Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

(Baohatinh.vn) - “Chớp thời cơ” những trận mưa vàng, vựa lúa An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mấy ngày qua như sáng bừng bởi màu xanh của lúa trỗi dậy và những nụ cười rạng rỡ của người nông dân trên các cánh đồng đã được “giải khát”. Nhưng, người nông dân nơi đây vui đó, lại lo lắng ngay sau đó!

Ơn trời mưa… phải thì

Cánh đồng Cố Lệ ở thôn Trung Nam (xã An Dũng) sau trận mưa bất chợt, người người ra đồng. Nơi bà con tỉa dặm, nơi bà con chăm bón để lúa đúng kỳ sinh trưởng. Các bác nông dân í ới gọi nhau tựa như mùa rộ gặt.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Bà con thôn Trung Nam ra đồng bón thúc ngay khi ruộng đủ nước.

Ngay từ đầu vụ hè thu, đồng Cố Lệ đã gặp khó bởi nước tưới không kịp thời. Nguồn nước cấp cho cánh đồng được bơm từ kênh Nhà Lê nhưng hệ thống kênh nội đồng không mấy thuận lợi do xuống cấp và nhiều km kênh đất. Bởi vậy, các thành viên HTX Trung Đại Nam phải thay nhau canh trực trạm bơm để nước về đồng đúng thời điểm.

Từ đầu vụ đến nay, riêng trạm bơm tại thôn Trung Nam đã tiêu tốn gần 83 triệu đồng chi phí vận hành. Vậy nhưng, nước trên đồng lúc có lúc không, nhiều diện tích đối mặt khô hạn.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Do thời gian dài thiếu nước nên đến hiện tại, nhiều diện tích trên các cánh đồng ở An Dũng vẫn chưa hoàn thành tỉa, dặm.

Lúc chúng tôi ra cánh đồng, mưa đã tạnh. Nhiều bác nông dân thôn Đại Tiến gấp gáp chạy xe ra thăm ruộng xem nước đã vừa cho lúa.

Họ dừng lại trò chuyện với chúng tôi. Bác Nguyễn Đình Bình bảo: “Đúng là ơn trời mưa nắng phải thì”, không thì nhiều ruộng không biết làm sao!

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Một trong những đoạn kênh ở thôn Trung Nam xuống cấp

Rồi bác thoáng buồn và chỉ tay về phía cánh đồng nơi những đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ và nói: “Đồng Nhà Thư và đồng Cơn Nêu đó khoảng 7ha, mùa này đành bỏ không vì không thể nào canh tác do thiếu nước.”

Một bác đứng cạnh bác Bình nói xen vào: “Cái dở là ở chỗ, cánh đồng nằm ngay “sau lưng” trạm bơm nhưng phải chịu khô hạn. Máy bơm phục vụ 2, 3 cánh đồng liền nhau nên kênh nội đồng được thiết kế đi từ các cánh đồng cao táo trước, sau đó mới đến điểm cuối cùng là đồng của thôn tôi. Mấy năm nay, kênh mương hư hỏng hoặc phải dùng kênh đất nên nước không tài nào chảy đến được cánh đồng. Bà con đành để vậy để chăn thả trâu bò chứ không làm gì được!”

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Cánh đồng thuộc thôn Đại Tiến nằm phía sau trạm bơm nhưng không có nước nên vụ hè thu này không thể sản xuất.

“Kênh mương trên các cánh đồng của thôn được xây dựng cách đây 20 năm. Hiện tại, tất cả đã hỏng đáy, thành kênh bị nghiêng, nhiều nơi đổ gãy dài cả hàng chục mét.

Mặc dù hằng năm, người dân luôn đóng góp kinh phí và công sức để gia cố kênh, thậm chí dùng gạch và vữa xây các trụ để đỡ thành kênh nhưng kênh hư hỏng quá nên rất nhiều khu vực không thể dẫn được nước vào ruộng. Nhiều đoạn, dù gần máy bơm nhưng người dân phải đào mương phụ để kịp dẫn nước” - ông Phan Trọng Lợi – Trưởng thôn Trung Nam, Phó Giám đốc HTX Trung Đại Nam cho hay.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Nhiều tuyến kênh mương ở An Dũng đã hỏng đáy, không đáp ứng được việc cung cấp nước cho những cánh đồng.

Ông Lợi còn bảo: về mặt thiết kế, toàn bộ mương trên cánh đồng này cũng đã lỗi thời. Chiều ngang của kênh đa phần 40cm, có nơi 30cm, trong khi tuyến kênh dài hàng km, nhiều gấp khúc trên cánh đồng.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Một trong nhiều tuyến kênh đất ở xã An Dũng.

Bên cạnh hệ thống kênh hiện hữu đã hư hỏng, người dân Trung Nam còn mang nỗi buồn nhiều năm qua khi thôn còn 5km kênh đất không đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới.

Thiết tha trồng lúa trong nỗi mong chờ… kiên cố kênh mương

Vụ xuân vừa qua, An Dũng có 830 ha lúa rải đều trên các cánh đồng của 13 thôn. Vụ hè thu này, địa phương đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ sản xuất 677 ha lúa, bởi số diện tích còn lại gặp khó khăn về nguồn nước. Với kế hoạch đã đề ra, người dân An Dũng đã nỗ lực đảm bảo 100% diện tích lúa theo cơ cấu.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Toàn thôn Trung Nam hiện có 5km kênh đất, không đáp ứng việc tưới tiêu trên các xứ đồng.

Quyết tâm của chính quyền và người dân xã An Dũng thực sự đáng ghi nhận bởi các cánh đồng ở xã này bị chia cắt với nhiều km kênh mương.

Nguồn nước phục vụ sản xuất dẫu không thật sự khó do hưởng lợi từ kênh Ngàn Trươi và nguồn từ kênh T41, hói, kênh Nhà Lê nhưng kênh mương nội đồng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều khu vực còn sử dụng kênh đất nên không thể đáp ứng nước cho tiến độ sản xuất.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Để khắc phục tình trạng kênh bê tông bị đổ gãy, tắc dòng chảy, người dân đã phải đào kênh đất để lấy nước kịp thời cho lúa.

Để thuận lợi cho canh tác, đặc biệt là đảm bảo nước tưới, xã An Dũng buộc phải duy trì các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa dù thuộc 13 thôn nhưng xã giao cho 5 HTX là: Trung Đại Nam, Đại An, An Tiến, Thương Tiến, Thành Long và Đông Dũng quản lý, vận hành công đoạn sản xuất.

“Nếu không có các hợp tác xã thì việc lấy nước phục vụ sản xuất sẽ khó khăn vì kênh mương số thì hỏng đáy, đổ thành, số còn lại thì kênh đất, tự người dân sẽ không thể điều tiết được nước. Nhà tôi vừa qua đã phải bỏ ra khá nhiều xi măng để vá thành mương sát ruộng” – ông Phan Lự (thôn Trung Nam) năm nay 74 tuổi nhưng vẫn còn canh tác 8 sào lúa cho hay.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Ông Phan Lự (bên phải) đã phải dung xi măng để vá đáy kênh, đoạn qua ruộng nhà ông.

Chủ tịch UBND xã An Dũng Bùi Thị Bảy trao đổi: “Nhiều năm, địa phương đã trích ngân sách và huy động ngày công, đóng góp của người dân để tu bổ một số đoạn kênh mương, nhưng rất hạn chế. Hiện tại, nhiều tuyến đã hư hỏng. Ngoài ra, có khoảng 15km kênh đất rất khó khăn để tưới cho các cánh đồng và gây thất thoát nguồn nước”.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Nhiều đoạn tuyến, dù đường nội đồng đã được kiên cố nhưng người dân không đủ kinh phí để xây dựng kênh nội đồng, thành thử vẫn phải sử dụng kênh đất.

“Người dân An Dũng có truyền thống sản xuất nông nghiệp và rất yêu nghề trồng lúa. Nhiều năm, An Dũng luôn là một trong những địa phương đi đầu toàn huyện về diện tích, năng suất và sản lượng lúa. Vụ xuân vừa qua, năng suất lúa của An Dũng đạt gần 63 tạ/ha. Không chỉ canh tác trên diện tích đất của địa phương, nhiều người dân còn mượn ruộng của người dân xã Tân Dân để sản xuất, đồng thời cải tạo nhiều thửa đất hoang hóa để mở rộng diện tích. Điều đó cho thấy khát khao rất lớn của người dân An Dũng về sản xuất lúa trong các vụ xuân, hè thu” – Chủ tịch UBND xã An Dũng cho hay.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Chủ tịch UBND xã An Dũng Bùi Thị Bảy trao đổi với phóng viên.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã, bao năm qua, người dân An Dũng luôn mong muốn được đầu tư hệ thống kênh mương đồng bộ, tiện lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và đỡ công sức.

Vậy nhưng, điều đó gặp nhiều khó khăn do kinh phí địa phương hạn hẹp. Mong rằng, các cấp có sự quan tâm để địa phương khép kín diện tích sản xuất vụ hè thu, tạo thuận lợi cho người dân vốn thiết tha với sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp nâng cao năng suất cây trồng.

Đồng lúa An Dũng - bao giờ hết cảnh chờ mưa?

Người dân An Dũng đang mong chờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành để những cánh đồng như thế này được đưa vào sản xuất trong vụ hè thu.

Mong ước ấy của người dân An Dũng thật chính đáng. Bởi, quan sát vào thời điểm này, tại rất nhiều địa phương ở huyện Đức Thọ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay đang là nơi chăn thả trâu bò tự do.

Chủ đề PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Đọc thêm

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),
Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.