Gieo cấy thuận lợi, đảm bảo cơ cấu lúa xuân ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, vụ gieo cấy lúa xuân 2022 gặp thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng tốt, đảm bảo cơ cấu giống của tỉnh đề ra.

Gieo cấy thuận lợi, đảm bảo cơ cấu lúa xuân ở Hà Tĩnh

Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra tình hình sinh trưởng lúa xuân 2022.

Hoàn thành hơn 99,5% diện tích gieo cấy

Đến ngày 9/2, Hà Tĩnh đã hoàn thành gieo cấy được 59.300 ha lúa xuân, đạt hơn 99,5% tổng diện tích gieo cấy. Toàn tỉnh chỉ còn lại khoảng hơn 200 ha đang tiếp tục gieo cấy, chủ yếu tập trung diện tích lúa cấy ở một số vùng đồng sâu trũng ở các địa phương: Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đây là một trong những vụ xuân có thời vụ xuống giống gặp thời tiết thuận lợi nhất, tạo điều kiện cho bà con nông dân gieo cấy đảm bảo tiến độ, diện tích theo kế hoạch.

Gieo cấy thuận lợi, đảm bảo cơ cấu lúa xuân ở Hà Tĩnh

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã hoàn thành gieo cấy hơn 99,5% diện tích lúa xuân 2022.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết: “Vào thời điểm xuống giống các trà giống chủ lực, thời tiết nắng ráo khắp trên toàn tỉnh đã giúp các địa phương hoàn thành sớm gieo cấy, đảm bảo khung lịch thời vụ của tỉnh. Cùng với đó, thời tiết tốt cũng giúp lúa nảy mầm tốt, đạt tỷ lệ cao và đồng đều. Điều đặc biệt, trong suốt dịp tết Nguyên đán, thời tiết chuyển rét, nhiệt độ hạ thấp tiếp tục là điều kiện lý tưởng để lúa thực hiện quá trình”xuân hóa“, chuyển giai đoạn từ dinh dưỡng sang sinh trưởng thuận lợi. Hiện nay, lúa đang vào thời kỳ bén rễ hồi xanh (đối với diện tích lúa cấy) và phát triển mạnh bộ lá (đối với lúa gieo). Chúng tôi đang khuyến cáo đến các địa phương tiếp tục tranh thủ thời tiết thuận lợi, xuống đồng chăm sóc, tỉa dặm kịp thời, cung cấp đủ nước để lúa đẻ nhánh. Cùng với đó, khẩn trương gieo cấy hết 100% diện tích lúa xuân 2022, hoàn thành trước ngày 15/2 tới”.

Gieo cấy thuận lợi, đảm bảo cơ cấu lúa xuân ở Hà Tĩnh

Bà con nông dân huyện Thạch Hà tỉa giặm lúa, đảm bảo mật độ, tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt.

Thời điểm này, ở khắp các địa phương từ Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ…, bà con nông dân đang tập trung cao cho công tác chăm sóc lúa xuân sau kỳ gieo cấy. Ông Đặng Danh Huệ, xã Thạch Kênh (Thạch Hà) cho biết: “Năm nay tôi làm 7 sào, từ thời điểm gieo cấy đến giặm tỉa đều gặp thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt. Mấy hôm nay cả gia đình tập trung cho tỉa giặm, vừa kiểm tra tình hình sâu bệnh. Hiện nay, một số ruộng đã xuất hiện bọ trĩ, rệp gây hại, tuy tỷ lệ còn rất ít nhưng tôi chủ động phun phòng trừ sớm để bảo vệ lúa non. Sau khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, khoảng 1 tuần nữa tôi sẽ bắt đầu bón thúc để trợ sức cho lúa đẻ nhánh” - ông Đặng Danh Huệ cho biết.

Trong khi đó, ở một số cánh đồng ở Can Lộc, Đức Thọ bà con cũng chăm chỉ tỉa giặm, đảm bảo đúng mật độ cho lúa. “Từ nay trở đi, thời tiết sẽ luôn âm u, ẩm ướt rất dễ phát sinh sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn lá. Vì thế, chúng tôi đang tập trung tỉa giặm nhanh, không để mật độ quá dày trên đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh một cách chủ động nhất. Bên cạnh đó, tiến hành vây bắt chuột, khoanh nilong ở các thành ruộng để bảo vệ lúa non khỏi chuột phá hại” – bà Nguyễn Thị Phương, thôn Phúc Sơn, xã Sơn Lộc (Can Lộc) cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay, bệnh đạo ôn đã bắt đầu xuất hiện rải rác trên một số giống như: Xi23, NX30 ở Xuân Hội, Đan Trường (Nghi Xuân); ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những chân ruộng sâu trũng với diện tích nhiễm 29 ha trên toàn tỉnh; chuột gây hại trên trà lúa gieo thẳng, vùng gần gò đồi ở Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê với diện tích nhiễm 16 ha. Cùng với việc chăm sóc, tỉa giặm thì các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo bà con phòng trừ sâu bệnh sớm, tránh phát sinh ra diện rộng ở giai đoạn sinh trưởng tiếp theo.

Giống chất lượng “giữ thế” chủ lực

Gieo cấy thuận lợi, đảm bảo cơ cấu lúa xuân ở Hà Tĩnh

Sản xuất cánh đồng lớn đã giúp bà con nông dân Thạch Hà giảm số thửa/hộ, sản xuất tập trung và dễ dàng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Phải nói rằng, ngoài yếu tố thời tiết thì năm nay lúa xuân sinh trưởng đồng đều còn nhờ vào cơ cấu nhóm giống chủ lực. Toàn tỉnh bố trí 37 giống chủ lực, thời gian sinh trưởng tập trung từ 110 - 135 ngày. Trong đó, 21 giống nằm trong khung thời gian sinh trưởng từ 120 - 125 ngày (chiếm gần 57% tổng số các giống chủ lực). Nhờ vậy, thời vụ gieo cấy của các địa phương khá tập trung và đồng đều. Cùng với đó, năm nay, các địa phương ưu tiên bố trí nhóm giống chất lượng, nhóm giống lúa mới gắn với sản xuất cánh đồng lớn cũng tăng thêm chất lượng sinh trưởng của lúa xuân 2022.

Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Vụ xuân 2022, huyện Thạch Hà sản xuất hơn 8.100 ha lúa xuân, trong đó, có hơn 1.200 ha canh tác theo cánh đồng thửa lớn, sản xuất cánh đồng mẫu. Cùng với các chính sách hỗ trợ, huyện bố trí 100% giống lúa chất lượng cao nhằm đảm bảo tăng cao hiệu quả, năng suất lúa vụ xuân 2022. Đến thời điểm này, 100% diện tích đã hoàn thành gieo cấy và phát triển thuận lợi”.

Gieo cấy thuận lợi, đảm bảo cơ cấu lúa xuân ở Hà Tĩnh

Nếp 98 là loại giống được bà con nông dân Can Lộc ưa chọn và xây dựng nhiều cánh đồng hàng hóa lớn.

Qua khảo sát tại các địa phương, vụ xuân 2022, dòng giống chất lượng được bố trí vào cơ cấu sản xuất chiếm khoảng 40% tổng số loại giống trên địa bàn. Bên cạnh những loại đã trở thành thương hiệu của Hà Tĩnh như: Nếp 98, HT1 thì năm nay, những cái tên như: Bắc Thịnh, ADI 168, VNR 20… đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong năng suất và hiệu quả hàng hóa lúa gạo địa phương.

Cùng với đó, đánh giá của Sở NN&PTNT cũng cho thấy, tình hình cung ứng giống của các doanh nghiệp khá ổn định, tuân thủ quy định và cơ cấu giống của tỉnh. Lượng giống cung ứng cho toàn địa bàn khoảng 1.000 tấn, tương đương 15.000 ha gieo cấy, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.

Nhìn chung, sản xuất vụ xuân 2022 khá thuận lợi, đảm bảo khung lịch thời vụ cũng như cơ cấu giống của tỉnh. Hiện nay, thời tiết đang ấm hơn, trời tạnh ráo là điều kiện thuận lợi để các địa phương đốc thúc bà con nông dân ra đồng hoàn thành nốt các diện tích gieo cấy theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ tỉa giặm, chăm sóc những diện tích đã gieo cấy để kịp thời thực hiện bón thúc cho lúa đẻ nhánh. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn lá.

Các địa phương cần tổ chức kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast