Lùi khỏi miệng hố chiến tranh, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đi về đâu?

Với việc Islamabad tiếp tục ủng hộ phiến quân Kashmir, một cuộc khủng hoảng tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Và tùy thuộc vào quy mô của cuộc trả đũa từ Ấn Độ, hai kình địch có thể bị đẩy tới một cuộc đối đầu gay gắt hơn, thử thách giới hạn của họ trước một cuộc chiến tranh toàn diện khác.

Lùi khỏi miệng hố chiến tranh, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đi về đâu?

Binh lính và người dân Ấn Độ tụ tập gần một xác máy bay quân sự rơi ở Budgam, ngoại ô Srinagar, thuộc Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 27/2. Ảnh: AP

Lần đầu tiên trong gần 5 thập kỷ, Ấn Độ và Pakistan lại đối đầu trên bầu trời. Ngày 26/2, phi đội máy bay chiến đấu Ấn Độ đã tiến vào không phận Pakistan, không kích mục tiêu mà New Delhi cho là trại huấn luyện của Jaish-e-Mohammed (JeM), nhóm phiến quân Pakistan chịu trách nhiệm vụ tấn công liều chết hôm 14/2 nhằm vào một đoàn xe bán quân sự ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Ngay ngày hôm sau, phi đội gồm 24 máy bay chiến đấu Pakistan mở các cuộc không kích trả đũa ngang qua Ranh giới Kiểm soát (LoC), chia đôi khu vực tranh chấp giữa hai quốc gia ở Kashmir. Phía Ấn Độ xuất kích những chiếc MiG-21, Su-30 và Mirage 2000, không chiến với đội máy bay hiện đại của Pakistan. Cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố trái ngược về việc bắn hạ máy bay đối phương. Quân đội Pakistan đã bắn rơi máy bay Ấn Độ, bắt giữ phi công và trao trả tù binh cho New Delhi vào ngày 1/3.

Trong lúc hai quốc gia tiếp tục tranh cãi về tính xác thực của những tuyên bố từ phía đối phương, việc trao trả phi công đã cho phép Pakistan và Ấn Độ “chuyển kênh” từ giai đoạn không kích nguy hiểm sang một giai đoạn dễ kiểm soát hơn, liên quan tới các nỗ lực ngoại giao mặc dù vẫn còn những cuộc pháo kích lẻ tẻ qua Ranh giới Kiểm soát.

Mặc dù vậy, căng thẳng mới nhất giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á cho thấy Ấn Độ đang sử dụng các chiến thuật “thẳng thừng” hơn chống lại sự hậu thuẫn của Pakistan cho các lực lượng phiến quân Kashmir. Và điều đó có nghĩa, một đợt tấn công - trả đũa tiếp theo giữa hai kình địch hầu như chắc chắn sẽ còn nguy hiểm hơn lần này.

Lùi khỏi miệng hố chiến tranh, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đi về đâu?

Binh lính Pakistan đứng bên cái mà họ tuyên bố là xác máy bay chiến đấu Ấn Độ bị bắn rơi ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát vào ngày 27/2. Ảnh: AFP/Getty Images

Tất cả bắt đầu từ đâu

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan xung quanh Kashmir là gốc rễ của mối quan hệ thù địch giữa hai nước và bắt nguồn từ thời điểm hai quốc gia láng giềng Nam Á giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1947. Nước Anh trước đó đã chia tách khu vực thuộc địa ở Nam Á thành Ấn Độ và một quốc gia mới là Pakistan ngày nay. Trong khi đó, với tư cách là một bang bán chủ quyền, Kashmir vẫn là một vùng lãnh thổ chưa được định đoạt giữa hai quốc gia.

Là một quốc gia Hồi giáo, có vẻ như "thuận tự nhiên" khi Pakistan kiểm soát Kashmir, khu vực cũng có đa số dân Hồi giáo. Islamabad lo ngại việc trao hoàn toàn Kashmir cho New Delhi sẽ cho nước láng giềng “trên cơ” này thêm quyền lực kiểm soát các tuyến đường thủy then chốt.

Trong khi đó, Ấn Độ từ chối nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ ở Kashmir và lo ngại rằng một sự nhượng bộ sẽ tạo thêm động lực cho những phong trào tự trị khác.

Trong lịch sử, Pakistan đã nhiều lần tìm cách lấn chiếm xuống bang tranh chấp bằng vũ lực dẫn đến các cuộc chiến tranh với Ấn Độ. Sau cuộc xung đột Pakistan - Ấn Độ lần thứ hai tại Kashmir vào năm 1965, hai bên lại dính vào một cuộc chiến hao người tốn của khác xung quanh số phận khu vực Đông Pakistan vào năm 1971, nay là Bangladesh.

Quy chế hiện tại của Kashmir

Lùi khỏi miệng hố chiến tranh, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đi về đâu?

Lính biên phòng Ấn Độ tuần tra bên Ranh giới Kiểm soát ở Kashmir. Ảnh: AFP

Kashmir hiện nay được chia tách làm 7 khu vực, được quản lý bởi ba quốc gia khác nhau, gồm: Pakistan, quản lý vùng Gilgit-Baltistan và Azad Kashmir; Ấn Độ: bang Jammu, Ladakh, Thung lũng Kashmir; và Trung Quốc quản lý Aksai Chin và Tran-Karakoram. Ấn Độ tuyên bố chủ quyền với cả 7 khu vực, trong khi Pakistan chỉ tuyên bố chủ quyền với những vùng mà nước này và Ấn Độ đang kiểm soát, tức là không xung đột chủ quyền với Trung Quốc.

Năm 1989, vấn đề tự trị của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát cuối cùng đã bùng phát thành một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Ấn Độ trong khu vực – tạo cơ hội cho Pakistan hậu thuẫn một loạt nhóm phiến quân chống Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm cả JeM (như vụ tấn công ngày 14/2).

Trong khi đó, Pakistan cho rằng họ ủng hộ quyền tự định đoạt chính đáng của Kashmir, chỉ trích Ấn Độ vi phạm nhân quyền.

Lùi khỏi miệng hố chiến tranh, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đi về đâu?

Ấn Độ tuyên bố một máy bay MiG-21 Bison của họ (ảnh phải) đã bắn hạ một chiếc F-16 Pakistan trang bị tên lửa không đối không R73 (ảnh trái).

Năm 2016, căng thẳng từng đẩy hai nước tới miệng hố chiến tranh. Cái chết của thủ lĩnh nhóm vũ trang Hizbul Mujahideen đã dẫn đến nhiều tháng biểu tình bạo lực ở bang Jammu - Kashmir làm trên 120 người chết. Hai tháng sau, phiến quân tấn công doanh trại gần thị trấn Uri, bang Jammu, giết chết 17 lính Ấn Độ, khiến New Delhi trút đòn trả đũa lên phiến quân bên kia LoC. Mặc dù xung đột qua lại nhiều thập kỷ qua, hai bên chưa bao giờ tiến hành không kích tại Kashmir cho đến vụ việc vừa qua.

"Đùa với lửa"

Trong ngắn hạn, việc New Delhi có tiếp tục phát động động tấn công Pakistan hay không sẽ phụ thuộc lớn vào chiến dịch tái tranh cử của Thủ tướng Narendra Modi. Ông Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) đối mặt một cuộc bầu cử khó khăn vào tháng 5 tới, trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang trì trệ, ít việc làm mới được tạo ra cộng với tâm lý bất bình trong tầng lớp nông dân. Để thu hút thêm sự ủng hộ trước bầu cử, ông Modi có thể sẽ sử dụng căng thẳng ở Kashmir để thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, người có khả năng tốt nhất bảo vệ đất nước chống lại Pakistan.

Lùi khỏi miệng hố chiến tranh, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đi về đâu?

Vấn đề Kashmir ảnh hưởng lớn tới chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Modi và đảng cầm quyền Ấn Độ BJP trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 tới. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, Thủ tướng Modi đã bắt đầu đưa vụ không kích ở Kashmir vào chương trình vận động tranh cử, thể hiện qua những bài diễn văn gần đây của ông ở bang Bihar và Uttar Pradesh – hai bang đông dân nhất Ấn Độ và là những chiến địa quyết định việc BJP có giành được đa số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới hay không.

Nếu như những bài diễn văn hùng hồn của Thủ tướng Modi không biến thành một làn sóng leo thang nữa trong những tháng tới, thì quan hệ Ấn Độ - Pakistan, với việc Islamabad tiếp tục ủng hộ phiến quân Kashmir, cũng sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp theo trên vùng lãnh thổ tranh chấp này, khi Ấn Độ tấn công phiến quân và Pakistan đáp trả. Và tùy thuộc vào quy mô của cuộc trả đũa từ Ấn Độ, hai kình địch có thể bị đẩy tới một cuộc đối đầu gay gắt hơn, thử thách giới hạn của họ trước một cuộc chiến tranh toàn diện khác.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.
Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.