Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa là lĩnh vực đầu tư mới, đạt hiệu quả kinh doanh khá cao của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Ảnh: Thanh Hoài
Là DN có “tầm vóc” trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn ngày càng khẳng định thương hiệu, thể hiện rõ nét trong các dự án đầu tư xây dựng, vận tải hàng hóa, sản xuất điện mặt trời…
Để khẳng định vị trí trên thương trường, công ty đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Nhờ vậy, kết quả SXKD có nhiều khởi sắc: So với năm 2015, doanh thu năm 2019 tăng 3 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,5 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng.
Dự án Trung tâm thương mại - khách sạn Hoành Sơn (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Ông Trần Quang Thưởng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho hay: “Cùng với tái cơ cấu sản xuất, áp dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào những dự án năng lượng bền vững như: điện mặt trời, điện gió, nước; các dự án gắn với tiêu dùng như nhà máy bia, săm lốp ô tô.
Đồng thời, công ty mua thêm tàu biển, xe vận tải để mở rộng thị trường cung cấp than, xi măng, thạch cao, quặng... Vì vậy, chúng tôi vẫn đảm bảo việc làm cho 2.750 lao động và doanh thu đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2019”.
Đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã sản xuất ra nhiều loại dược phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành và các nước.
Những năm qua, Công ty CP Dược Hà Tĩnh cũng đã có sự phát triển vượt bậc, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, có nhiều sáng kiến khoa học ứng dụng vào thực tiễn, từng bước khẳng định thương hiệu trong ngành sản xuất dược phẩm. Hiện, các sản phẩm đã có mặt ở toàn quốc, nhiều nước Đông Nam Á và bước đầu tiến vào thị trường các nước Đông Âu.
Ông Lê Quốc Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Với quyết tâm đưa công ty từng bước trở thành đơn vị sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam, chúng tôi đã đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, áp dụng sáng kiến kỹ thuật, xây dựng mạng lưới thị trường rộng rãi, mở rộng hợp tác quốc tế, xuất khẩu. Nhờ đó, doanh thu tăng trưởng hằng năm từ 10-15%. Năm 2015, công ty chỉ có khoảng 500 lao động, đến nay đã tăng thêm 150 người, mức lương cũng tăng từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng/người/tháng.
Là doanh nghiệp mới thành lập hơn 1 năm, sản phẩm của Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ) đã xuất khẩu ra nhiều nước.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển đánh giá: “Các DN trên địa bàn đã cải tiến mô hình quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hội nhập với xu thế của thế giới. Trước đây, có những lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi phải DN ngoài tỉnh vào đầu tư thì nay, các DN trong tỉnh đã đáp ứng được.
Không những thế, các DN còn mở rộng chi nhánh, thị trường tiêu thụ ra ngoại tỉnh. Bên cạnh thế mạnh là các mặt hàng thép, sợi, dăm gỗ, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã xuất ra thị trường thế giới như: gạo, chè, gỗ rừng trồng, thủy sản…”.
Công ty CP Chè Hà Tĩnh đang nỗ lực lấy chứng chỉ quốc tế RA, đưa sản phẩm chè vào thị trường liên minh Châu Âu.
Theo số liệu của Sở KH&ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.900 DN và đơn vị trực thuộc. Giai đoạn 2016 - 2019 có gần 3.900 DN và đơn vị trực thuộc được thành lập, tăng 165% so với cả giai đoạn 2011 - 2015, với vốn đăng ký tăng 35%. Dự kiến năm 2020 thành lập mới khoảng 1.050 DN và đơn vị trực thuộc, với vốn đăng ký bình quân 15 tỷ đồng/DN.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh thông tin, việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các DN đã chủ động làm mới mình, kết nối với các DN khác để phát triển. Nhiều DN đã phát triển quy mô, có tầm ảnh hưởng trên toàn quốc.
Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) vẫn nhận nhiều đơn hàng may xuất khẩu đi Nhật Bản và Mỹ.
Để tiếp tục phát triển trong xu thế hội nhập, các DN luôn phải tự đổi mới cách thức quản trị, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Cùng đó là xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân, cạnh tranh lành mạnh và phát huy trách nhiệm xã hội của DN.
Đặc biệt, tăng cường sự liên kết giữa các DN kết nối với các tập đoàn, dự án đầu tư lớn trên địa bàn để nâng tầm hoạt động. Bởi lẽ, đây là yếu tố quan trọng để tiếp cận, trở thành đối tác, tham gia phân khúc chuỗi giá trị khu vực công nghiệp, dịch vụ phụ trợ - khu vực có tiềm năng phát triển lớn.