Gần 1 năm hoạt động, Cụm công nghiệp Yên Huy chỉ có 3 hộ sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Gần 1 năm trôi qua kể từ ngày Cụm công nghiệp Yên Huy (Can Lộc, Hà Tĩnh) hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mới chỉ có... 3 hộ sản xuất, kinh doanh chuyển nhà xưởng vào đây hoạt động.

Công nhân làm việc tại xưởng mộc Nhuần Anh - một trong 3 hộ sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Yên Huy hiện nay.

Với mục tiêu di dời làng mộc Tràng Đình (thuộc xã Yên Lộc trước đây, nay là xã Khánh Vĩnh Yên) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, tháng 6/2017, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương dự án “Đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Huy gắn với phát triển làng nghề truyền thống mộc Tràng Đình”. Dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa với nguồn vốn 86 tỷ đồng trên diện tích gần 12 ha do Công ty TNHH Yên Huy thực hiện.

Việc hiện thực hóa mục tiêu giải quyết tình trạng ô nhiễm ở làng nghề đã được chủ đầu tư dồn sức thi công các hạng mục công trình. Đến quý 1 năm 2020, Cụm công nghiệp Yên Huy đã hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho hơn 170 hộ với đầy đủ các hạng mục: phần nền, đường, điện, hệ thống xử lý nước, rác thải…

Thế nhưng, sau gần 1 năm xây dựng, việc thu hút các hộ ra sản xuất tại cụm công nghiệp này vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụm công nghiệp Yên Huy đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn chưa thu hút được các hộ sản xuất, kinh doanh.

Anh Tôn Đông - Giám đốc Công ty TNHH Yên Huy cho biết: “Sau khi cụm công nghiệp hoàn thiện hạ tầng, nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc tuyên truyền, đối thoại với người dân về những chính sách ưu đãi, những lợi ích trong quá trình sản xuất tập trung… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 15 hộ mua đất, trong đó có 3 cơ sở thực hiện việc sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp”.

Đường làng ngõ xóm ở thôn Tràng Sơn vẫn ngổn ngang gỗ

Con đường vào làng mộc giáo xứ Tràng Đình (thôn Tràng Sơn và Đình Sơn) xã Khánh Vĩnh Yên vẫn ngổn ngang gỗ và bột cưa. Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà con đã bắt đầu khôi phục việc sản xuất nên tiếng ồn của các loại máy cưa, máy gia công, chạm khắc kêu to và khói bụi từ bột cưa cũng mịt mù trong những ngôi nhà.

Ông Cao Hòa - thôn Tràng Sơn cho biết: “Vẫn biết việc sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng gia đình tôi chỉ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là làm trần nhà, mặt khác, trong khi đó, để chuyển xưởng sản xuất ra cụm công nghiệp cần một khoản tiền đầu tư lớn. Vì thế, dù rất muốn sản xuất tập trung tại cụm nhưng hiện tại gia đình tôi chưa thể thực hiện được”.

Có gia đình còn tận dụng cả đường làng để làm xưởng sản xuất

Được biết, ở làng mộc Tràng Sơn và Đình Sơn, một số hộ sản xuất quy mô lớn đã mua đất tại cụm công nghiệp, nhưng để chuyển xưởng sản xuất ra địa điểm mới họ vẫn còn cân nhắc. Anh Võ Mai - thôn Tràng Sơn cho biết: “Gia đình tôi vừa mua đất tại cụm công nghiệp nên hiện tại chưa đủ nguồn lực để xây dựng nhà xưởng. Hơn nữa, việc sản xuất ở nhà vẫn tiện quản lý và tiết kiệm được một số chi phí nên chúng tôi vẫn còn cân nhắc việc chuyển ra cụm công nghiệp...”.

Thôn Tràng Sơn và Đình Sơn hiện có khoảng 300 hộ làm nghề mộc. Thời gian qua, nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương mà còn mang về nguồn thu nhập lớn cho người dân. Nhiều hộ tận dụng nguồn quỹ đất của gia đình để tiết kiệm chi phí đầu tư, cộng với nỗi băn khoăn về các khoản thuế, phí... các hộ sản xuất nơi đây vẫn chần chừ, cân nhắc trước quyết định di chuyển xưởng sản xuất ra nơi tập trung.

Việc sản xuất ngay tại gia đình đã khiến người làng nghề luôn sống chung với ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan chung.

Gia đình trở thành nhà xưởng, hằng ngày, người dân vẫn sống chung với ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đã cùng với doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc làm việc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc sản xuất, kinh doanh tập trung tại cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc vận động vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn...”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói