Thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay
Năm 2022, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như thách thức, rủi ro về môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đã tác động bất lợi đến phát triển KT-XH và thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của Hà Tĩnh.
Trong bối cảnh đó, chính quyền các cấp đã thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, các chính sách miễn giảm thuế, phí và hỗ trợ người nộp thuế được triển khai kịp thời, có hiệu quả, từng bước phục hồi và phát triển KT-XH của địa phương.
Cục Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kê khai nộp thuế
Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt hơn 17.500 tỷ đồng, vượt 21,1% dự toán Bộ Tài chính giao (dự toán giao thu 14.450 tỷ đồng), vượt 7,4% dự toán HĐND tỉnh giao (dự toán giao thu 16.300 tỷ đồng). Cụ thể, thu nội địa đạt hơn 8.500 tỷ đồng, vượt 42% dự toán Bộ Tài chính giao, vượt 8,9% dự toán HĐND tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 9.000 tỷ đồng, vượt 6,5% dự toán Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao. Đây là kết quả thu cao nhất từ trước đến nay của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính cho biết: “Nhìn chung, tổng thu ngân sách trên địa bàn đều vượt dự toán Trung ương và tỉnh giao; trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu cán mốc cao nhất trong lịch sử. Riêng thu nội địa, 13/13 huyện, thành phố, thị xã đều có số thu thuế, phí vượt dự toán HĐND tỉnh giao. Các khoản thu: cấp quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân... vượt dự toán khá lớn, tạo thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các đề án, chính sách của địa phương”.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách cho Hà Tĩnh
Tuy vậy, công tác thu ngân sách năm 2022 vẫn còn những khó khăn. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2022 đã làm giảm thu gần 600 tỷ đồng.
Thực tế, trong tổng thu ngân sách nội địa, sau khi loại trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và các khoản ghi thu, ghi chi thì thu từ thuế, phí các cấp ngân sách địa phương hưởng ước đạt 5.200 tỷ đồng (bằng 95,5% dự toán HĐND tỉnh giao) đã phần nào tạo áp lực lên nhiệm vụ chi ngân sách. Tuy nhiên, Hà Tĩnh đã điều hành linh hoạt, tiết kiệm chi, chống lãng phí nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.
Đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả
Năm 2022, Hà Tĩnh được giao dự toán chi ngân sách 20.380 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 19.942 tỷ đồng, bằng 97,9% dự toán. Nhìn chung, công tác chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển KT-XH, QP-AN của địa phương.
Các cơ quan tài chính trên địa bàn Hà Tĩnh đã linh hoạt trong triển khai thu, chi ngân sách năm 2022
Với sự điều hành chặt chẽ và linh hoạt trong công tác quản lý tài chính ngân sách, Hà Tĩnh đã đáp ứng đủ nguồn kinh phí cho các hoạt động hành chính, sự nghiệp các cấp, ngành; đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và thực nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh trong sản xuất, chăn nuôi, khôi phục sản xuất, đảm bảo QP-AN; bố trí kịp thời nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Các giao dịch viên KBNN Hà Tĩnh tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế cuối năm 2022
Ngành đã chủ động rà soát, sắp xếp, lùi thời gian hoặc cắt giảm tối đa các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để ưu tiên dành nguồn kinh phí tiết kiệm bố trí cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cấp bách gắn với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế, UBND tỉnh đã xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2021; trong đó, sau khi đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, Hà Tĩnh đã ưu tiên bố trí 1.925 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn góp phần xử lý nợ xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện một số dự án cấp thiết thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương, hỗ trợ thực hiện một số dự án cấp thiết do cấp huyện quyết định đầu tư.
Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát thông quan qua cảng Vũng Áng - Sơn Dương
Với nhiều giải pháp linh hoạt, các ngành, địa phương trên toàn tỉnh đã đảm bảo cân đối nguồn thu, chi ngân sách, qua đó tạo đà phát triển KT-XH. Tiếp đà thắng lợi, năm 2023, HĐND tỉnh giao dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 18.968 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 8.000 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 10.968 tỷ đồng. Đây là mức giao thu cao nhất từ trước đến nay của địa phương. Về chi ngân sách, dự toán HĐND tỉnh giao 20.006 tỷ đồng.
Mục tiêu 18.968 tỷ đồng thực sự là “ngọn núi cao”, đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan tài chính trên địa bàn Hà Tĩnh. Ngành tài chính sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, đảm bảo cả tổng mức và cơ cấu nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ chi, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, tạo tiền đề để “chinh phục” mục tiêu thu ngân sách 28.000 tỷ đồng vào năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.