Năm 2019 Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 80 xã, trong đó 51/63 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 19 xã liên quan, 10 xã thuộc diện khuyến khích.
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, việc tách, nhập các đơn vị hành chính cho phù hợp và thuận tiện trong quản lý ở từng thời kỳ là cần thiết. Do lịch sử để lại và do nguyên nhân chủ quan, đến nay sau hơn 30 năm nhiều tỉnh, huyện, xã được thành lập mới làm cho bộ máy hành chính các cấp thêm cồng kềnh, nhiều đơn vị hành chính không đạt các tiêu chí về diện tích và quy mô dân số, gây lãng phí nhiều mặt.
Trước tình hình đó, nhằm lựa chọn bài toán tối ưu về quản lý, quán triệt các nghị quyết của Đảng và nhà nước, Hà Tĩnh đã lập đề án trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, đồng thời tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Theo đó, trong năm 2019 Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 80 xã, trong đó 51/63 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 19 xã liên quan, 10 xã thuộc diện khuyến khích. Đây là chủ trương lớn, hợp lòng dân và được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều người và gặp không ít khó khăn cần giải quyết. Đó là tình trạng dư thừa đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và nhất là chuyển từ quản lý các đơn vị hành chính quy mô nhỏ sang các xã rộng lớn hơn, dân số đông hơn...
Đảng viên các xã bày tỏ ý kiến bằng phiếu về sáp nhập xã Khánh Lộc với Vĩnh Lộc
Trong đó, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới cũng gặp không ít khó khăn, nếu không tập trung lãnh đạo, hướng dẫn thì dẫn đến tuỳ tiện, không đạt được nhiều ý nghĩa về mặt văn hoá.
Danh xưng một địa phương nhìn từ lý thuyết định danh là tín hiệu hai mặt, nói dễ hiểu là tên gọi (vỏ ngôn ngữ) và ý nghĩa lịch sử - văn hoá của tên gọi (nội dung biểu đạt). Một tên gọi hay, đẹp cả về ngôn từ và mang ý nghĩa sâu sắc sẽ là niềm tự hào của người dân một vùng quê, có tính nối kết tình cảm, giữ gìn truyền thống cha ông, truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho thế hệ hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
Vì vậy, đây là công việc hệ trọng, chứa đựng tầm nhìn văn hoá cả trước mắt và lâu dài. Mọi biểu hiện tuỳ tiện, dễ dãi, mang tính cục bộ địa phương sẽ dẫn đến sai sót trong lựa chọn đặt tên cho các đơn vị hành chính mới, không thể cải sửa dù sau này có muốn khi đã thành pháp lệnh, chính danh.
Để việc đặt tên các đơn vị hành chính mới được đúng đắn, có ý nghĩa văn hoá, tôi xin có mấy kiến nghị, đề xuất sau:
Trước hết, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý trong lựa chọn tên mới cho địa phương mình.
Trụ sở UBND xã Song Lộc đang được sửa sang, nâng cấp để trở thành trung tâm hành chính của xã mới sau sáp nhập
Hai là, cần dựa vào các tên gọi cũ của cha ông để lại để kế thừa. Những nơi không tìm được những tên có ý nghĩa truyền thống thì nên dựa vào các yếu tố lịch sử văn hoá, địa lý (sông, núi), di tích, danh nhân, chiến tích để lựa chọ tên mới. Cũng có thể ghép tên các xã từ các thành tố có ý nghĩa để tạo nên các tên xã mới mang dấu ấn của quá khứ nhưng hàm súc về ý nghĩa. Tuyệt đối tránh cách gán ghép máy móc, không có ý nghĩa văn hoá...
Ba là, tỉnh, huyện và các xã nên tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hoá, các bậc lão thành để bằng kinh nghiệm, hiểu biết họ sẽ giúp thẩm định, lựa chọn tên mới cho các địa phương phù hợp, có ý nghĩa văn hoá, xứng tầm vóc quê hương trong thời kỳ phát triển mới.
Được như vậy, chắc chắn sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc trong công việc hệ trọng này, tôn vinh bản sắc văn hoá từng vùng quê trong thời kỳ mới, vươn tới giàu đẹp, hùng cường.