DTLPC gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi từ năm 2019 đến nay.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản số 4356/UBND-NL5 về sử dụng vắc-xin phòng DTLCP. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, UBND các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống DTLCP và xem xét, quyết định việc sử dụng vắc-xin DTLCP.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến và căn cứ tình hình dịch bệnh tham mưu việc sử dụng vắc-xin DTLCP để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; xây dựng kế hoạch tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau khi tiêm vắc-xin DTLCP.
Lập danh sách các cơ sở chăn nuôi có nhu cầu tiêm vắc-xin, bao gồm thông tin chủ thể về tên cơ sở, địa chỉ, thông tin liên hệ, số lượng, đối tượng đáp ứng điều kiện để tiêm vắc-xin theo khuyến cáo sử dụng của nhà sản xuất gửi Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 01/09/2023 để tổ chức thực hiện.
Ảnh minh họa.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hướng dẫn, triển khai tiêm phòng và sử dụng vắc-xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời, theo dõi, giám sát về tình trạng sức khỏe đàn lợn sau tiêm phòng.
Trong quá trình triển khai tiêm vắc-xin, có thể đàn lợn đã nhiễm vi-rút DTLCP thực địa và các mầm bệnh khác, nên khả năng xảy ra phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn theo đúng quy định; cần chuẩn bị đầy đủ phương án, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết để ứng phó, khắc phục, xử lý các vấn đề, sự cố phát sinh.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y, cung ứng, đảm bảo kịp thời vắc-xin; phối hợp các đơn vị sản xuất vắc-xin hướng dẫn các địa phương, cơ sở trong quá trình lựa chọn đối tượng, triển khai thực hiện và lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng.
DTLCP xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Tĩnh vào tháng 5/2019. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, chỉ tính riêng tính từ tháng 1/2021 đến ngày 15/12/2021, DTLCP đã xảy ra tại 134 xã, thị trấn, thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã với tổng số lợn mắc bệnh là 16.324 con, buộc phải tiêu hủy 16.260 con, với trọng lượng 1.199 tấn. Đến nay, nước ta đã có 2 loại vắc-xin DTLCP (NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế đối với vắc-xin thú y. Đây là những vắc-xin phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vắc-xin thương mại trong phòng bệnh DTLCP được cấp phép trên thế giới. |