Thời gian qua, các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa vụ xuân 2024, phấn đấu đạt và vượt diện tích, năng suất, sản lượng đề ra. Cùng đó, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, hữu cơ...), ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Sau khi tập trung, tích tụ ruộng đất, các địa phương đẩy nhanh hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Cẩm Xuyên ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh sản xuất 59.107 ha, trong đó các địa phương có diện tích lớn như: Cẩm Xuyên 9.560 ha, Can Lộc 9.167 ha, Thạch Hà 7.970 ha, huyện Kỳ Anh 5.636 ha...
Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, vụ xuân này ngành chuyên môn khuyến cáo không cơ cấu 1 giống quá 30% diện tích gieo, cấy. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện địa hình, sinh thái đặc thù với nhiều tiểu vùng sinh thái, lập địa, thổ nhưỡng khác nhau; thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; các đối tượng sâu bệnh thường xuyên phát sinh gây hại nặng... Vì vậy, cơ cấu bộ giống được xây dựng đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng, tính chống chịu, đặc biệt là bệnh đạo ôn...
Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, các địa phương chỉ đạo nông dân bắc mạ trong khung thời vụ từ ngày 5/1/2024 - 8/2/2024.
Thời gian qua, mặc dù thời tiết xuống giống có thời điểm bất lợi, ảnh hưởng rét đậm, rét hại, song các địa phương đã tăng cường triển khai các biện pháp chủ động sản xuất và đến nay cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân.
Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, các địa phương chỉ đạo bắc mạ trong khung thời vụ từ ngày 5/1/2024 - 8/2/2024.
Theo ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và thực tiễn sản xuất vụ xuân 2024, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm trong và sau tết Nguyên đán như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa xuân, có giải pháp chống rét và chăm sóc kịp thời khi thời tiết thuận lợi; duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa thích hợp, tiến hành dặm tỉa, đảm bảo mật độ phù hợp; không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét dưới 15 độ C.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ, trong đó tập trung các đối tượng như: bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn hại lúa... Trong điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm cao, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời, hạn chế nguồn lây lan.