Kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét kỹ giải trình của các cơ sở y tế Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét kỹ lưỡng các giải trình của các cơ sở y tế để kiểm tra, đối chiếu với các quy định hiện hành, tránh gây thiệt thòi cho các đơn vị.

Ngày 6/2/2024, BHXH Việt Nam ban hành các kết luận kiểm tra số: 382/KL-BHXH, số 383/KL-BHXH, 384/KL-BXH, 385/KL-BHXH về thực hiện chế độ, chính sách BHXH ở: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hồng Hà, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh, BVĐK TX Kỳ Anh, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh.

Kết luận có chỉ ra các sai sót của các cơ sở y tế nói trên trong việc đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Riêng BVĐK tỉnh Hà Tĩnh còn bị yêu cầu rà soát lại chi phí khám, thực hiện dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền có dấu hiệu thống kê trùng, chưa đủ cơ sở thanh toán hơn 8,3 tỉ đồng.

bhxh 3a.jpg
Kết luận BHXH Việt Nam chỉ ra các sai sót về thực hiện chế độ, chính sách BHXH ở một số cơ sở y tế Hà Tĩnh.

Trên cơ sở nội dung các kết luận kiểm tra, các cơ sở y tế đã có các giải trình chi tiết gửi Sở Y tế để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét.

Đối với BVĐK tỉnh, trong kết luận kiểm tra của BHXH Việt Nam có nội dung chi phí dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền do 1 kíp nhân viên y tế thực hiện đồng thời cho 2 bệnh nhân khác nhau, không đúng quy định với 174.968 dòng dữ liệu từ tháng 9/2022 đến hết tháng 5/2023, có tổng chi phí hơn 8,3 tỉ đồng.

Các chuyên gia tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật ngoại khoa cho BVĐK tỉnh.

Các chuyên gia tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật ngoại khoa cho BVĐK tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, Bác sỹ Lê Ngọc Thanh – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho rằng: "Đoàn kiểm tra chưa thực hiện lọc trùng dòng dữ liệu. Ví dụ: một bệnh nhân có dịch vụ kỹ thuật trùng thời điểm thực hiện với 8 bệnh nhân khác thì số dòng dữ liệu sẽ là 8 dòng dữ liệu nên số tiền sẽ nhân lên nhiều lần dẫn đến sai số quá lớn. Trong khi thực tế, từ ngày 1/9/2022 đến 31/5/2023, Khoa Y học cổ truyền đã khám và điều trị cho 878 bệnh nhân với tổng chi phí hơn 4 tỉ đồng. Trong đó, riêng chi phí dịch vụ kỹ thuật chỉ hơn 1,4 tỉ đồng.

Hiện tại, đơn vị đang phối hợp với BHXH tỉnh Hà Tĩnh rà soát, xác minh cụ thể và sẽ sớm có báo cáo. Nhưng có thể khẳng định, tất cả các sai sót trên chủ yếu do lỗi chuẩn hoá và đồng bộ dữ liệu phần mềm, do đó cần phải được kiểm tra, đối chiếu thực tế trên hồ sơ bệnh án, sổ phẫu thuật, thủ thuật, các bảng kê thủ thuật có xác nhận của người bệnh mới có cơ sở xuất toán”.

Liên quan đến nội dung kết luận BVĐK tỉnh có chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định với số tiền hơn 400 triệu đồng, báo cáo của BVĐK tỉnh gửi Sở Y tế cho biết: trong biên bản đã ký với đoàn kiểm tra, bệnh viện thống nhất xuất toán các chi phí khám, chữa bệnh với số tiền chỉ hơn 99 triệu đồng. Chính vì vậy, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục kiến nghị BHXH Việt Nam và UBND tỉnh để làm rõ thêm.

Bệnh nhân được chăm sóc tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh.

Bệnh nhân được chăm sóc tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh.

Tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh, kết luận của BHXH Việt Nam chỉ ra số tiền đề nghị thanh toán BHYT chưa đúng là hơn 700 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Bác sỹ Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh cho rằng: “Quá trình nhập dữ liệu, một số mã chẩn đoán điện tử không hiện trên hệ thống do lỗi phần mềm hoặc thiếu các liên kết dẫn đến thiếu sót khi chuyển dữ liệu thanh toán cho đơn vị bảo hiểm. Lỗi này đang xảy ra ở nhiều bệnh viện trên toàn quốc do hệ thống thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn".

"Đây là vấn đề khó cho cơ sở khám, chữa bệnh khi đội ngũ công nghệ thông tin xử lý các vấn đề còn hạn chế. Vì vậy, cần kiểm tra, đối chiếu thực tế trên hồ sơ bệnh án giấy trước khi kết luận. Hơn nữa, kết luận trên được phát hiện sau khi BHXH giám sát trên phần mềm chứ chưa thanh quyết toán. Theo quy trình, phía BHXH còn phải đối chiếu thực tế hồ sơ bệnh án nữa mới quyết toán, trong khi hồ sơ bệnh án ở bệnh viện thì đảm bảo, đúng, đầy đủ tương ứng với số tiền đề nghị thanh toán” - Bác sỹ Nguyễn Thị Diện kiến nghị thêm.

Tương tự, tại BVĐK TX Kỳ Anh, đoàn kiểm tra cũng kết luận có sai sót khi đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT số tiền trên 119 triệu đồng. Theo báo cáo số 110/BC-BVĐKKA ngày 23/2/2024 gửi Sở Y tế, trong quá trình rà soát hồ sơ làm việc, bệnh viện đã phát hiện một số lỗi trong quy trình làm việc trên phần mềm, còn trên hồ sơ bệnh án là đúng. Chính vì vậy, khi kiểm tra trong giai đoạn 1/1/2022 – 31/5/2023, đề nghị BHXH Việt Nam chỉ sử dụng dữ liệu trên XML (file văn bản sử dụng các thẻ để mô tả và cấu trúc dữ liệu - PV) như là một công cụ để rà soát ban đầu. Sau đó, cần tiến hành giám định trên hồ sơ bệnh án.

q3.jpg
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật.

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Trên cơ sở tổng hợp báo cáo giải trình chi tiết của các cơ sở y tế, ngày 1/3/2024, Sở đã có Văn bản số 491/SYT-NVY gửi UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với BHXH Việt Nam xem xét kỹ lưỡng các giải trình của các cơ sở y tế để kiểm tra, đối chiếu với các quy định hiện hành, không xuất toán những chi phí đã sử dụng cho bệnh nhân BHYT hợp lý, đúng quy định, tránh gây thiệt thòi cho các bệnh viện".

Trong văn bản Sở Y tế báo cáo UBND tỉnh cũng phân tích và kiến nghị: trong thời gian thực hiện việc chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và kiểm thử theo các quyết định của Bộ Y tế, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh còn vướng mắc trong khâu mã hóa dữ liệu điện tử XML. Vì vậy, cần kiểm tra đầy đủ cả hồ sơ bệnh án và dữ liệu XML mới xác định được chi phí đó đúng hay sai. Vì dữ liệu còn nhiều bất cập và chưa thể hiện hết trong hồ sơ bệnh án. Việc giám định hiện tại vẫn thực hiện trực tiếp trên hồ sơ bệnh án, được quy định tại “Điều 3: Giám định theo tỷ lệ” (theo Quyết định 1456/QĐ-BHXH). Do đó, kiểm tra trong giai đoạn này phải thực hiện giám định trực tiếp trên hồ sơ bệnh án và nhân theo tỷ lệ quy định. Việc sử dụng dữ liệu như là một công cụ để rà soát ban đầu, kết luận nội dung kiểm tra vẫn phải dựa trên từng hồ sơ bệnh án.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh

Đọc thêm

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc với người xung quanh. Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết? Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ra sao? Bác sĩ Bùi Thị Tiến - Phòng khám Âm ngữ trị liệu, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh) sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Người mang ánh sáng trở về

Người mang ánh sáng trở về

Với bác sĩ chuyên khoa II Võ Tá Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Hà Tĩnh, ca phẫu thuật không chỉ là nhiệm vụ y khoa, mà còn là một hành trình giúp bệnh nhân “nhìn lại cuộc đời” theo đúng nghĩa đen.
Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Trung tâm Xạ trị kỹ thuật cao - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày viết nên những câu chuyện hồi sinh từ lòng tin, từ nội lực ngành y tế địa phương và từ sự đồng hành của y học hiện đại.
"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

Chữa bệnh không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, thế nhưng cơ sở khám, chữa bệnh của ông Dương Văn Ngọ (ở xã Thạch Trị, TP Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên hoạt động. Câu hỏi đặt ra là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của địa phương, ngành chức năng vì sao chưa phát huy hiệu quả?
Hà Tĩnh xuất hiện nhiều ca bệnh Covid-19

Hà Tĩnh xuất hiện nhiều ca bệnh Covid-19

Từ đầu năm đến nay, trên thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đáng kể. Tại Hà Tĩnh, số ca bệnh cũng có xu hướng tăng nhẹ và lây nhiễm trong cộng đồng.
Thực hư "thần y” chữa bách bệnh ở Hà Tĩnh

Thực hư "thần y” chữa bách bệnh ở Hà Tĩnh

BVĐK Hà Tĩnh liên tục tiếp nhận các ca biến chứng nghiêm trọng do tiêm, chuyền tại cơ sở chữa bệnh “chui”. Thực trạng này cảnh báo tình trạng tùy tiện trong chữa bệnh, đẩy nhiều người vào cảnh tiền mất, tật mang.