Mùa “hái lộc” nhung đầu xuân, người dân Hương Sơn ước thu khoảng 120 tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - Hương Sơn (Hà Tĩnh) là địa phương có số lượng đàn hươu lớn nhất tỉnh với trên 42.000 con. Mùa “hái lộc” nhung huơu năm nay, bà con toàn huyện ước thu về khoảng 120 tỷ đồng.

Mùa “hái lộc” nhung đầu xuân, người dân Hương Sơn ước thu khoảng 120 tỷ đồng

Ông Nguyễn Văn Lộc - thôn Trung Thịnh xã Sơn Trung chăm sóc đàn hươu sau khi cắt lộc

Niềm vui đến với gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (thôn Trung Thịnh, xã Sơn Trung) trong những ngày này khi 6 cặp nhung hươu trọng lượng hơn 6 kg, xuất bán với giá hơn 75 triệu đồng. “Giá nhung năm nay vẫn như mọi năm, dao động từ 12 - 14 triệu đồng/kg nhưng nhờ chăm sóc chu đáo nên sản lượng cao hơn 2kg so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Lộc vui vẻ cho biết.

Vốn có thâm niên hàng chục năm trong nghề nuôi hươu nên dù nuôi số lượng không lớn, chỉ 11 con hươu (6 hươu đực, 5 hươu cái) nhưng thu nhập mỗi năm từ việc bán nhung và hươu giống của ông Lộc cũng gần 200 triệu đồng. Riêng dịp tết Nguyên đán hằng năm, ông Lộc thu về từ 50 - 80 triệu đồng.

Mùa “hái lộc” nhung đầu xuân, người dân Hương Sơn ước thu khoảng 120 tỷ đồng

Gia đình ông Phạm Văn Bồng bổ sung chất dinh dưỡng cho hươu đực để chuẩn bị cắt nhung.

Ngoài cho hươu ăn các loại rau cỏ như ngày thường, dịp này ông Phạm Văn Bồng (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung) còn bổ sung thêm nhiều loại chất dinh dưỡng như: ngô cám, ngô bột, nếp lứt... cho đàn hươu 10 con, trong đó có 8 hươu đực để sau rằm tháng Giêng sẽ tiến hành thu hoạch nhung.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung Trần Song Hào, toàn xã có khoảng 600 hộ tại 11 thôn nuôi hươu với hơn 4.000 con. Mỗi năm thu hoạch từ nhung hươu và hươu giống đạt khoảng 2,2 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm từ hươu không phải lo đầu ra nên bà con rất phấn khởi. Dịp tết Nguyên đán năm nay toàn xã có khoảng 40% hộ nuôi hươu xuất bán nhung.

Mùa “hái lộc” nhung đầu xuân, người dân Hương Sơn ước thu khoảng 120 tỷ đồng

Cặp nhung hươu sắp cắt của gia đình ông Phạm Văn Bồng có trọng lượng khoảng 0,8kg.

Không chỉ ở Sơn Trung, thời điểm này, nhiều hộ gia đình ở xã Sơn Giang cũng phấn khởi vì đến mùa thu hoạch nhung hươu. Đàn hươu của anh Nguyễn Quang Thắng (thôn 8, xã Sơn Giang) gần 40 con, chủ yếu là hươu đực. Đầu năm 2023, anh Thắng cắt 8 cặp nhung có tổng trọng lượng hơn 7kg, thu về hơn 80 triệu đồng. Theo nhẩm tính, mỗi năm anh Thắng thu lợi khoảng 400 triệu đồng từ chăn nuôi hươu.

“Sơn Giang hiện có hơn 4.100 con hươu, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập gần 2,5 tỷ đồng từ chăn nuôi hươu cho người dân địa phương” - Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Nguyễn Đức Thắng cho hay.

Mùa “hái lộc” nhung đầu xuân, người dân Hương Sơn ước thu khoảng 120 tỷ đồng

Anh Nguyễn Quang Thắng chăm sóc đàn hươu sau thu hoạch nhung.

Ở Hương Sơn hầu như xã nào cũng có 30 - 40% số hộ dân nuôi hươu. Mỗi cặp nhung có trọng lượng trung bình từ 0,8kg - 1kg nhưng với những con được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt sẽ đạt trọng lượng 1,5kg - 2kg/cặp. Những năm trước, người chăn nuôi chỉ lấy được một lứa lộc nhung/năm nhưng gần đây nhờ tập trung chăm sóc nên rất nhiều hộ đã thu hoạch 2 lứa lộc nhung/năm (tháng 1 - 4 và tháng 6 - 9).

Theo người dân, từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch là chính vụ thu hoạch nhung. Đây cũng là thời điểm chất lượng nhung tốt nhất. Thông thường, hươu con sau khi sinh ra đến khi lên chóc (lứa đầu) khoảng 8 tháng. Hơn 5 tháng sau khi cắt sẽ có lứa nhung trái vụ nhưng nhỏ hơn.

Mùa “hái lộc” nhung đầu xuân, người dân Hương Sơn ước thu khoảng 120 tỷ đồng

Chăn nuôi huơu mang về thu nhập khá cho người dân huyện Hương Sơn.

Để đàn hươu có sức khỏe tốt, cho ra lộc nhung đẹp, đều với trọng lượng lớn, trước đó, người dân Hương Sơn tập trung tiến hành bổ sung chất dinh dưỡng để hươu đổ đế với thức ăn chủ yếu là cơm, lạc, ngô, khoai, sắn... Khi hươu bắt đầu ra lộc, bà con càng có chế độ chăm sóc đặc biệt, cho ăn những loại giàu chất béo để lộc nhung phát triển nhanh, chất lượng cũng cao hơn.

Đàn hươu ở Hương Sơn hiện nay trên 42.000 con, sản lượng nhung thu hoạch hằng năm ước đạt từ 16 - 18 tấn (tương ứng với 250 - 270 tỷ đồng). Nhung hươu không chỉ là sản phẩm chủ lực của địa phương mà còn là sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung. Bây giờ là thời điểm đầu mùa thu hoạch nhung và kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Mùa “hái lộc” này, bà con toàn huyện ước thu về khoảng 120 tỷ đồng từ nhung hươu.

Ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.