Sau gần 3 tháng thả nuôi, trại tôm của anh Lê Văn Sỹ ước đạt sản lượng trên 22 tấn.
Quá trình nuôi trồng, anh Lê Văn Sỹ nhận thấy nuôi tôm theo quy trình tuần hoàn nước có nhiều ưu điểm, đặc biệt là quản lý tốt nguồn nước ao nuôi, hạn chế được các loại bệnh tật. Tháng 1/2023, anh đầu tư hàng tỷ đồng, thuê nhân công, máy móc xây dựng lại hệ thống ao đầm và đầu tư thiết bị hiện đại để thả nuôi theo quy trình này.
Trên tổng diện tích 3 ha, anh Sỹ đã dành 2/3 diện tích để xây dựng ao gồm: 1 ao lắng, 1 ao xử lý nước đầu vào, 1 ao gom nước xả thải từ ao nuôi, 2 ao chứa nước đã được xử lý qua lớp lọc sinh học và 1 ao cuối cùng được gọi là ao sẵn sàng (chứa nguồn nước đảm bảo tất cả các yếu tố để cấp vào ao nuôi bất cứ khi nào cần).
Hệ thống ao nuôi được đầu tư bài bản để hạn chế ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển của tôm.
Mô hình được Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chi tiết về quy trình chăm sóc.
Nguồn nước ao nuôi không xả ra môi trường mà được xử lý để tái sử dụng theo một chu kỳ khép kín tuần hoàn, mọi yếu tố môi trường đều được kiểm soát tốt. Từ đó, cho phép nuôi dài ngày với mật độ cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm được nguồn nước, giảm chi phí sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn. Ngoài ra, tôm được nuôi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường giúp hấp thụ dinh dưỡng triệt để, tăng cường sức đề kháng.
Anh Lê Văn Sỹ thu hoạch tôm bán cho thương lái.
Sau quá trình cải tạo hệ thống ao đầm, anh Sỹ bắt đầu thả giống từ đầu tháng 5/2023 với số lượng giống là 100 vạn con, mật độ 250 con/m2. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, tôm đạt tỷ lệ sống 85%, trọng lượng 38 con/kg, sản lượng ước đạt hơn 22 tấn, mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng cho gia đình.
Được biết, mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ tuần hoàn nước lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn huyện. Đây cũng là mô hình điểm để các hộ dân tại địa phương tham quan học tập kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới.