Lo cây tiêu chết vì hạn, nông dân Hà Tĩnh thu hoạch sớm

(Baohatinh.vn) - Tuy chưa đến kỳ thu hoạch, song do hạn hán dài ngày nên nhiều hộ dân trồng tiêu tại xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phải thu hoạch sớm vì lo cây chết.

Giếng nước nhà chị Đông đã trơ đáy, cạn khô từ hơn 20 ngày.

Hơn 20 ngày nay, giếng nước gia đình chị Cao Thị Đông ở thôn Nam Sơn, xã Cẩm Thịnh đã trơ đáy. Nước sinh hoạt, ăn uống cho 5 nhân khẩu phải lấy từ nhà ông Nguyễn Hữu Nghiêu vì ông sống 1 mình, sử dụng ít nên giếng vẫn còn nước. Nước đi xách từng thùng, lại khan hiếm nên gia đình chị phải dùng rất tiết kiệm.

Vợ chồng chị cũng đang “mất ăn mất ngủ” vì hơn 200 gốc tiêu sắp đến mùa thu hoạch đang có nguy cơ héo khô. Nắng hạn, khô nóng, thiếu nước tưới làm cây tiêu không còn đủ sức nuôi hạt đến khi chín. Theo chị Đông, hạt tiêu hiện chưa đủ độ già, khoảng hơn 2 tuần nữa mới vào đúng vụ nhưng phải hái sớm vì nhiều cây đã vàng và rụng lá.

Hái tiêu non đã đành, nhưng cũng chẳng thể ngồi nhìn vườn tiêu héo rũ, mỗi ngày chị Đông phải ra sông cách nhà hơn 1km chở nước về tưới, dù chẳng thấm vào đâu.

Nhiều cây đã rụng lá, người nông dân phải tranh thủ hái tiêu dù chưa đến kỳ thu hoạch.

Dẫn chúng tôi ra vườn trồng tiêu, chị Đông cho hay: “Năm nay hái tiêu non, hạt tiêu chưa đủ độ chín, nhẹ cân hơn nên tính ra thiệt hại rất nhiều về cả năng suất lẫn giá cả. Nhưng, nếu không hái, cây mà chết thì lại mất hết. Đất khô cứng, nước lấy bằng can, bằng thùng, đổ vào gốc tiêu cũng chẳng ăn thua nhưng cố cứu được cây nào hay cây đó. Nếu nắng nóng cứ kéo dài, chưa biết có giữ được vườn tiêu hay không”.

Tiêu hái non gây thiệt hại về cả năng suất lẫn giá cả.

Trong khi đó, nhiều gốc tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (thôn Sơn Nam) cũng đã chuyển sang màu vàng, nhiều dây tiêu bắt đầu rụng lá.

Bà Loan cho biết: “5 gốc tiêu đã chết trụi, trơ cọc xi măng, nhiều cây khác thì héo và vàng lá. Những ngày này, trời nắng nóng nhưng vợ chồng tôi phải tranh thủ hái tiêu dù hạt tiêu chưa già. Còn nước sinh hoạt, may mắn hơn nhiều gia đình khác là nước giếng khoan vẫn còn nhưng chúng tôi phải tiết kiệm hết mức. Tình trạng thiếu nước thế này đã xảy ra nhiều năm nhưng không đến mức trầm trọng và khô hạn như năm nay”.

Một số cây tiêu nhà bà Loan đã rụng trụi lá, trơ cọc xi măng.

Không chỉ chị Đông, bà Loan, nhiều gia đình ở thôn Sơn Nam, Sơn Trung, Tiến Thắng (xã Cẩm Thịnh) cũng đang rơi vào hoàn cảnh này. Các giếng nước đều gần như cạn khô và người dân phải ra sông lấy nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Được biết, vào mùa khô hạn, người dân ở đây thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nước từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, năm nay do hạn hán thời gian dài nên bà con chật vật, khó khăn hơn.

Mỗi ngày, chị Đông phải ra sông chở nước về để cứu cây.

Ông Nguyễn Hữu Phúc – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thịnh cho biết: Thôn Tiến Thắng có 185 hộ dân thì hơn 1/2 thôn thiếu nước. Còn 2 thôn Sơn Nam, Sơn Trung với tổng hơn 360 hộ thì hầu như đều thiếu nước sinh hoạt lẫn tưới tiêu sản xuất. 3 thôn này, kinh tế người dân phụ thuộc nhiều vào làm vườn như trồng tiêu, cam, chanh nên hạn hán kéo dài gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, hơn 30 hộ dân trồng tiêu sắp đến mùa thu hoạch thì đang “ngồi trên đống lửa” vì nguy cơ cây tiêu héo khô.

Theo ông Phúc, thiếu nước vào mùa hè, ảnh hưởng đến đờì sống, sản xuất của người dân là một trong những “bước cản” lớn của xã Cẩm Thịnh trong quá trình thực hiện các tiêu chí để về đích nông thôn mới.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói