Thời gian này, tại các làng đào có tiếng ở Hà Tĩnh như Bắc Sơn, Thạch Vĩnh (huyện Thạch Hà), Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên) hay Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân), Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh)..., người dân đang hối hả tuốt lá cho cây đào.
Theo chủ các vườn đào, thời gian thích hợp nhất để tuốt lá là từ ngày 17 - 25/11 âm lịch. Việc tuốt lá còn phụ thuộc vào thời tiết, độ tuổi, giống đào, sức sinh trưởng của cây...
Những ngày này, nhiệt độ ở Hà Tĩnh dù xuống thấp nhưng trời lại nắng ráo, thích hợp cho việc tuốt lá cây đào.
Gia đình ông Trần Hậu Minh (thôn Kim Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) có 140 gốc đào 3 năm tuổi. Để tuốt lá kịp thời gian, ông Minh thuê 6 người phụ nữ ở địa phương tuốt lá với tiền công 250 ngàn đồng/người/ngày.
Tuốt bỏ toàn bộ lá đào sẽ giúp cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.
Việc tuốt lá đào bằng tay phải rất cẩn thận, nhất là không được tuốt lá thẳng từ trên xuống, làm như vậy sẽ tổn thương đến mầm nụ hoa.
Theo kinh nghiệm của chủ các vườn đào, năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm nào thời tiết rét thì tuốt lá đào sớm hơn vài ngày.
Người trồng đào kỳ vọng sau khi tuốt lá, trời nắng ráo khoảng 1 tuần, khi ấy sẽ hình thành các nụ hoa.
Sau khi cây có nụ, thời tiết chuyển rét, giúp kìm hãm sự phát triển nụ hoa. Nếu cận tết có nắng, hoa sẽ nở đúng thời điểm, bán được giá tốt hơn.
Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn - Hồ Sỹ Phước cho hay, toàn xã có hơn 900 hộ thì 2/3 hộ trồng đào, nhà nào trồng ít thì ba bốn chục gốc, gia đình trồng nhiều thì lên tới 1 - 2 ha. Trồng đào giúp người dân có thu nhập khá, nếu thời tiết thuận lợi, nhiều hộ thu cả vài ba trăm triệu sau mỗi vụ.
Không chỉ ở xã Bắc Sơn mà ở nhiều địa phương khác của Hà Tĩnh, cây đào mang lại giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc chăm sóc để đào nở trúng dịp cận Tết Nguyên đán là cả một quá trình, cần nhiều kinh nghiệm.