Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tình cờ nghe câu chuyện về tuổi thơ của người bạn ở ngôi làng ven sông Lam, tôi đã tìm về xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để chứng kiến sự đổi thay qua những thăng trầm của miền quê này.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Sông Lam đoạn chảy qua xã Xuân Lam ngày nay

Một thuở thao thức

Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng ký ức những ngày sống lênh đênh trên dòng Lam của ông Nguyễn Ngọc Thành (63 tuổi) ở thôn 1, xã Xuân Lam vẫn còn nguyên vẹn. Ông Thành kể: “Trước năm 1970, gia đình tôi là cư dân của làng chài Minh Tân, cuộc sống quanh năm mưu sinh trên sông nước. Lúc đó, trong khoang thuyền chật chội có 7 thành viên, gồm bố mẹ và 5 anh chị em, chúng tôi luôn ao ước một ngày được lên bờ sinh sống”.

Bố mẹ ông Thành là người Đức Vĩnh (nay là xã Quang Vĩnh, Đức Thọ). Khoảng năm 1960, theo dòng sông Lam, cả gia đình ông về làng chài Minh Tân cũ, nay là thôn 1, xã Xuân Lam sinh sống.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Ngọc Thành bồi hồi nhớ lại ký ức ngày còn lênh đênh lấy thuyền “làm nhà” trên dòng sông Lam.

Lúc đó, làng chài Minh Tân với gần 60 hộ đều sống trên thuyền, hằng ngày làm nghề đánh bắt cá mưu sinh. Đến năm 1970, gia đình ông mua được ngôi nhà và dọn lên bờ để ở. Đó là kỷ niệm hạnh phúc đến bây giờ ông Thành vẫn còn nhớ mãi. “Từ cuộc sống lênh đênh trên con thuyền chật chội, không được học hành, đến lúc có nhà, có vườn, được chia ruộng để trồng trọt, mấy anh chị em được đến trường là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi lúc ấy” - ông Thành nhớ lại.

Gia đình ông Thành là một trong 60 hộ dân làm nghề chài lưới trên sông Lam lần lượt lên bờ từ những năm 1970. Tuy nhiên, ngày ấy, không chỉ làng chài mà hầu hết các thôn của Xuân Lam đều cư ngụ ở ven bờ sông (phía Tây quốc lộ 1 ngày nay). Dù vùng đất ấy khi xưa rộng rãi, màu mỡ, tươi tốt, cư dân khá đông đúc, nhưng nhiều trận lụt lớn kèm theo sạt lở bờ sông khiến các thôn xóm thu hẹp dần.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Sau khi “lên bờ” và dời nhà vào chân núi, cuộc sống của nhiều người dân làng chài Xuân Lam đã thay đổi. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Thành cùng bố (ở giữa) và em trai (bên phải) ôn lại kỷ niệm về mùa lũ năm xưa).

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, huyện Nghi Xuân có chủ trương khuyến khích, di dời các thôn ven sông thuộc xã Xuân Lam vào ven chân núi để an cư lạc nghiệp. Cuộc di dân tái định cư diễn ra đến năm 1991, tất cả các gia đình đều rời khỏi bờ sông.

Ông Trần Ngọc Tuân (56 tuổi, thôn 1) kể: “Tôi vẫn nhớ mãi những trận lụt khủng khiếp những năm cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, cả làng ngập chìm trong nước, chúng tôi phải di tản vào tránh trú ven chân núi. Sau này, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, bố mẹ chúng tôi cùng dân làng đã chuyển vào đây để sinh sống”.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Một góc nông thôn mới của xã Xuân Lam ngày nay

Dù bây giờ không còn cảnh chạy lụt khi định cư và phát triển ở một địa hình cao ráo nhưng những ngày sống bên dòng Lam vẫn còn đằm sâu trong ký ức của nhiều người dân Xuân Lam. Chị Trần Thị Hà (45 tuổi, hiện làm việc và sinh sống ở Lộc Hà) bày tỏ: “Mỗi lần về quê, cùng mẹ và chị em trong nhà nhắc về làng cũ ven sông ngày xưa, trong tôi vẫn dâng lên những cảm xúc khó tả. Đó là kỷ niệm về những lần háo hức theo mẹ đi đò ngang từ bến Yên Cư (Xuân Lam) sang chợ Chế (Hưng Nguyên, Nghệ An) bán củi hay chăn trâu, cắt cỏ, chơi với các bạn làng chài… Ký ức đó nhắc nhớ tôi rằng, đã có một thời, người dân quê mình vẫn luôn thao thức bên dòng sông Lam thương nhớ”.

Âm vang ngày mới

Dẫn tôi đi trên những con đường nông thôn mới (NTM) khang trang trong một chiều mùa thu, anh Trần Tuấn An - cán bộ chuyên trách NTM của xã hồ hởi: “Xuân Lam đạt chuẩn xã NTM năm 2017, hiện đang xây dựng NTM nâng cao và phấn đấu về đích vào năm 2023. Hiện, 4/5 thôn của xã đã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, các tiêu chí khác đều đang không ngừng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người từng bước tăng lên, năm 2015 là 33 triệu, đến năm 2020 đạt 39 triệu đồng/người”.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ khang trang vừa được tỉnh đầu tư xây dựng tại thôn 1 (Xuân Lam, Nghi Xuân).

Tuy sống ở thị trấn Tiên Điền nhưng anh Trần Tuấn An đã có 10 năm gắn bó với Xuân Lam trong vai trò cán bộ chuyên trách xây dựng NTM. Theo anh, cái khó của địa phương là xã thuần nông nhưng đất canh tác hẹp, trong hơn 1.281 ha diện tích tự nhiên chỉ có 218 ha đất canh tác, chủ yếu trồng lúa, còn lại là đất đồi núi nhiều đá, dốc, khó phát triển vườn đồi…

Dù vậy, ưu điểm của người dân nơi đây là cần cù, chịu khó, ham học và có nhiều người thành đạt, làm việc trong nhiều lĩnh vực tại các địa phương lân cận. Xã hiện có khoảng 200 người đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên hằng năm, nguồn ngoại hối gửi về cũng khá lớn… Đó là những nguồn thu giúp đời sống của người dân Xuân Lam ngày càng được cải thiện.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Người già và trẻ nhỏ vui chơi tại công viên trung tâm xã.

Đứng trên tầng 2 của Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ do tỉnh và các tổ chức tài trợ xây dựng tại thôn 1, phóng tầm mắt ra xa, tôi cảm nhận Xuân Lam đang khoác lên mình một diện mạo mới sau những ngày tích cực xây dựng NTM. Đó là những con đường bê tông, đường nhựa rộng rãi, trụ sở UBND xã, các trường học khang trang ánh lên màu sơn tươi mới, những khu vườn mẫu xanh tươi cây trái của các hộ dân…

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Cán bộ xã Xuân Lam cùng lãnh đạo thôn 1 bàn bạc về việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại thôn 1 trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Khiêm - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những thành quả đạt được của xã nhà trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn. Bên cạnh những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng và quyết tâm của Nhân dân Xuân Lam đã giúp địa phương chúng tôi trở nên khởi sắc”.

Trước khi rời Xuân Lam, tôi nán lại bên bờ sông, nơi chứng kiến bao thăng trầm của làng quê ven sông để suy ngẫm về quá khứ và nhìn lại sự đổi thay của vùng đất này. Trong ráng chiều lấp lánh, anh Nguyễn Văn Lý (SN 1975, em trai của ông Nguyễn Ngọc Thành) đang sắp xếp dụng cụ và chèo thuyền ra sông cùng một số người dân khác chuẩn bị cho việc khai thác rươi vào ban đêm.

Đổi thay trên làng quê ven sông Lam ở Hà Tĩnh

Người dân chuẩn bị khai thác rươi trên sông Lam vào ban đêm.

Nhiều năm nay, công việc này đã cho khoảng 30 hộ dân còn làm nghề chài thu nhập khá. Ý tưởng trồng lúa ruộng rươi cũng đã được UBND xã Xuân Lam đưa ra bàn bạc, triển khai đối với cánh đồng ven sông Lam, sau khi một vài mô hình tương tự cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như của ông Đặng Thế Định (thôn 5)… Tôi chợt nghĩ, phải chăng đây cũng là một hướng đi cần nhân rộng của làng quê này.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.
Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Phát huy kết quả trong năm 2024, từ đầu xuân Ất Tỵ 2025, ngành du lịch Hà Tĩnh đã khởi động một cách tích cực, mạnh mẽ bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm thu hút du khách.
Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuối năm 2024 đã để lại trong lòng các nghệ nhân mọi miền những ấn tượng mạnh mẽ về "bản hòa tấu" di sản văn hóa dân tộc.
Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Bằng sự nghiên cứu, sáng tạo, nhiều văn nghệ sỹ, chuyên gia nổi tiếng cả nước đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh tới bạn bè muôn phương.
Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Sau hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh.
Náo nức hội xuân

Náo nức hội xuân

Đến với Hà Tĩnh vào dịp xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội, được khám phá cảnh sắc và nét độc đáo của văn hóa, con người vùng đất núi Hồng - sông La.
Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.