Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp may xuất khẩu Hà Tĩnh lo ngại khó khăn kéo dài

(Baohatinh.vn) - Ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực của các thị trường xuất khẩu, một số doanh nghiệp may tại Hà Tĩnh phải giảm sản lượng, nhân công hoặc chỉ sản xuất cầm chừng để đối phó với khó khăn. Điều đáng lo ngại là tình trạng này có thể kéo dài đến quý II năm sau.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh hiện có gần 1.900 lao động làm việc.

Số liệu về hoạt động xuất khẩu từ Sở Công thương Hà Tĩnh cho thấy lĩnh vực dệt may của tỉnh từ đầu năm tới nay có sự tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng hơn 137% so với cùng kỳ năm 2021, là ngành hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đang có dấu hiệu “lao dốc” khi giảm gần 20% so với tháng trước đó.

Một số tờ báo chính thống dẫn lời của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho rằng, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt. Tuy nhiên, từ quý III/2022, thị trường dệt may bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng rõ rệt. Nguyên nhân là các thị trường lớn như Mỹ và EU… lạm phát cao khiến người dân giảm chi tiêu, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều. Theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong quý IV/2022 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp may xuất khẩu hiện chỉ sản xuất cầm chừng hoặc giảm sản lượng, nhân công.

Ghi nhận tại các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trên địa bàn Hà Tĩnh, tình trạng đơn hàng sụt giảm cũng đã diễn ra, nhất là đơn hàng từ thị trường Mỹ.

Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) trước đây chuyên sản xuất hàng thời trang xuất khẩu thị trường Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu hàng đi Nhật Bản.

Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh hiện nay chỉ xuất khẩu hàng đi Nhật Bản.

Ông Hồ Văn Cát - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Vài tháng nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất 4 chuyến hàng với số lượng 35.000 - 38.000 sản phẩm/chuyến đi Nhật Bản, không có đơn hàng từ Mỹ. Trong khi trước đây, mỗi tháng, chúng tôi xuất khoảng 3 chuyến hàng đi Mỹ. Nguyên nhân là do lạm phát tăng, nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc từ các nước Âu, Mỹ giảm, lượng hàng tồn kho nhiều nên đối tác không có nhu cầu đặt hàng. May mắn là nhờ những tháng đầu năm thuận lợi nên tính chung từ đầu năm đến nay, doanh thu công ty vẫn đạt cao hơn năm ngoái”.

Tuy nhiên, ông Cát lo ngại rằng, tình trạng giảm đơn hàng từ Mỹ có thể sẽ kéo sang đến tháng 2, tháng 3 năm 2023. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty trong thời gian dài.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh chuyên xuất khẩu găng tay, trang phục thể thao đi thị trường Mỹ và các nước châu Âu.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (cụm công nghiệp Nam Hồng) là doanh nghiệp may xuất khẩu găng tay và trang phục thể thao với quy mô hiện nay gần 1.900 lao động. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu.

Anh Trần Mạnh Hùng - quản lý hành chính công ty cho hay: Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, trung bình mỗi tháng công ty xuất 450.000 sản phẩm. Song, do ảnh hưởng sau dịch COVID-19 và ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine nên hiện nay nền kinh tế đình trệ, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm khiến đơn hàng của nhà máy có dấu hiệu giảm từ tháng 10. Hiện tại, công ty vẫn duy trì dây chuyền với số lao động đang làm việc và chưa tuyển dụng thêm. Dự kiến những tháng tới, hoạt động sản xuất cũng chỉ cầm chừng.

Từ tháng 8 đến nay, số lao động của Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh hiện đã giảm hơn 50% so với trước đó.

Không chỉ doanh nghiệp lớn mà với các doanh nghiệp, cơ sở may mặc quy mô nhỏ, đơn hàng sụt giảm khiến hoạt động càng thêm khó khăn.

Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) trước đây có hơn 200 công nhân nhưng hơn 2 tháng nay, đơn hàng sụt giảm nên chỉ còn khoảng 100 lao động.

Ông Trần Văn Mạnh - Phó Giám đốc công ty cho biết: Khoảng 70% sản phẩm quần áo gia công của công ty là xuất đi thị trường Mỹ và còn lại là đi Hàn Quốc. Trong 7 tháng đầu năm, hoạt động của công ty có sự khởi sắc, doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng, tăng gần 2 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, do nhu cầu tiêu thụ từ các nước giảm, đặc biệt là Mỹ nên lượng đơn hàng của công ty giảm hơn 60% so với trước. Đã vậy, số hàng đã sản xuất và đóng gói nhưng vẫn chưa thể xuất đi, đang tồn kho do bên đối tác chưa nhận hàng. Dự kiến trong tuần tới đây, hơn 100.000 sản phẩm đã đóng gói này mới được xuất kho.

Đơn hàng giảm, nhiều máy móc của Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh “đắp chiếu”.

Cũng theo ông Mạnh, ở những thời điểm hoạt động nhộn nhịp, đơn hàng dồi dào, công ty liên kết với một số xưởng may gia công ở các huyện, thị để kịp sản xuất đơn hàng. Thế nhưng, thời điểm này, vì không có đơn hàng nên hoạt động của các xưởng may bị đứt quãng. Điều lo ngại là tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài sang năm tới không chỉ làm sụt giảm doanh thu mà còn ảnh hưởng đến việc làm của lao động.

Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 doanh nghiệp lĩnh vực dệt may xuất khẩu. Nhờ giai đoạn hơn nửa đầu năm hoạt động may mặc xuất khẩu thuận lợi nên đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn đạt kết quả tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình trạng đơn hàng sụt giảm khiến các doanh nghiệp đã bắt đầu phải đối diện với khó khăn.

Từ tháng 8/2022 đến nay, hàng hóa của Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh vẫn chưa thể xuất kho.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: Theo dự báo, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khiến nền kinh tế một số quốc gia có nguy cơ suy thoái, lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát nên việc đầu tư, nhu cầu tiêu dùng người dân giảm, do vậy không chỉ dệt may mà hoạt động nhiều ngành hàng sẽ rơi vào khó khăn. Trong đó, thời trang là mặt hàng không quá thiết yếu nên sẽ được thắt chặt nhất. Hiện nay, lượng hàng dệt may tồn kho tại một số nước đã khá lớn nên nhu cầu đặt hàng giảm mạnh. Thống kê trên cả nước từ một số doanh nghiệp dệt may lớn cho thấy lượng đơn hàng trong những tháng tới giảm 25 - 30% so với cùng kỳ và Hà Tĩnh cũng sẽ nằm trong thực trạng chung đó.

Ngoài ra, một số thị trường bắt đầu kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu nên các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong đáp ứng các tiêu chí. Hơn nữa, điều này có thể sẽ tác động làm tăng chi phí và khó khăn hơn trong việc nhập nguyên vật liệu của các doanh nghiệp. Dự báo hoạt động xuất khẩu dệt may sẽ khó khăn kéo dài đến quý I, quý II năm 2023.

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói