Cùng đi có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Đoàn bắt đầu chuyến tham quan với việc thăm vườn, tiếp xúc với một số hộ sản trồng cây na dai ở xã Việt Dân.
Đoàn đến tham quan các hộ sản trồng cây na dai, thanh long ở xã Việt Dân
Nhắc đến sản vật của vùng đất Đông Triều, ngoài nếp cái hoa vàng còn có na dai. Vùng na dai Đông Triều chủ yếu phân bố ở 3 xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt với tổng diện tích gần 1.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 6.000 tấn. Với nhiều ưu thế chất lượng vượt trội, sản phẩm na Đông Triều được thương lái tìm đến thu mua tận vườn, thậm chí đặt mua cả vườn từ khi quả còn non.
Nhằm mục tiêu nâng cao giá trị quả na, khôi phục và phát huy thương hiệu na dai Đông Triều, mở rộng thị trường, Hội Sản xuất kinh doanh Na Đông Triều đã liên kết với các hộ trồng na theo quy trình kỹ thuật, cam kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân khi đến vụ thu hoạch.
Tiếp đó, đoàn đến tham quan Hợp tác xã Dược liệu xanh Đông Triều (Đông Triều Green) tại thôn Năm Giai, xã Tràng Lương.
... tham quan Hợp tác xã Dược liệu xanh Đông Triều
Hợp tác xã Dược liệu Xanh Đông Triều được triển khai theo mô hình sản xuất tập trung, liên kết bốn nhà: Nhà nước - HTX Dược liệu xanh - Nhà khoa học và hộ xã viên, nông dân. Hiện nay, đơn vị đang ươm, trồng nhiều giống dược liệu quý như: Ba kích, trà hoa vàng, kim ngân, hà thủ ô, địa hoàng, đinh lăng… và chế biến thành công 10 loại sản phẩm dược liệu.
... tham quan Công ty CP sữa An Sinh
Thăm Công ty CP Sữa An Sinh, đoàn được biết, với phương châm doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ một phần vốn, dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa và cam kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng sữa tươi nguyên liệu cho các hộ nông dân. Nhờ đó, nhiều hộ dân của huyện Đông Triều đã trở nên khá giả từ việc nuôi bò sữa.
Cũng trong buổi sáng đoàn đã đến tham quan, trải nghiệm tại làng quê Yên Đức.
Nằm cách TP. Hạ Long khoảng 60km về phía Tây, Yên Đức mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo đặc trưng của cộng đồng cư dân khu vực Bắc Bộ với không gian thanh bình, yên ả, những cánh đồng lúa chín vàng vào mùa gặt, những ao cá, vườn cây vươn mình trong nắng… Không những thế, nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như: núi Canh, hang 73, chùa Cảnh Huống…
Từ cuối năm 2011, Yên Đức đã bắt đầu khai thác mô hình “Du lịch làng quê Yên Đức” nhằm quảng bá nét đẹp làng quê đến du khách, đồng thời mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân địa phương, thúc đẩy sự phát triển của nông thôn theo hướng bền vững.
Ở đây có đội ngũ hướng dẫn viên gồm trên 30 người đều là những người nông dân địa phương. Từ khi tham gia hoạt động du lịch, các hướng dẫn viên - những người nông dân này đã có thêm thu nhập, bình quân mỗi tháng mỗi người thu khoảng 1 triệu đồng.
Đến làng quê NTM Yên Đức, du khách còn được xem biểu diễn rối nước.
Thay mặt đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao các mô hình trồng cây ăn quả, sản xuất dược liệu, sữa và du lịch của thị xã Đông Triều. Đây là cơ sở để tỉnh Hà Tĩnh tham khảo, học tập, làm căn cứ để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tại tỉnh Quảng Ninh của đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh sẽ diễn ra hôm nay và ngày mai (21/5). Báo Hà Tĩnh điện tử tiếp tục thông tin chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm của đoàn.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, năm 2015, huyện Đông Triều được công nhận đạt chuẩn huyện NTM (cuối năm 2015 lên thị xã). Năm 2017, Đông Triều phấn đấu xây dựng 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2016, thu ngân sách của Đông Triều đạt 1.300 tỷ đồng, hộ nghèo còn 1,3%. Trong xây dựng NTM, Đông Triều đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực: na dai, cam, nhãn, bưởi... và tập trung phát triển HTX, DN sản xuất nông sản dược liệu và du lịch. |