa rồi lại tăng từ hơn 500.000 đồng lên gần 1.200.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Lý cho rằng có nhiều bất cập trong việc hoá đơn tiền điện tăng cao.
Cũng như chị Lý, nhiều người dân ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) thắc mắc về hoá đơn tiền điện tăng cao trong thời gian qua. Người dân nghi ngờ việc hoá đơn tiền tăng không chỉ bởi do nắng nóng mà công tơ điện “có vấn đề”.
Để chứng minh cho việc này, người dân xã Xuân Liên đã dẫn chúng tôi ra các cột điện trong xã. Qua quan sát của PV, tại các cột điện, có nhiều hộp đồng hồ chứa công tơ điện được treo cách mặt đất chưa tới 1m, xung quanh là dây điện chằng chịt. Bên trong hộp, các công tơ điện đã khá cũ, tem kiểm định không rõ ràng.
“Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay rồi. Công tơ điện không đảm bảo chất lượng thì việc đo đếm làm sao mà chính xác được" - anh Nguyễn Đức Thuận (thôn Lâm Vượng) nói.
Người dân nghi ngờ về độ chính xác của công tơ điện.
Giám đốc HTX Dịch vụ điện xã Xuân Liên Nguyễn Văn Linh cho biết: Đơn vị đang quản lý hơn 2.000 khách hàng và giá bán điện theo quy định của ngành điện. Các công tơ được lắp đặt từ năm 2010, trong năm 2019, đơn vị đã đi thay 800 công tơ, có dán tem đầy đủ, còn 1.200 công tơ chưa thay được.
“Nguyên nhân do người dân không đồng ý vì họ cho rằng “công tơ thay xong là chạy nhanh” nên chúng tôi chưa dám làm. Công tơ mới được kiểm định đầy đủ các quy chuẩn, chứ không có chuyện chạy nhanh hơn” - Giám đốc HTX Dịch vụ điện xã Xuân Liên giải thích.
Giám đốc HTX dịch vụ điện xã Xuân Liên Nguyễn Văn Linh khẳng định không có sai sót trong công tơ điện được lắp mới..
Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bùi Phong An cho biết: Vào năm 2019, qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản về số công tơ điện chưa được kiểm định định kỳ dù đã quá thời gian quy định ở HTX dịch vụ điện xã Xuân Liên, đồng thời yêu cầu kiểm định cho khách hàng.
Theo quy định của ngành điện, đối với các công tơ điện 1 pha, phải được thay thế để kiểm định định kỳ trong thời gian 5 năm 1 lần. Khi tiến hành kiểm tra, kiểm định, treo, tháo các thiết bị đo đếm điện điện năng phải có sự chứng kiến và xác nhận của khách hàng hoặc đại diện của khách hàng vào biên bản kiểm tra, kiểm định công tơ.
1.200 công tơ điện đã quá hạn kiểm định nhưng vẫn được sử dụng.
Rõ ràng, việc kiểm định, thay thế công tơ điện cũ theo định kỳ là một chủ trương đúng đắn, nhằm đảm bảo lợi ích cho cả ngành điện và người dân. Với cách làm của HTX dịch vụ điện xã Xuân Liên thì rất dễ dẫn tới tình trạng sai sót trong quá trình đo đếm điện năng.
Về việc người dân xã Xuân Liên mong muốn chuyển lưới điện về cho ngành điện quản lý, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên Mai Anh Lý thông tin, có nắm được nguyện vọng của người dân, tuy nhiên, để có căn cứ báo cáo lên cấp trên thì cần phải có đơn thư nhưng tới nay chưa có. Theo ông Lý, qua các lần thanh, kiểm tra của ngành chức năng cho thấy tình hình hoạt động HTX dịch vụ điện xã vẫn khá tốt. Tuy nhiên, do đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nên tới nay, HTX này đang nợ 1,2 tỷ đồng. |