Đồng chí Trần Phú và những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi ở nước ngoài

(Baohatinh.vn) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú (quê xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) tuy ngắn ngủi nhưng đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc. Dưới sự dẫn dắt, rèn luyện của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, từ một trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú đã trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, con ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, quê xã Tùng Ảnh, Đức Thọ. Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, năm 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi đã mồ côi mẹ, đồng chí Trần Phú sớm có ý thức vượt khó, tự lập, chăm chỉ học hành. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Huế vào năm 1922, đồng chí Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục tại TP Vinh, Nghệ An.

16308861905879.png
Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu

Là người có tinh thần yêu nước, lại được tiếp thu tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc qua sách báo, đồng chí Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam, Tân Việt cách mạng đảng) tổ chức các phong trào yêu nước. Đồng chí tự học tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nga.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú là việc được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí Trần Phú đã được gặp Nguyễn Ái Quốc, người mà lâu nay anh cũng như nhiều người ao ước được gặp. Trần Phú được dự lớp huấn luyện chính trị 3 tháng do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý.

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam, được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên quyết định cử đồng chí Trần Phú sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va, trường Đảng dành cho những người cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô. Đến học chậm gần một năm so với các đồng chí khác nhưng chỉ qua thời gian ngắn, Trần Phú đã tự học xong chương trình năm thứ nhất để theo kịp chương trình năm thứ 2 và thứ 3, trở thành học viên xuất sắc toàn khóa học. Anh là người rất quen thuộc của thư viện gần 5 vạn cuốn sách.

144d6023824t34535l0.jpg
Những đường lối cơ bản của Luận cương Chính trị cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Anh tự nhận thức đây là một thời cơ lớn để nắm bắt một cách hệ thống chủ nghĩa Mác - Lê-nin, một chủ nghĩa cách mạng và khoa học mà anh đã được nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu từ năm 1926. Những hiểu biết sâu rộng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin cùng với những nắm bắt thực tiễn sống động ở Việt Nam cuối những năm 20 của thế kỷ XX đã giúp Trần Phú rất nhiều trong việc dự thảo Luận cương Chính trị và trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sau này. Theo nhiều tài liệu, do thời tiết giá lạnh, những năm tháng ở Mát-xcơ-va, Trần Phú bị bệnh nhưng anh vẫn vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc khóa học.

Những gì Trần Phú được nghe, được thấy, được học trên đất nước của V.I. Lê-nin vĩ đại càng làm anh phấn khởi, tin tưởng vào con đường cách mạng mà người thầy vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã dẫn dắt, giáo dục. Anh được tham gia các hoạt động thực tiễn, được trao đổi với các đồng nghiệp của các đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa.

127d1181854t372l7-3.jpg
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú ở Tùng Ảnh (Đức Thọ) đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, tại Mát-xcơ-va, theo sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được cử là Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, tháng 11/1929, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về hoạt động trong nước. Trần Phú đã có bước trưởng thành lớn, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công. Trước đó, tại Trung kỳ, ngày 11/10/1929, Tòa án Nam triều Nghệ An đã xử vắng mặt một số đảng viên cộng sản, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Trần Phú.

Sau hơn 2 tháng đi đường vòng (từ tháng 11/1929 đến đầu tháng 2/1930), đồng chí Trần Phú về đến Sài Gòn, gặp đồng chí Nguyễn Thế Rục, một cán bộ cũng tốt nghiệp Đại học Phương Đông về trước anh ít ngày. Hai đồng chí đã trao đổi tình hình trong nước và quyết định bố trí để Trần Phú sang Hồng Kông. Tại Hồng Kông, một lần nữa Trần Phú lại được gặp người thầy cách mạng của mình, được Người thông báo về hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. (*)

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú trở về nước, sau đó được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đảm nhận trọng trách dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng, chuẩn bị những nội dung của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930).

Những năm tháng hoạt động sôi nổi ở nước ngoài, đặc biệt là dưới sự dìu dắt, giáo dục của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Phú đã có bước trưởng thành nhanh chóng. Được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận, được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, với tấm lòng yêu nước thương dân, ý chí cứu nước mãnh liệt, đồng chí Trần Phú đã trở thành Bí thư đầu tiên của Đảng ta lúc mới 26 tuổi.

(*) Tư liệu trong bài lấy từ cuốn “Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - một tấm gương bất diệt” (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Hà Nội, 2004).

Chủ đề 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast