Hương Khê - Những mùa quả ngọt

(Baohatinh.vn) - Gánh gồng không ít những khắc nghiệt từ thiên nhiên nhưng bù lại, Hương Khê có diện tích rộng lớn, con người cần mẫn, chăm chỉ. Cùng với các chính sách phù hợp, huyện đã phát huy tiềm năng, lợi thế, biến khó khăn thành động lực. Những mùa quả ngọt là minh chứng rõ nét để bà con Hương Khê vững tin đầu tư các vùng cây ăn quả.

Hồ hởi đón chúng tôi trước thềm năm mới, anh Phan Văn Bình – xã Phúc Trạch khoe: “Thụ hưởng những chính sách phát triển kinh tế vườn đồi của tỉnh, huyện, gia đình tôi hiện có hơn 1.500 gốc cam, trong đó, có 700 gốc trồng mới. Ngoài các nguồn thu từ chăn nuôi, trồng bán cây dó trầm, mỗi năm, tôi có thu nhập từ cam hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống của gia đình bây giờ có thể coi là no ấm rồi”.

Hương Khê - Những mùa quả ngọt ảnh 1

Mùa quả ngọt.

Không riêng anh Bình, nhiều hộ dân trên toàn huyện Hương Khê đang rất phấn khởi trước những mùa quả ngọt. Vụ thu hoạch cam, bưởi 2015 khép lại, người dân, chính quyền vững tin bởi sản lượng, năng suất và giá trị mang lại đã không phụ công người vun trồng. Hương Khê hiện có trên 5.000 hộ làm kinh tế vườn, trang trại với diện tích trên 6.000 ha, trong đó, diện tích cam và bưởi Phúc Trạch là 2.800 ha. Năm 2015, với 1.800 ha cam và bưởi đã cho thu hoạch, bà con nông dân Hương Khê thu về trên 531 tỷ đồng. Năng suất bưởi bình quân 6 tấn/ha (cao nhất đạt 9,5 tấn/ha), sản lượng 8.550 tấn; cam các loại năng suất bình quân ước đạt 5 tấn/ha (cao nhất đạt 9 tấn/ha), sản lượng 6.300 tấn. Những con số đầy ấn tượng đó là kết tinh của những bàn tay cần mẫn, những cái đầu dám nghĩ, dám làm của người dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo với những quyết sách đúng đắn của cấp ủy, chính quyền.

Để làm nên kết quả này, thời gian qua, huyện Hương Khê đã ban hành nhiều chính sách về đất đai, giống, vay vốn, liên doanh, liên kết... nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả chủ lực. Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn tình hình, Hương Khê đã kịp thời thay đổi chính sách hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các cơ chế hỗ trợ được áp dụng trước đây cho các trang trại, vườn đồi tập trung có quy mô lớn nay các vườn hộ có quy mô nhỏ cũng đều được thụ hưởng. Đây thực sự là “cú hích” để Hương Khê phát triển hơn nữa diện tích trồng cam, bưởi.

Nói như anh Phan Văn Tính ở xã Hương Trạch thì: “Bóc ngắn cắn ngắn, bóc dài cắn dài. Mới bắt đầu triển khai trồng cam, bưởi, nhiều hộ dân không đủ vốn để đầu tư quy mô tập trung nếu không được hưởng các chính sách hỗ trợ”. Theo đó, diện tích trồng mới cam, bưởi trên toàn huyện không ngừng tăng lên. Năm 2015, diện tích trồng mới tăng mạnh với 213 ha bưởi Phúc Trạch và 390 ha cam các loại. Riêng diện tích cam ở khu vực Khe Mây, xã Hương Đô đến nay là trên 280 ha.

Hương Khê - Những mùa quả ngọt ảnh 2

Mô hình ươm giống của Doanh nghiệp Tân Thanh Phong chuyên cung cấp nguồn giống chất lượng cao.

Với lộ trình đã vạch ra, Hương Khê quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích bưởi Phúc Trạch lên 3.000 ha, sản lượng 30.000 tấn, giá trị 1.200 tỷ đồng; cam chất lượng cao 2.600 ha, sản lượng 27.000 tấn, giá trị 810 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - Lê Ngọc Huấn cho biết: Để đạt được mục tiêu kể trên, trước mắt, phải tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát, đề nghị chuyển đổi diện tích trồng rừng nguyên liệu, cây cao su hiệu quả thấp sang các vùng sản xuất chuyên canh bưởi Phúc Trạch, cam chất lượng cao. Công tác quy hoạch phải đảm bảo liên kết giữa các vùng, các huyện trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, hình thành và nhân rộng chuỗi liên kết khép kín trên cơ sở đẩy mạnh “3 hóa”: xã hội hóa, liên kết hóa, doanh nghiệp hóa trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ.

“Thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2015–2020, tái cơ cấu nông nghiệp, việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chủ lực như bưởi Phúc Trạch, cam chất lượng cao sẽ là một trong những mũi đột phá, tạo đà cho Hương Khê “cất cánh”. Với hướng đi này, mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng (năm 2015) lên trên 80 triệu đồng (năm 2020), thu ngân sách trên địa bàn từ 71 tỉ đồng lên 450 tỉ đồng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX nhiệm kỳ 2015-2020 là hoàn toàn có thể thực hiện được” – Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn tin tưởng.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.