Mưa rào không chỉ cung cấp nguồn nước tưới mà còn bổ sung lượng đạm tự nhiên quý giá cho cây lúa bước vào kỳ sinh trưởng quan trọng.
Vừa kết thúc đợt bón thúc đầu tiên cách đây chưa lâu thì đồng ruộng đón mưa khiến cho bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Liên Vinh, Thạch Đài (Thạch Hà) vô cùng phấn khởi. Ở vào giữa kỳ đẻ nhánh, lúa cần được thúc đẩy sinh trưởng thì cơn mưa đúng thời điểm kèm theo sấm chớp chẳng khác nào nguồn dinh dưỡng vô giá đối với đồng ruộng.
“Nhà tôi làm hơn 2 mẫu lúa, có trà đã bắt đầu phân đốt để chuẩn bị cho giai đoạn đòng, có trà đang đẻ nhánh. Đợt mưa rào sớm này vừa cung cấp dinh dưỡng dưới gốc lẫn trên ngọn. Có đủ nước nuôi cây dưới chân ruộng, mưa kèm theo sấm chớp còn bổ sung cho lúa lượng đạm tự nhiên để lúa sinh trưởng khỏe” - bà Nguyễn Thị Thu cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phúc (thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) thăm đồng, sửa sang lại màng chắn chuột phá hại.
Theo kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Phúc ở thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên): “Một trận mưa bằng ba lần đạm đấy cháu ạ. Cách đây hơn tháng, vùng đồng này bị ngập phải cấy lại nên tôi cũng khá lo lắng vì sợ cây không “bén” kịp các trà khỏe khác. Thật may là lượng mưa nhỏ, có sấm chớp kèm theo thì chẳng còn gì bằng. Năm nay, mưa rào đến sớm, dự báo sẽ đón một vụ xuân bội thu”.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, lượng mưa kéo dài từ đêm mùng 3 - 5/3, ở khu vực Hà Tĩnh phổ biến ở mức 30 - 50 mm. Ngoài TP Hà Tĩnh (68 mm) thì các khu vực còn lại đều xảy ra mưa rào nhỏ, rải rác và giảm dần. Đến ngày 5/3, lượng mưa chỉ còn lại phổ biến ở 30 mm và kết thúc vào chiều nay.
Mưa không lớn, đồng ruộng được cấp lượng nước vừa đủ, giúp bà con đỡ công chăm bón.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, các trà lúa xuân đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, những trà sớm đã kết thúc đẻ nhánh. Đợt mưa rào đầu vụ này đã đến đúng lúc đối với kỳ sinh trưởng của cây lúa. Mưa không kéo dài, xuất hiện sấm chớp phóng tia lửa điện, thực hiện chuỗi phản ứng hóa học cho khí nitơ trong tự nhiên kết hợp với nước và oxy để trở thành đạm nitorat, chuyển hóa thành dinh dưỡng cung cấp nguồn thức ăn cho cây lúa phát triển khỏe.
Cùng với đó, đồng ruộng được cung cấp đủ nước sẽ tiết kiệm được nước tưới từ các hệ thống thủy lợi, dành nước cho cuối vụ khi thời tiết nắng nóng xảy ra”.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, các địa phương vẫn phải đề cao cảnh giác sự phát sinh của bệnh đạo ôn sau mưa
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, mặc dù là cơn mưa “vàng” cho sinh trưởng, nhưng thời tiết ẩm ướt cũng là điều kiện cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh gây hại.
Bởi vậy, bà con nông dân cần phải chủ động theo dõi đồng ruộng, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các dấu hiệu của bệnh theo hướng dẫn. Tuyệt đối không để bệnh có điều kiện phát sinh diện rộng sau mưa.