Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

(Baohatinh.vn) - Đến ngôi làng “huyền thoại” K130 ở thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) - nơi người dân với tinh thần yêu nước nồng nàn “xe chưa qua, nhà không tiếc” trong kháng chiến chống Mỹ, hôm nay, ngắm sức sống tươi mới đang căng tràn trên miền quê cách mạng, càng thấy thêm tự hào, thêm yêu đất nước, quê hương.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Làng K130 ngày nay. Ảnh Gia Hân

Quá khứ hào hùng

Ngược về quá khứ của những ngày tháng chiến tranh chống Mỹ đầy ác liệt trên quê hương Hà Tĩnh, khi mà kẻ thù hằng giờ, hằng ngày trút hàng tấn bom đạn xuống các tuyến đường giao thông huyết mạch, hòng cắt chi viện của hậu phương ra tiền tuyến. Trên tuyến quốc lộ 1A đoạn từ cầu Thượng Gia (xã Thiên Lộc, Can Lộc) đến cầu Già (giáp ranh giữa xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn và xã Thạch Liên, Thạch Hà) trở thành trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ.

Đến giữa năm 1968, Mỹ đã thả xuống đây hàng nghìn quả bom, khiến quãng đường khoảng 1.300m bị đứt thành 2 đoạn. Hàng nghìn chiếc xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào chiến trường miền Nam buộc phải di tản nép vào bìa rừng, làng xóm từ Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc chờ đêm đến lần lượt đi qua đường 15A. Nhưng Ngã ba Đồng Lộc cũng bị bom Mỹ đánh phá ác liệt, nhiều đoạn đường tắc nghẽn.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Người dân làng Hạ Lội nay là Làng K130 dỡ nhà lát đường năm 1968. Ảnh tư liệu. (nguồn: dangcongsan.vn)

Trước tình hình đó, trong ngày 13/8/1968, làng Hạ Lội (xã Tiến Lộc cũ) nay là tổ dân phố (TDP) K130, thị trấn Nghèn (Can Lộc) nhận được chỉ thị phải dỡ làng để mở đường xế cho xe đi qua. Sau khi lệnh ban ra, chỉ trong 8 giờ đồng hồ (ban đêm), 130 hộ dân của làng đã đồng lòng tình nguyện dỡ 130 ngôi nhà lát đường, thông tuyến cho xe qua.

Bà Hà Thị Yêm (83 tuổi, TDP K130, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Lộc cũ) kể: “Thời điểm đó, chúng tôi sống chung với bom đạn từng giờ. Cả làng có 130 hộ, chịu cảnh sống chết trong gang tấc, ý chí chiến đấu tất cả vì tiền tuyến càng thêm mạnh mẽ. Vì vậy, sau khi nhận được lệnh từ cấp trên, chúng tôi họp bàn và phổ biến chủ trương của Đảng, tất cả bà con đều đồng tình”.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Bà Hà Thị Yêm - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Lộc (cũ) từng tham gia mở đường xế trong Chiến tích Làng K130.

Nêu gương đi đầu, bà Yêm và bố mẹ chồng (lúc đó, ông Phạm Tiến Đồng - chồng bà Yêm, đang là bộ đội chiến đấu ở Quảng Bình) đã dỡ bỏ ngôi nhà 3 gian, dùng cột kèo bằng gỗ phục vụ lát đường. Trong đêm 13/8/1968, tại làng Hạ Lội diễn ra nhiều câu chuyện xúc động đến bây giờ người dân nơi đây vẫn còn nhớ mãi, như: Cụ bà Đinh Thị Trí hơn 80 tuổi với câu nói: “Hãy lấy quan tài của tôi lát đường, hòa bình về tôi sẽ mua cỗ khác”.

Cụ Trí sống một mình, tài sản đáng giá chỉ có cỗ quan tài bằng gỗ mít sắm được dành cho lúc qua đời nhưng đã tình nguyện mang ra lát đường cho xe qua. Và nhiều câu chuyện khác về sự sẵn sàng hy sinh của người dân làng K130, với tinh thần cao cả “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

Việc mở đường xế qua làng Hạ Lội với sự đồng thuận, cống hiến của người dân đã giúp cho tuyến quốc lộ 1A thời điểm đó được khơi thông. Sau khi 130 chiếc xe vận tải đầu tiên chở hàng hóa, đạn dược vào chiến trường miền Nam đi qua đường xế trong đêm 13/8/1968 an toàn, con đường còn giúp nối lại huyết mạch giao thông Bắc - Nam, cho đến ngày đế quốc Mỹ ngừng ném bom, quốc lộ 1A thông tuyến trở lại.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Các ĐVTN thị trấn Nghèn nghe bà Hà Thị Yêm kể chuyện về Chiến tích Làng K130.

Sự hy sinh của người dân làng Hạ Lội đã đi vào lịch sử, tô đậm tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Hà Tĩnh và làm nên huyền thoại chủ nghĩa anh hùng cách mạng “xe chưa qua, nhà không tiếc” lưu truyền trong Nhân dân.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của Nhân dân trong một đêm dời dọn 130 nóc nhà làm đường xế cho 130 chiếc xe chở hàng ra tiền tuyến, tỉnh Hà Tĩnh quyết định đặt tên làng Hạ Lội là Làng K130 và gọi chiến dịch vận chuyển này là Chiến dịch K130, đồng thời đầu tư xây dựng làng thành khu di tích lịch sử. Ngày 29/5/2006, Bộ VH-TT đã có Quyết định số 57/2006/QĐ-BVHTT xếp hạng Làng K130 là di tích lịch sử quốc gia.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Di tích lịch sử cấp quốc gia Làng K130 vừa được đầu tư xây dựng giai đoạn 1.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng

Trở lại thị trấn Nghèn trong một ngày tháng 7/2023, chúng tôi chứng kiến sức sống mới đang bừng sáng trên quê hương cách mạng. Làng Hạ Lội trũng thấp ngày xưa, nay đã là TDP K130 khang trang, với những ngôi nhà hiện đại, những con đường nhựa, bê tông rộng rãi.

Làng K130 được thành lập vào năm 2011 dựa trên tên cũ là thôn Minh Tiến và Tân Tiến thuộc làng Hạ Lội xưa. Năm 2020, xã Tiến Lộc sáp nhập vào thị trấn Nghèn, năm 2022, sáp nhập thêm thôn Hà Nam và lấy tên là TDP K130 như bây giờ. Hiện, TDP K130 có 350 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu, diện tích tự nhiên gần 150 ha.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Vẻ khang trang của những con đường TDP K130 hôm nay. Trong ảnh: Các ĐVTN thị trấn Nghèn (Can Lộc) và ông Nguyễn Xin - cựu Trung đội trưởng Dân quân xã Tiến Lộc (cũ).

Ông Nguyễn Duy Đạt - Phó Bí thư Chi bộ TDP K130 cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng, trong những năm qua, Nhân dân TDP K130 luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng quê hương, đất nước tại địa phương. Trong đó, thời điểm còn ở xã Tiến Lộc cũ, là đơn vị về đích xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã. Năm 2021, TDP K130 cũng là đơn vị đầu tiên của thị trấn Nghèn xây dựng thành công TDP văn minh”.

Từ TDP K130, nơi cực Nam của thị trấn Nghèn, chúng tôi di chuyển ra quốc lộ 1A về hướng Bắc, trong buổi trưa mùa hè, thị trấn trung tâm của huyện Can Lộc đang khoác lên mình sự khang trang, thịnh vượng. Nổi tiếng trong phong trào Xô viết những năm 1930-1931, anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ, ngày nay, Nhân dân thị trấn Nghèn đang ra sức phát huy tinh thần yêu nước để xây dựng quê hương.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Trung tâm hành chính thị trấn Nghèn hôm nay.

Toàn thị trấn có 19 TDP, thực hiện phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh, những năm qua, người dân đã hiến hàng nghìn m2 đất để mở đường, đóng góp hàng nghìn ngày công để chung sức xây dựng. Hiện đã có 9/20 TDP về đích TDP văn minh; năm 2023, toàn thị trấn có thêm 7 TDP đăng ký về đích TDP văn minh; phấn đấu đến năm 2024, toàn thị trấn có 19/19 TDP đều đạt TDP văn minh. Hiện, thị trấn Nghèn đã đạt 5/9 tiêu chí đô thị văn minh, đang phấn đấu 2 nhóm tiêu chí là quy hoạch giao thông và văn hóa, để cuối năm 2023 đạt 7/9 tiêu chí.

Cùng với phong trào xây dựng đô thị văn minh, thời gian qua, thị trấn Nghèn cũng không ngừng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Hiện, toàn thị trấn có 6.000 hộ dân, với hơn 21.300 nhân khẩu; gần 100 cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 59 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng.

Làng K130 và thị trấn Nghèn - quá khứ hào hùng nâng bước tương lai

Một góc đô thị văn minh của thị trấn Nghèn hôm nay.

Ý thức được giá trị của truyền thống lịch sử quê hương, thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền đến bà con nhân dân trong toàn thị trấn về giá trị, ý nghĩa của chiến tích Làng K130. Nhờ đó, đã khơi dậy tinh thần yêu nước để phát huy nội lực, tập trung mọi nguồn lực trong phong trào xây dựng NTM - đô thị văn minh, đạt nhiều kết quả. Tinh thần yêu nước “xe chưa qua, nhà không tiếc” mãi mãi là động lực quý báu để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Nghèn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của cha ông.

Ông Bùi Viết Hùng
Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống