EVN đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đang tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

EVN đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống

Hoạt động tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công văn, công việc, tăng cường làm việc trực tuyến, họp trực tuyến; chủ động phối hợp làm việc trực tuyến với các đối tác, khách hàng; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, cung cấp các dịch vụ điện qua mạng; xây dựng phương án cho cán bộ công nhân viên làm việc từ xa để giảm số người làm việc tại trụ sở cơ quan; hạn chế tối đa tổ chức hội họp trực tiếp đông người, đi công tác trong và ngoài nước.

Đối với việc tiếp nhận yêu cầu các dịch vụ điện (cấp điện mới, các dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện): các Tổng công ty Điện lực tiếp tục tổ chức thực hiện việc tiếp nhận yêu cầu qua tất cả các kênh cung cấp dịch vụ (bao gồm tại các Trung tâm chăm sóc khách hàng và tại phòng Giao dịch khách hàng...), đặc biệt ưu tiên qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Trong tháng 3/2020, các Tổng Công ty Điện lực đã tiếp nhận 745.000 yêu cầu về dịch vụ điện; trong đó 92,5% số yêu cầu được khách hàng thực hiện trực tuyến và qua các Trung tâm Chăm sóc khách hàng.

Từ khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào hoạt động (9/12/2019) đến đầu tháng 4/2020, có trên 23.000 hồ sơ được xử lý; trong đó, số yêu cầu về dịch vụ điện do EVN tiếp nhận, xử lý trên Cổng đạt 12.700 hồ sơ, chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ được xử lý.

Trong vận hành hệ thống điện, EVN đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, liên tục. Các cơ quan, bộ phận như: các Trung tâm Điều độ, nhà máy điện, trạm biến áp sẵn sàng các giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong các kịch bản, kể cả tình huống cực đoan.

Các đơn vị thành viên đã xây dựng các phương án, giải pháp phù hợp đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, liên tục và chủ động phòng, chống dịch, ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Nhiều đơn vị đã tổ chức lực lượng vận hành nghỉ tập trung sau ca làm việc, bố trí các kíp trực tách biệt nhau sẵn sàng cho việc thay thế, xoay vòng, ứng trực hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo nguồn nhân lực được phân bổ tối ưu trong điều kiện vừa phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vừa phải bảo toàn lực lượng lao động trong suốt quá trình phòng, chống dịch.

Mặc dù một số cán bộ nhân viên trong ngành phải tự cách ly (dạng F2, F3, F4) theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, nhưng các đơn vị đã chủ động bố trí nhân lực thay thế, đảm bảo nhiệm vụ vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho khách hàng thông suốt.

Các nhà máy nhiệt điện lập phương án dự trữ nhiên liệu ứng phó trường hợp thiếu hụt nhiên liệu đầu vào do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng có liên quan đến nhà thầu nước ngoài, các đơn vị đã chủ động phối hợp với các nhà thầu để có giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với tinh thần tích cực chung tay cùng nhân dân cả nước đẩy lùi dịch COVID-19, EVN còn chủ động xây dựng, đề xuất một số phương án giảm giá điện hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19 để báo cáo Chính phủ.

Theo Đức Dũng (TTXVN)

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.