Vừa qua, 14 sản phẩm, bộ sản phẩm của Hà Tĩnh được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) khu vực phía Bắc năm 2024. Đây được coi là “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có thêm động lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Là đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp khu vực năm 2024, chị Nguyễn Thị Thùy Dung – chủ cơ sở sản xuất tinh dầu xông Dung Nguyễn (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Cuối năm 2023, sản phẩm của cơ sở được chứng nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh và vừa qua được vinh danh là 1 trong 126 sản phẩm tiêu biểu khu vực phía Bắc. Đây là nguồn động viên lớn với chúng tôi bởi sản phẩm được chứng nhận sẽ gia tăng độ uy tín trên thị trường, là cơ sở tạo lòng tin cho khách hàng. Từ đó, khích lệ cơ sở tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng, tạo thêm sản phẩm mới phục vụ người tiêu dùng”.
Khởi động sản xuất từ năm 2019 với điểm xuất phát là cơ sở quy mô nhỏ, sản lượng chỉ đạt hơn 2.000 lít mật ong/năm, đến nay, thương hiệu mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, Hương Sơn) đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cho biết: “Tính riêng năm 2023, cơ sở đã đưa ra thị trường khoảng 20.000 lít mật ong và năm 2024, chúng tôi xây dựng kế hoạch đạt sản lượng tăng hơn 10% so với năm 2023. Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào vì năm nay, sản phẩm của cơ sở đạt chứng nhận CNNTB cấp khu vực. Tấm giấy chứng nhận là minh chứng cho sự nỗ lực nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm từng ngày của cơ sở, từ đó tạo được niềm tin, uy tín với người tiêu dùng, giúp cơ sở tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Hiện nay, cơ sở đang tập trung mở rộng liên kết sản xuất với bà con để phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào và đặc biệt, chúng tôi đang tiến hành lấy mẫu, thực hiện các thủ tục về xuất khẩu với mục tiêu trong quý III/2024 sẽ xuất khẩu sản phẩm".
Cùng với mật ong Cường Nga, tinh dầu lá xông Dung Nguyễn, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất như: Công ty CP An Hồng; Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát; Công ty CP Vật liệu xây dựng Lam Hồng; HTX Thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương; HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm… cũng vinh dự được sở hữu tấm giấy chứng nhận sản phẩm CNNTTB khu vực phía Bắc đợt này.
Theo nhận định của Sở Công thương, những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh ngày càng đa dạng, phát triển, khẳng định được thương hiệu và được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB từ cấp tỉnh đến quốc gia đã cho thấy uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Hà Tĩnh. Nhiều cơ sở từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chỉ quanh quẩn “lũy tre làng” thì nay có thị trường tiêu thụ trên khắp các tỉnh, thành cả nước và xuất khẩu.
Được biết, giai đoạn từ năm 2014 - 2023, Sở Công thương đã tham mưu tổ chức 5 kỳ bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, đăng ký tham gia 5 kỳ bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp khu vực và 5 kỳ bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 233 sản phẩm được công nhận CNNTTB, trong đó 180 sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, 37 sản phẩm CNNTTB cấp khu vực, 16 sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia. Với kết quả đạt được, Hà Tĩnh được xếp vào nhóm đầu của khu vực và cả nước về số lượng sản phẩm CNNTTB đăng ký tham gia và được công nhận.
Theo ông Trương Văn Thuận – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương), thông qua công tác bình chọn đã phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Để các sản phẩm vươn xa, tạo điều kiện cho cơ sở phát triển sản xuất, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục kết nối cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại sự kiện giao thương, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử