Giải bài toán 34 bãi tập kết cát ở Hà Tĩnh chưa có bến thủy nội địa thế nào?

(Baohatinh.vn) - Việc quy hoạch, xây dựng bến thủy nội địa được kỳ vọng góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường thủy và cũng sẽ tháo gỡ “nút thắt” trong việc quản lý khai thác, kinh doanh cát, sỏi hiện nay ở Hà Tĩnh.

Vào cuối tháng 2/2024, UBND huyện Nghi Xuân ban hành quyết định xử phạt 55 triệu đồng đối với Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Thủy (thôn 5, xã Xuân Lam) và các cá nhân có liên quan về hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động; không đăng kiểm lại phương tiện thuỷ nội địa; neo đậu phương tiện để xếp dỡ hàng hoá, chuyển tải hàng hoá tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động.

ben-thuy-noi-dia-3.jpg
Các bến bãi tập kết kinh doanh VLXD dọc sông Lam ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân đều không được quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa.

Trước đó, Công an huyện Nghi Xuân phối hợp với Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh phát hiện tại bãi tập kết vật liệu xây dựng (cát xây dựng) của Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Thủy có 3 sàn lan của 3 cá nhân người Nghệ An đang neo đậu tại vị trí chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa để bốc dỡ cát lên bãi tập kết của doanh nghiệp.

Cũng vì hành vi tổ chức cho tàu vỏ thép số hiệu Nghệ An vào neo đậu tại vị trí chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, vào đầu tháng 2/2024, Công ty CP tư vấn và xây dựng Á Châu (thôn 5, xã Xuân Lam) – đơn vị có bãi tập kết cát bên bờ sông Lam, đã bị UBND huyện Nghi Xuân xử phạt 55 triệu đồng.

ben-thuy-noi-dia-5.jpg
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều đơn vị do vi phạm trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Nghi Xuân hiện có 9 đơn vị có bến bãi tập kết kinh doanh cát xây dựng, tập trung chủ yếu ở các xã: Xuân Lam, Xuân Giang, Xuân Hải. Do đặc thù về mặt hàng kinh doanh nên các bến bãi tập kết, kinh doanh cát xây dựng này phải được cấp phép, xây dựng bến thủy nội địa – công trình có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện thủy nội địa neo, đậu xếp dỡ hàng hóa.

Quy định là vậy, song tới thời điểm này, cả 9 bến bãi tập kết kinh doanh cát xây dựng tại huyện Nghi Xuân đều không được ngành chức năng cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.

“Dù các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện mong muốn xây dựng bến thủy nội địa để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) nhưng vì các bến thủy nội địa bàn không có trong quy hoạch của tỉnh nên không được cấp phép xây dựng”, ông Hà Văn Bình, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghi Xuân xác nhận.

ben-thuy-noi-dia-1.jpg
Bãi tập kết VLXD ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc cũng không được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.

Không chỉ tại huyện Nghi Xuân, mà hiện nay, 25 bến bãi tập kết kinh doanh VLXD (chủ yếu là cát xây dựng) tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Đức Thọ, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh, Thạch Hà... đều chưa được cấp phép xây dựng bến thủy nội địa để tàu, thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa. Điều này đồng nghĩa từ trước đến nay, việc cập bến để bốc dỡ hàng hóa của các phương tiện đường thủy tại 34 bãi tập kết cát xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh đều vi phạm các quy định của pháp luật.

Thời gian qua, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông, giám sát việc cập bến tại các khu vực không được phép dừng, đỗ, bốc dỡ hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị có bến bãi tập kết kinh doanh VLXD đã bị xử phạt.

ben-thuy-noi-dia.jpg
Gần như tất cả các bến bãi tập kết VLXD ven sông đều bốc dỡ hàng từ tàu thuyền, sà lan.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy, việc 100% bến bãi tập kết kinh doanh VLXD ven sông trên địa bàn đều chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa kéo theo nhiều hệ lụy. Trường hợp không cương quyết xử lý sẽ dẫn đến tình trạng kinh doanh tùy tiện, lộn xộn, còn nếu kiên quyết xử lý nhiều khả năng gây thiếu hụt nguồn cung VLXD, nhất là cát xây dựng cho các công trình dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

“Đơn vị đang cung cấp cát cho một đơn vị thi công cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn tỉnh. Giờ chấp hành đúng quy định, không cho tàu thuyền cập bến lấy hàng thì không có cát cung cấp cho việc thi công, công nhân không có việc làm, còn nếu để tàu cập cảng lại bị ngành chức năng xử phạt. Việc chưa quy hoạch, cấp phép xây dựng bến thủy nội địa khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cát sỏi thực sự gặp nhiều khó khăn”, ông Phùng Đức Bá – Công ty cổ phẩn thương mại Sông Lam (thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân) cho hay.

ben-thuy-noi-dia-02.jpg
Việc siết chặt quản lý bến thủy nội địa có thể dẫn tới tình trạng khan hiếm VLXD, nhất là cát xây dựng

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Toản – Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) xác nhận việc 34 bến bãi tập kết kinh doanh VLXD trên địa bàn chưa được đưa vào quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước thực tế này, Sở GTVT đã xin ý kiến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và tham mưu cho UBND tỉnh tích hợp các bến bãi tập kết kinh doanh VLXD vào quy hoạch vùng huyện. Hiện nay, tỉnh đã có văn bản giao cho các địa phương tích hợp vào quy hoạch vùng huyện.

“Trường hợp các bến bãi tập kết kinh doanh VLXD được đưa vào quy hoạch vùng huyện, chủ bến bãi này sẽ phải triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng bến thủy nội địa theo quy định”, ông Nguyễn Trần Toản thông tin.

ben-thuy-noi-dia-6.jpg
Cần sớm quy hoạch, xây dựng bến thủy nội địa, góp phần phần tháo gỡ nút thắt trong quản lý khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh có hệ thống sông ngòi khá dày đặc. Việc quy hoạch và xây dựng các bến thủy nội địa sẽ cung cấp thêm hạ tầng giao thông đường thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đây cũng là cách để góp phần tháo gỡ nút thắt trong quản lý khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng hiện nay. Vậy nên, việc rà soát, quy hoạch cấp phép hoạt động các bến thủy nội địa là yêu cầu cấp thiết. Tất nhiên, việc thực hiện phải đảm bảo đúng lộ trình, đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng cấp phép tràn lan, ảnh hưởng đến quy hoạch chung về giao thông đường thủy của tỉnh và tạo kẽ hở để các tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác khoáng sản trái pháp luật.

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.