Giá lợn hơi thấp, các cơ sở chăn nuôi thận trọng tái đàn

(Baohatinh.vn) - Thông thường, từ tháng 10, các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung tái đàn phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Tuy vậy, hiện giá lợn hơi xuống thấp nên hoạt động chăn nuôi tại Hà Tĩnh khá trầm lắng.

Thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn liên tiếp đối mặt khó khăn khi nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn, giá thức ăn chăn nuôi vẫn “neo” ở mức cao trong khi giá lợn hơi giảm sâu.

Hiện nay, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh dao động từ 51.000 – 52.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đối mặt thua lỗ và đang thận trọng trong việc tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường tết.

Giá lợn hơi thấp, các cơ sở chăn nuôi thận trọng tái đàn

Với mức giá 51.000 – 52.000 đồng/kg, mỗi con lợn thịt bán ra, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh lỗ khoảng 500.000 đồng.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh có gần 40 trang trại chăn nuôi vệ tinh với 3.500 con lợn nái. Mỗi tháng doanh nghiệp tiêu thụ từ 4.000 – 5.000 con lợn thương phẩm. Với mức giá hiện nay, mỗi con lợn thịt bán ra, công ty lỗ khoảng 500.000 đồng.

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh cho hay: “Nếu như giá lợn hơi cao và ổn định thì bắt đầu từ tháng 10 này, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đã tập trung tái đàn, tăng đàn phục thị trường tết. Tuy nhiên, thời điểm này giá lợn hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm chưa đáng kể nên hoạt động chăn nuôi trên địa bàn đang trầm lắng ”.

Tại Hợp tác xã Thắng Lợi (xã Xuân Thành, Nghi Xuân), hoạt động chăn nuôi cũng đối mặt không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Chúng tôi nuôi 300 con lợn nái và 500 con lợn con/lứa. Hiện nay, giá lợn hơi “rớt thảm” trong khi chi phí phòng dịch tăng khoảng 20% và giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao nên đơn vị khá chật vật".

Giá lợn hơi thấp, các cơ sở chăn nuôi thận trọng tái đàn

Hoạt động chăn nuôi tại Hợp tác xã Thắng Lợi (Nghi Xuân).

Trước thực trạng giá lợn hơi thấp, đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ, phải mua con giống thì lại càng chật vật. Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (Thạch Hà) cho hay: “Trên địa bàn chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không tự chủ con giống nên khi giá lợn hơi xuống thấp người nuôi càng thua lỗ nặng. Nếu như những năm trước, giai đoạn này người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn đón tết thì hiện nay người dân không mặn mà với chăn nuôi. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2022, tổng đàn lợn của xã Thạch Văn vẫn đạt từ 6.000 – 7.000 con song nay đã giảm xuống còn 3.500 – 3.600 con. Toàn xã hiện chỉ còn hơn 140 hộ nuôi lợn, nhiều hộ nghỉ nuôi lợn để chuyển sang nuôi gà, dê, bò...”.

Theo rà soát của ngành chuyên môn, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện đạt gần 400.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 65% và chăn nuôi nông hộ chiếm 35%. Thực trạng giá lợn hơi giảm sâu đã tác động lớn tới hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

Giá lợn hơi thấp, các cơ sở chăn nuôi thận trọng tái đàn

Các cơ sở cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi.

Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Với chi phí phòng dịch, thức ăn chăn nuôi... cao như hiện nay, giá lợn hơi phải đạt từ 55.000 đồng/kg trở lên người nuôi mới có thể hoà vốn. Để hoạt động chăn nuôi những tháng cuối năm diễn ra thuận lợi, các chủ cơ sở cần chủ động tiếp cận thông tin; theo dõi, phân tích tín hiệu thị trường, nhận định giá cả để quyết định đầu tư phù hợp. Khi tái đàn, tăng đàn, các chủ cơ sở cần lưu ý mua con giống ở những địa chỉ tin cậy, chất lượng trên địa bàn (nếu là con giống nhập từ ngoại tỉnh phải có hồ sơ kiểm dịch đầy đủ)”.

Cũng theo ông Phan Quý Dương, hiện nay Hà Tĩnh đang vào giai đoạn chuyển mùa, người chăn nuôi cần đầu tư chuồng trại, chủ động giữ ấm cho đàn vật nuôi; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; tuân thủ lịch tiêm phòng các loại vắc – xin trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm tránh rủi ro.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.