Thời điểm này, gần 300 lao động của Công ty CP Sản xuất Đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) đang tập trung sản xuất cho kịp tiến độ các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và Nhật Bản.
Công ty CP Sản xuất Đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh tập trung sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và Nhật Bản.
Ông Hồ Văn Cát - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Năm nay, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát nên hoạt động sản xuất và lượng đơn hàng của công ty đều khởi sắc hơn năm ngoái. Hiện tại, công ty đã ký đơn hàng với các đối tác đến tháng 11/2022. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, hiện nay, mỗi ca làm việc, chúng tôi đang phải tăng thêm 1 giờ đồng hồ”.
Cũng theo ông Cát, từ tháng 5/2022 đến nay, mỗi tháng, công ty xuất đi 4 chuyến hàng, tăng 1 chuyến/tháng so với trước đây. Trong 8 tháng, doanh thu của công ty ước đạt khoảng 32 tỷ đồng. Với chỉ tiêu doanh thu đặt ra trong năm 2022 là 39 tỷ đồng, dự kiến công ty sẽ vượt kế hoạch.
Trong khi đó, Công ty CP Sao Mai (Cẩm Xuyên) cũng đang tập trung phát triển thị trường, đối tác mới để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bao bì.
Tại Công ty CP Sao Mai, lĩnh vực xuất khẩu hiện chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất của công ty.
Ông Hoàng Anh Sáng - Trưởng phòng điều hành Công ty CP Sao Mai cho biết: “Lĩnh vực xuất khẩu hiện chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất của công ty. Ngoài các nước Đông Nam Á, thời gian qua, Hàn Quốc cũng là thị trường chủ lực tiêu thụ sản phẩm của đơn vị. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chúng tôi đang tập trung tăng tỷ lệ xuất khẩu bằng việc thử nghiệm đơn đặt hàng với những sản phẩm mẫu mã mới và đối tác mới”.
Tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh), xuất khẩu là hoạt động mũi nhọn nên suốt những tháng qua, đơn vị đã tích cực chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng mới và đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng trong năm 2022, công ty đang đẩy mạnh các giải pháp như: nâng cao chất lượng các sản phẩm sợi; nỗ lực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; dự đoán xu hướng về nhu cầu, giá cả để đưa ra các quyết định kịp thời trong đàm phán và tiếp nhận đơn hàng nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất…
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đang tập trung sản xuất để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng.
Theo đánh giá từ phía các doanh nghiệp, từ đầu năm tới nay, dù hoạt động sản xuất kinh doanh đã có sự phục hồi sau dịch COVID-19, song các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá nguyên vật liệu, giá cước vận chuyển tăng.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, lĩnh vực xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn chịu tác động lớn từ diễn biến thị trường tại các quốc gia tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi để dự báo tình hình, nhận định rõ khó khăn, thách thức để chủ động có những giải pháp thích ứng phù hợp.
Xuất khẩu thép và phôi thép trong 8 tháng đầu năm 2022 giảm 13,4%.
Số liệu từ Sở Công thương Hà Tĩnh cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 1,178 tỷ USD. Con số này thấp hơn 12,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo phân tích, mặc dù một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: chè (tăng 175%), dăm gỗ (tăng 20%); hàng dệt và may mặc (tăng 160%); xơ, sợi dệt các loại (tăng 7%), tuy nhiên, mặt hàng chủ đạo chiếm tỷ lệ trên 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu là thép và phôi thép lại giảm 13,4%.
Để tăng cao kim ngạch, đa dạng mặt hàng và thị trường xuất khẩu, ngoài sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, ngành Công thương Hà Tĩnh cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm kiếm thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại các hàng hóa thế mạnh của tỉnh… Việc làm tốt các hoạt động đó sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu “rộng cửa” mở thị trường, bứt tốc trong chặng đường cuối năm.