Lão nông khai phá đồi hoang thành trang trại trù phú

(Baohatinh.vn) - Bằng sự cần cù, chăm chỉ, ông Dương Công Lưu đã "biến" vùng đất đồi Khe Xai (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trở thành trang trại tổng hợp cho thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 1990, ông Dương Công Lưu (SN 1968, trú thôn Đồng Sơn, xã Thạch Xuân) theo gia đình từ xã Thạch Đồng cũ (nay là phường Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đến sinh sống tại vùng đất Khe Xai (thuộc xã Thạch Xuân, Thạch Hà). Thời điểm đó, đồi Khe Xai là khu đất đồi rộng lớn, hoang hoá, cằn cỗi, khó canh tác.

bqbht_br_2.jpg
Vùng đất đồi Khe Xai từng khô cằn, hoang hoá, nay đã được "phủ xanh" bởi nhiều loại cây ăn quả.

Những ngày đầu di dân, gia đình ông Dương Công Lưu được cấp gần 10 ha để canh tác, phát triển kinh tế. “Nhiều người cho rằng tôi “dại” khi chọn mảnh đất khô cằn sỏi đá để sản xuất. Thế nhưng, tôi tin chỉ cần có ý chí và biết cách làm thì mảnh đất nào cũng có những giá trị và tiềm năng riêng. Ban đầu không có máy móc, thiết bị hỗ trợ, gia đình tôi phải tự tay cuốc đất, đổ sức người để vận chuyển từng xe đất, phân bón từ đồng bằng lên đồi, xây dựng hệ thống dẫn nước để phục vụ tưới tiêu” – ông Lưu kể.

Để cải thiện đất, ông Lưu bắt đầu phủ xanh đồi hoang bằng các loại cây như keo tràm, chè, sắn. Những loại cây này không chỉ giữ đất, chống xói mòn mà còn tạo độ ẩm tốt cho đất. Sau 5 năm cần mẫn bám đồi, vùng đất Khe Xai bắt đầu “hồi sinh”, trở nên màu mỡ, tươi tốt, đủ điều kiện để ông Lưu mở rộng diện tích, đa dạng hoá cây trồng và phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi.

bqbht_br_1.jpg
Ông Dương Công Lưu chăm sóc hàng trăm gốc cam đang trong giai đoạn ra hoa.

Hiện nay, trang trại của ông Lưu có hơn 120 gốc cam chanh cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả/năm, 100 gốc bưởi da xanh cho thu hoạch hơn 3 tấn quả/năm, hơn 7 ha gốc keo tràm, hơn 200 gốc đào phai, 3 sào chè và khoảng 20 gốc vải. Ông còn kết hợp chăn thả đàn bò 6 con và hàng trăm con gà đồi. Mỗi năm, trang trại tổng hợp của ông Lưu đem về mức thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng.

Không những chăm chỉ trong lao động hằng ngày, ông Lưu còn chịu khó tìm hiểu về các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, ông đảm bảo được chất lượng sản phẩm, nâng cao lợi nhuận và tiết kiệm chi phí sản xuất. “Tôi thường tìm hiểu và tự ủ các chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt, gừng để phun phòng sâu bệnh trên cây cam, bưởi; dùng túi bọc và treo các bẫy sinh học để phòng côn trùng phá hoại quả. Nhờ đó, các loại quả giữ được chất lượng ngon, an toàn, được khách hàng ưa chuộng” – ông Lưu cho biết.

bqbht_br_4.jpg
Không chỉ trồng cây ăn quả, ông Lưu còn chăn thả bò và gà để nâng cao thu nhập.

Những ngày này, người lao động làm việc cho gia đình ông Lưu đang tất bật làm đất, chăm sóc hàng trăm gốc đào sau Tết; nhiều diện tích đã được quy hoạch sẵn, chuẩn bị đủ điều kiện để xuống giống hơn 300 gốc thanh long.

Ông Trần Văn Minh (thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân) chia sẻ: “Công việc làm cỏ, chăm sóc cây trồng tại trang trại phù hợp với nhiều lao động địa phương, nhờ đó, chúng tôi có thêm thu nhập từ 250.000 – 300.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, tôi cũng được ông Lưu trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất đồi của gia đình”.

bqbht_br_5.jpg
bqbht_br_6.jpg
Lao động làm việc tại trang trại ông Lưu tập trung "hồi sinh" hàng trăm gốc đào sau Tết.

Ông Dương Công Lưu cũng là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đồng Sơn. Cùng với chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông thường xuyên kết nối, hướng dẫn cho hội viên kỹ thuật làm vườn, chăm sóc cây cối, mở rộng sản xuất để phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, vùng đồi Khe Xai đã xây dựng được 5 mô hình kinh tế trang trại, cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Để tận dụng tối đa tiềm năng của vùng đất đồi, cảnh quan hồ Khe Xai, thời gian tới, ông Dương Công Lưu dự kiến phát triển các diện tích trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để mở rộng chăn nuôi, phát triển du lịch sinh thái.

Thời gian qua, xã Thạch Xuân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trang trại tại vùng đồi Khe Xai. Ông Dương Công Lưu là một trong những người tiên phong, tạo động lực giúp nhiều hộ khác cùng gây dựng sự nghiệp, tích cực sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, ông Lưu còn là một chi hội trưởng nông dân năng nổ, nhiệt tình, được chính quyền địa phương tin tưởng và bà con Nhân dân quý mến.

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Xuân

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.
Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.
Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Giữa khúc giao mùa cuối xuân, đầu hạ, những cánh đồng lúa lại rạo rực vào thì con gái, chuẩn bị cho hành trình sinh trưởng mới giữa những mong ngóng, đợi chờ của người nông dân.
Mùa “săn” sản vật biển ở Hà Tĩnh

Mùa “săn” sản vật biển ở Hà Tĩnh

Sở hữu ngư trường rộng lớn cùng nguồn hải sản phong phú, giá trị, mùa hè là lúc ngư dân các làng chài ven biển Hà Tĩnh hào hứng ra khơi, mang về "lộc biển" phục vụ khách du lịch gần xa.